Đổi mới cách tiếp cận để triển khai chương trình nhà trường có bản sắc

GD&TĐ - Để triển khai chương trình nhà trường có bản sắc, các trường được chọn thí điểm đã phải huy động nhiều nguồn lực để tổ chức lại nội dung giáo dục, dạy học, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, phối hợp với các lực lượng giáo dục ngoài nhà trường để tạo môi trường cho học sinh thực hiện các hoạt động nhằm phát huy năng lực của bản thân và biến nhận thức thành hành động.

Đổi mới cách tiếp cận để triển khai chương trình nhà trường có bản sắc

Là cơ sở giáo dục tiên phong triển khai thí điểm phát triển chương trình giáo dục nhà trường, cô Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành chia sẻ những kinh nghiệm từ thực tiễn cũng như bài học kinh nghiệm để triển khai hiệu quả hơn nữa chương trình này.

5 bước xây dựng kế hoạch giáo dục

Cô Nguyễn Thị Thu Anh chia sẻ, ngay từ tháng 4/2013, Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành đã chủ động mời chuyên gia, nhà khoa học góp ý và đề xuất ý kiến để định hướng, xây dựng chương trình giáo dục phát triển năng lực học sinh (HS). Định hướng đổi mới của các nhà khoa học như PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, GS.TS Đinh Quang Báo, TS Vũ Đình Chuẩn, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, PGS.TS Đào Thái Lai,… đã tạo nền tảng và xác định một hướng triển khai cụ thể cho Đề án trường thực hành phát triển năng lực HS của nhà trường.

Theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Thu Anh, kế hoạch giáo dục của nhà trường được tổ chức xây dựng theo 5 bước. Theo đó, bước đầu tiên là phân tích bối cảnh, đánh giá nhu cầu giáo dục. Dựa trên thông tin chung về đặc điểm, nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của Hà Nội và các vùng lân cận; về đặc điểm, nhu cầu phát triển và kỹ năng của HS; về mong đợi của cha mẹ HS đối với tương lai của con em mình; về khả năng của HS và các điều kiện đảm bảo như cơ sở vật chất, các nguồn nhân lực của trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, nhà trường quyết định lựa chọn mô hình phát triển năng lực HS phù hợp với xu hướng của thế giới, đáp ứng mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT phù hợp với các nguồn lực đang có.

Bước 2, xây dựng sứ mệnh, mục tiêu giáo dục và các giá trị cốt lõi, trường căn cứ vào các nguồn lực là cơ sở vật chất, chất lượng đội ngũ, sự hỗ trợ của Trường ĐHSP Hà Nội và xu hướng phát triển giáo dục của thế giới để xây dựng mục tiêu giáo dục, tầm nhìn và các giá trị cốt lõi phù hợp với các nguồn lực sẵn có đảm bảo tính khả thi khi thực hiện. Các mục tiêu cụ thể “chỉ đường” tất cả các hoạt động giáo dục của nhà trường.

Bước 3, thiết kế nội dung dạy học và các hoạt động giáo dục. Ở bước này, dựa vào chuẩn kiến thức kĩ năng của chương trình giáo dục phổ thông, mỗi tổ chuyên môn tiến hành rà soát chương trình và SGK để xây dựng chương trình các môn học theo định hướng phát triển năng lực HS theo bối cảnh của nhà trường. Tổ chuyên môn cùng trao đổi, xây dựng các chủ đề tích hợp liên môn, thay thế nội dung đã được giảm tải, huy động nguồn lực xã hội khi xây dựng chủ đề học tập gắn với sản xuất tại địa phương.

Nội dung các chủ đề hướng tới phát triển khả năng, huy động tổng lực kiến thức, kỹ năng... thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống, phát triển được những năng lực chung và năng lực đặc thù môn học. Nhà trường cũng xây dựng và triển khai kế hoạch hoạt động các CLB Nghệ thuật, CLB Thể thao để phát huy tối đa năng khiếu và năng lực của từng cá nhân HS; xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục, qua đó hình thành và phát triển nhân cách cho HS.

