Đôi mắt cô

GD&TĐ - Theo Hiệp định Giơnevơ 1954, nước ta tạm chia cắt thành hai miền. Một bộ phận cán bộ, bộ đội và con cháu miền Nam được tập kết ra Bắc. Quê tôi thời gian chỉ có 45 ngày. Nên tháng 9/1954 tôi đã có mặt ở Sầm Sơn, sau đó được đưa về Trường học sinh miền Nam số 1 đóng tại Quảng Xương, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa.

Đôi mắt cô

Về đây, được chia về ở nhà dân, mỗi nhóm 5 - 6 đứa, trai gái ở riêng. Nhóm tôi có 5 đứa, lớn nhất là Xuân Lộc, còn tôi nhỏ thó nhất.

Chúng tôi được ở cùng cô giáo chủ nhiệm, cô chỉ hơn chúng tôi 4 - 5 tuổi gì đó. Cô dang tay, cười rất tươi ôm gọn cả 5 đứa, những đứa con của Thành đồng Tổ quốc gửi ra Bắc học tập. Cô có đôi mắt rất sáng, lúc nào cũng như đang cười, mái tóc xõa hai vai thật duyên dáng, gần gũi, nhưng cũng rất nghiêm khắc, đúng với cái tên: Nguyễn Thị Minh Nguyệt – Vầng trăng sáng.

Trời miền Bắc lạnh lắm, con cháu miền Nam chưa quen. Đêm đến trên chiếc giường tre, chúng tôi nằm úp thìa vào nhau cho đủ ấm, cô nằm ngoài cùng. Chúng tôi – những đứa trẻ lần đầu tiên xa cha mẹ, đang thiu thiu ngủ bỗng có tiếng thút thít, thế là cả lũ như bị nén lâu ngày òa lên khóc theo. Cô dỗ dành từng đứa, càng dỗ chúng tôi càng khóc to hơn, rồi mặt cô cũng nhòa nước mắt. Nhìn thấy cô khóc, thương cô quá, tôi ôm chầm cô, vuốt mặt cô.... Giờ nghĩ lại đúng là cô vừa thương chúng tôi vừa tủi thân vì phải xa nhà...

Có đêm đang ngủ, một luồng nước nóng chảy qua lưng, cả nhóm tỉnh dậy sờ đứa nào cũng ướt. Hóa ra một đứa nào đó ngủ mê đã tè dầm, vừa ướt vừa rét. Cô dậy lau rửa từng đứa rồi thay quần áo. Thương cô quá, được biết nhà cô chỉ có một cô em gái, cô cũng vừa xây dựng gia đình (thuở ấy con gái miền Bắc lấy chồng sớm lắm), chưa bao giờ phải chăm lo cho lũ lau nhau như chúng tôi.

Một hôm ra chợ chơi, thấy chanh ngon quá, hùa tiền lại mua chục chanh. Tôi nhanh tay chọn 12 quả bỏ vào túi. Bỗng bác bán chanh la toáng lên: Ăn cắp, ăn cắp... rồi bắt chúng tôi trả lại 2 quả, xấu hổ quá. Bác lại còn đến nhà mách cô giáo nữa chứ. Tôi khóc tức tưởi cho là mình bị oan. Cô xoa đầu tôi và cười.

Nhà bác chủ chúng tôi ở, có nhiều quả tròn tròn đen đen. Chúng tôi bảo nhau: Bác này giàu lắm, trứng vịt muối xếp đầy một góc nhà, mỗi đứa nhón một quả đem ra ao rửa chỉ thấy ra nước đen xì...

Còn một chuyện dở khóc dở cười nữa chứ!

Một hôm vừa đi học về, bác chủ đang dọn cơm, bác với gọi: Mời các cháu xơi cơm!

Đang đói bụng, chẳng ai bảo ai, cùng vác cái bát sắt tráng men xà xuống mâm. Bác chủ bới cho mỗi đứa một xới bảy phần sắn, ba phần gạo vừa hết nồi. Đến lượt thằng con bác chủ chỉ còn miếng cháy, nó lăn đùng ra sàn bắt đền. Chúng tôi chẳng hiểu sao, cứ ngồi ăn ngon lành bát cơm sắn tưới tí nước mắm.

May quá! Lúc ấy cô vừa về đến nơi, thấy cảnh đó cô vừa khóc vừa cười, vội chạy xuống bếp lãnh năm suất cơm của chúng tôi đền nó. Thằng nhỏ ăn vội ăn vàng như sợ chúng tôi dành ăn hết. Từ đó thấy bác chủ dọn cơm, chúng tôi lánh xa.

