Ảnh minh họa |
(GD&TĐ) - Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho biết sẽ tổ chức điều tra đến tận hộ gia đình để thống kê chính xác số người mù chữ trong độ tuổi từ 15 - 60.
Từ việc thống kê này, sẽ phân nhóm theo địa bàn, dân tộc, giới tính ... Trên cơ sở đó, có kế hoạch cụ thể xóa mù chữ cho từng đơn vị cấp huyện, xã, phường, thị trấn; để phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho các đoàn thể, tổ chức, cá nhân tham gia vận động các đoàn viên, hội viên chưa biết chữ ra lớp học xóa mù chữ; tham gia tổ chức lớp học và trực tiếp dạy xóa mù chữ.
Sở cũng sẽ tổ chức các lớp học xóa mù chữ phù hợp với tập quán sinh hoạt của cộng đồng dân cư, dân tộc thiểu số; phù hợp với người khiếm thị, khiếm thính; phát huy vai trò của các người già, lớn tuổi có uy tín trong dòng họ, xóm ấp, khu phố trong việc vận động người mù chữ ra lớp học.
Hàng năm, đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh định mức chi cho công tác chống mù chữ phù hợp với tình hình thực tế địa phương; tăng cường giáo viên chuyên trách chống mù chữ và phổ cập giáo dục cho các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các xã nông thôn mới.
Ban chỉ đạo Chống mù chữ và phổ cập giáo dục tỉnh Vĩnh Long cũng đã triển khai Kế hoạch thực hiện Đề án “Xóa mù chữ đến năm 2020”. Mục tiêu đến năm 2015, xóa mù chữ cho khoảng 1.350 người độ tuổi 15 – 60; nâng tỉ lệ người biết chữ trong toàn tỉnh lên 96,7%; xóa mù chữ cho 120 người dân tộc, nâng tỉ lệ người dân tộc biết chữ lên 91,5%.
Trong độ tuổi 15 – 35, xóa mù chữ cho 730 người, nâng tỉ lệ người biết chữ đạt 98,7%. Có 80% số người mới biết chữ tiếp tục tham gia học tập với nhiều hình thức khác nhau nhằm củng cố vững chắc kết quả biết chữ; 90% đơn vị cấp huyện và 90% đơn vị cấp xã đạt chuẩn chống mù chữ .
Lập Phuơng
TIN LIÊN QUAN |
---|