Cắt dây rốn sau khi em bé chào đời xét về cả nghĩa đen và nghĩa bóng là lúc em bé chứng tỏ khả năng tự thở và tự tồn tại độc lập của mình với thế giới mới mà không phụ thuộc vào cơ thể người mẹ nữa.
Thông thường, dây rốn được cắt ngay sau khi em bé lọt lòng mẹ, tuy nhiên, mới đây Ủy ban ACOG về thực hành sản khoa (Mỹ) đã khuyến cáo nên chờ ít nhất từ 30 đến 60 giây. Tại sao lại vậy?
Những em bé sinh non sẽ nhận được lợi ích từ việc chậm cắt dây rốn là có thể kéo dài thời gian máu chảy qua dây rốn, để làm giảm nguy cơ truyền máu, thiếu máu và chảy máu trong não. (ảnh minh họa)
Trong quá trình mang thai , em bé thở qua nhau thai, nhận chất lỏng giàu oxy (oxy từ không khí bên ngoài đi qua hệ tuần hoàn của mẹ, tiếp tục đi qua nhau thai và dây rốn để đến được với thai nhi).
Trong quá trình sinh nở, phổi của em bé sẽ làm công việc chuyển đổi từ cơ chế dùng chất lỏng sang hít không khí thực.
Vì vậy, việc cho em bé thêm chút thời gian khoảng 1 phút trước khi cắt dây rốn sẽ giúp bé điều chỉnh thay đổi này và đảm bảo rằng bé không bị cung cấp thiếu oxy cho hơi thở ban đầu.
Trước những năm 1960, khi sinh nở, các bác sĩ thường có thói quen đợi ít nhất 5 phút để cắt dây rốn, mặc dù không có lý giải rõ ràng tại sao phải lấy mốc thời gian này làm chuẩn.
Một nghiên cứu mới đã chỉ ra rằng, những em bé sinh non sẽ nhận được lợi ích từ việc chậm cắt dây rốn là có thể kéo dài thời gian máu chảy qua dây rốn, để làm giảm nguy cơ truyền máu, thiếu máu và chảy máu trong não.
Nhưng trẻ chào đời đủ ngày tháng cũng có thể nhận được những lợi ích nhất định như giảm nguy cơ thiếu sắt mà có thể dẫn đến chậm phát triển nhận thức. Trong thực tế, một nghiên cứu cho thấy rằng chờ 3 phút sau sinh rồi mới cắt dây rốn dẫn đến phát triển não sớm hơn.
Có một việc quan trọng khác là dù trì hoãn việc cắt dây rốn cho em bé thì không nên ngăn cản việc mẹ tiếp xúc với em bé ngay sau sinh. "Trong khi em bé được cảm nhận được sự ấm áp từ làn da mẹ thì chúng tôi sẽ thực hiện việc kẹp cắt dây rốn.", bác sỹ Tonse Raju, làm việc tại viện Y tế quốc gia nói trên Associated Press.
Tất nhiên, các bác sỹ sẽ không trì hoãn việc cắt dây rốn nếu em bé có vấn đề về thở hoặc cần chăm sóc khẩn cấp. Ngoài ra, những bố mẹ muốn giữ và lưu trữ máu cuống rốn của con để sử dụng cho những tình huống cần thiết sau này cần biết rằng cắt dây rốn chậm nghĩa là lượng máu trong cuống rốn sẽ ít hơn.
Tuy nhiên, bố mẹ cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi làm việc này để đưa ra quyết định chính xác nhất.