Tôi còn nhớ một lần ngón tay cái của cô bị chín mé, sưng to, đỏ như trái bồ quân, cô đau lắm nhất là lúc cầm phấn viết bảng, nhưng cô chẳng kêu tiếng nào. Vài hôm sau cô rủ tôi lên trạm xá, chỉ có bác thường trực. Cô mượn con dao mổ rồi quay sang hỏi tôi: Em có phải cháu ngoan Bác Hồ không nhỉ?

Dạ, có!

Cô lại hỏi tiếp: Cháu ngoan Bác Hồ thì phải sao:

Dạ! Dũng cảm...

Cô đưa tôi con dao, cô túm chặt ngón tay sưng bảo tôi rạch một đường cạnh chỗ mưng mủ. Tôi làm theo lời cô, máu mủ phun ra, hai cô trò nặn hết mủ rồi băng lại. Vài hôm sau tay cô đã lành. Giờ nhớ lại, sao một đứa trẻ 12 tuổi dám làm điều ấy!

Năm hết, Tết đến, Tết đầu tiên trên đất Bắc. Sáng mồng 1 Tết Ất Mùi, bác chủ mang lên một sàng bánh tét không thịt, giữa đặt một bát mật đường đỏ au. Bác mời chúng tôi ăn Tết. Chúng tôi nhìn nhau, rồi nhìn cô: Ý hỏi có được ăn không? Cô quay sang bảo: Các em ăn đi! Năm mới bác mời, không ăn bác buồn. Chúng tôi lại nhìn nhau: Sao kỳ cục thế! Cái gì cũng khác với quê chúng mình.

Đêm đó, trong buổi sinh hoạt, với giọng miền Trung lúc to lúc nhỏ cô cho chúng tôi biết phong tục của miền Bắc: Trước khi ăn cơm, mọi người mời nhau, kể cả người đi ngang nhà không như quê các em chủ mời phải ăn, ăn thật lòng, không ăn còn bị giận đúng không? Lời mời ở đây thay lời chào. Tết đến bác mời các em là muốn chia vui với các cháu ngày đầu năm, không ăn bác ấy bị xui đấy!

Ở miền Bắc, một chục trái cây chỉ có 10 trái, không như quê các em có chục chẵn, chục lẻ... những nắm tròn tròn đầu hồi là than quả bàng dùng đun bếp không phải trứng vịt muối...

Cứ thế, cứ thế đêm đêm cô đưa vào giấc ngủ của chúng tôi đi từ vùng quê này đến nơi khác trên đất Bắc. Mỗi lần nhắc đến một phong tục nào đó mắt cô lại sáng long lanh... tôi quen dần nó theo tôi suốt 24 năm sống trên đất Bắc. Và cô cũng theo chúng tôi đi khắp các trường miền Nam từ Thanh Hóa ra Hà Đông, Hải Phòng... cô dạy chúng tôi biết chữ, biết cách làm người.

Tôi biết ơn cô - cô giáo đầu tiên trong đời, vì trước trong chiến tranh chống Pháp ở chiến khu Đ rất ác liệt, trẻ con chúng tôi nay chạy nơi này mai chạy nơi khác, không được đến trường. Tôi được má dạy biết đọc, biết viết, biết 4 phép tính là may hơn nhiều bạn khác.

Nhờ công lao Bác Hồ, nhờ cô mà tôi trở thành người có học những lúc đứng trên bục giảng ở các trường đại học, tôi luôn thấy đôi mắt cô đang theo dõi, động viên mình.

Thời gian thật nhanh, đã hơn nửa thế kỷ. Cô – trò tôi lạc nhau khi các trường miền Nam giải tán. Tôi chắc cô có em bé, có gia đình hạnh phúc.

“Nay cô còn hay đã đi theo các cụ về với tổ tiên. Dù cô ở đâu, em vẫn luôn nhớ cô, nhớ đôi mắt sáng, nghiêm nghị.

Mẹ thứ hai của con ạ!”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.
Minh họa/INT

Bóng ma hạt nhân ở Trung Đông

GD&TĐ - Tình hình Trung Đông đã đột ngột căng thẳng kể từ đêm 13/4 rạng sáng 14/4 khi Iran lần đầu tiên trong lịch sử thực hiện một cuộc không kích quy mô lớn.
Minh họa/INT

Lễ hội nhân dân

GD&TĐ - Tuần lễ du lịch Quảng Ngãi năm 2024 sẽ được bắt đầu vào ngày 22/4 tới.
Minh họa/INT.

Khi giới trẻ tìm về phim lịch sử

GD&TĐ - Tiếp làn sóng ủng hộ phim 'Đào, phở và piano'(Đạo diễn Phi Tiến Sơn), một bộ phận khán giả trẻ quay trở lại tìm kiếm những bộ phim lịch sử, cách mạng.