Bước 4, lập kế hoạch triển khai dạy học các môn học và tổ chức các hoạt động giáo dục. Nhà trường chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, đa dạng về hình thức tổ chức dạy học, HS được tạo điều kiện để bày tỏ quan điểm của bản thân trước tập thể, trong các giờ học. Cùng với đó, đổi mới kiểm tra theo hướng đánh giá năng lực HS; chú trọng đánh giá quá trình dạy học, đánh giá qua phiếu đánh giá, thống nhất các yêu cầu về ma trận đề kiểm tra, đánh giá khả năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống,…

Bước 5, đánh giá hoạt động, chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện kế hoạch giáo dục nhà trường. Theo cô Nguyễn Thị Thu Anh, đây là bước quan trọng nhất để phát triển kế hoạch giáo dục nhà trường phổ thông. Sau mỗi năm học, nhà trường tổ chức điều chỉnh, bổ sung kế hoạch giáo dục. Định hướng xuyên suốt của các hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục là HS có tri thức nền tảng, có khả năng tự họcvà ý thức học tập suốt đời, có định hướng nghề nghiệp rõ nét trước khi bước vào các bậc học cao hơn ở ĐH, CĐ...

Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành khẳng định, nhà trường đã đổi mới cách tiếp cận chương trình giáo dục hiện hành để xây dựng và triển khai chương trình nhà trường mang bản sắc riêng của một trường thực hành sư phạm. Kế hoạch dạy học các môn học sau mỗi năm học được tổ chuyên môn điều chỉnh đi đôi với đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá đã góp phần nâng cao chất lượng dạy học rõ rệt.

Bài học thành công

Chia sẻ bài học kinh nghiệm từ thực tế xây dựng, triển khai và phát triển Chương trình nhà trường tại Trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, cô Nguyễn Thị Thu Anh cho biết: Yếu tố vô cùng quan trọng là triển khai nghiêm túc sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo; cùng với đó, quản lý chương trình giáo dục khoa học, hiệu quả, sáng tạo.

Căn cứ vào các nguồn lực sẵn có, BGH trường Nguyễn Tất Thành chủ động chỉ đạo xây dựng Chương trình nhà trường dựa trên chương trình khung của Bộ GD&ĐT; thống nhất trong nhà trường chiến lược phát triển, xây dựng mục tiêu, tầm nhìn, giá trị cốt lõi. Cùng với đó, xây dựng và phát triển cộng đồng học tập; phân công công việc cụ thể, đúng người, đúng việc và giám sát hiệu quả các hoạt động diễn ra trong năm học. Tổ chức rút kinh nghiệm và đề xuất điều chỉnh kế hoạch hoạt động ngay sau khi tổ chức các hoạt động giáo dục.

Việc thấu hiểu mối quan hệ tương hỗ giữa các hoạt động dạy học và hoạt động giáo dục là cần thiết để không tách rời giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách HS với hoạt động dạy học kiến thức văn hóa. Đó là những nhân tố làm cho HS trường Nguyễn Tất Thành ngày càng tích cực và chủ động.

Bên cạnh việc phát huy sức mạnh đội ngũ, tạo môi trường làm việc thân thiện, chuyên nghiệp; mở rộng quan hệ quốc tế, học hỏi chương trình giáo dục tiên tiến của thế giới; huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia các hoạt động GD&ĐT, cô Nguyễn Thị Thu Anh cũng nhấn mạnh việc nâng cao vai trò chủ thể, sự năng động, sáng tạo của HS.

Theo đó, phát huy khả năng tự quản của HS. HS được xây dựng nội quy lớp học, được thiết kế nội dung các giờ sinh hoạt lớp, được tạo điều kiện tham gia tích cực các hoạt động học tập,... Với các chương trình giáo dục lớn của trường, HS được tham gia thiết kế chương trình và là thành viên ban tổ chức điều hành các hoạt động.

"Khi được trao cơ hội, các em đã thể hiện ấn tượng về sự chủ động, sáng tạo, trách nhiệm của bản thân, sự linh hoạt khi vận dụng các kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống. Mục đích lớn nhất là hình thành các công dân toàn cầu, vừa có tri thức khoa học, vừa biết yêu thương sẻ chia với cộng đồng" - cô Thu Anh chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