Truyện của ông đứng riêng một cõi với cách viết sắc lạnh và đặt ra nhiều triết lý sâu xa về con người và cuộc sống. “Muối của rừng” (1986) là một trong số truyện tiêu biểu cho lối viết ấy, và được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn 12, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống theo mục tiêu đổi mới của Chương trình GDPT 2018.
Đọc truyện Muối của rừng dưới góc độ phê bình sinh thái lại cần được quan tâm hơn nữa bởi được gợi cảm hứng từ câu chuyện về một người đi săn để rồi nhận ra mỗi sinh vật trên đời đều mang trên vai mình một số phận, trách nhiệm nào đó.
Thế kỷ XXI con người đối diện với nhiều nguy cơ như sự biến đổi của khí hậu, môi trường bị ô nhiễm nặng nề, sự cạn kiệt của các nguồn tài nguyên khoáng sản, dịch bệnh và đói nghèo… Trong điều kiện đó phê bình sinh thái ra đời nhằm khắc phục những lý thuyết đã sơ cứng và không còn phù hợp, đồng thời nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học và môi trường tự nhiên với phương pháp tiếp cận trái đất là trung tâm.
1.
Nhân vật trung tâm của truyện là ông Diểu, một người đàn ông 60 tuổi với hành trình đi săn vào tiết trời mùa Xuân ấm áp, trong lành. Cách giới thiệu nhân vật và bối cảnh khá ngắn gọn nhưng người đọc hình dung được sự háo hức của nhân vật với khẩu súng mà con ông mới mua được gửi từ nước ngoài về.
Cứ như vậy, cảm xúc hưng phấn, kiêu ngạo của ông Diểu như được tăng lên cùng với đó là kinh nghiệm và lòng tự tin của người đàn ông đã nhiều lần vào rừng săn bắn: Sau Tết Nguyên đán một tháng là thời gian thích nhất ở rừng. Cây cối đều nhú lộc non. Rừng xanh ngắt và ẩm ướt. Thiên nhiên vừa trang trọng, vừa tình cảm. Điều ấy một phần là do mưa xuân.
Khoảng thời gian này mà đi trong rừng, chân dẫm lên lớp lá ải mục, hít thở không khí trong lọc, thỉnh thoảng lại được thót mình bởi một giọt nước trên cây rỏ xuống vai trần thì thật tuyệt thú. Tất cả những trò nhố nhăng đê tiện vấp phải hàng ngày hoàn toàn có thể rũ sạch bởi một cú nhảy của con sóc nhỏ trên cành dâu da.
Chính dịp đó ông Diểu đi săn.
… Ở tuổi sáu mươi, với khẩu súng mới, đi săn trong rừng vào một ngày xuân kể cũng đáng sống.
Ông Diểu nảy sinh ý định đi săn một cách ngẫu nhiên nhưng với kinh nghiệm của mình đã chuẩn bị khá kĩ càng, nai nịt gọn gàng, mặc quần áo ấm, đội mũ lông, dận giầy cao cổ và không quên mang theo nắm xôi nếp. Hành trình đi săn được kể theo trình tự thời gian. Mặc dù khung cảnh thiên nhiên mùa Xuân tuyệt đẹp nhưng hầu như không làm ông xúc động nhiều bởi tâm trí ông để cả vào việc đi săn, tâm lý chinh phục tự nhiên, khai thác tự nhiên.
Điều đó cũng khiến ông toan tính rất nhiều trong việc có bắn những con chim xanh, gà rừng hay sơn dương và ông tự trả lời cho những câu hỏi đang đặt ra trong đầu. Cứ như vậy ông theo mó nước đến khu vực núi đá vôi, nơi đây chính là vương quốc của loài khỉ.
Bằng kinh nghiệm của mình, ông hiểu khá kĩ tập tính loài khỉ và ngồi hàng giờ để quan sát loài vật vốn rất tinh khôn này: Ông Diểu ngồi im dễ đến nửa giờ. Mưa xuân mỏng và mịn. Thời tiết ấm. Dễ đến rất lâu ông Diểu mới lại có dịp ngồi yên thế này, không nghĩ gì không buồn không vui, không lo lắng, cũng không tính toán. Sự tĩnh lặng bình thản của rừng xuyên suất qua ông.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021). |
2.
Mục tiêu của ông là con khỉ đầu đàn, con át chủ bài thế nhưng điều đó nhanh chóng không còn bởi con khỉ đầu đàn chỉ xuất hiện thoáng chốc với nghi lễ vương chủ, tự tin đến thô bạo và rồi nhanh chóng biến mất khiến ông không khỏi tiếc nuối: Thoắt một cái, nó biến mất. Một nỗi xót xa khiến ông nhói lòng: Số phận của bậc đế vương không trùng với số phận ông.
Niềm vui nhen lên từ khi ở nhà ra đi trong ông vơi đi một nửa. Có thể nói tâm lý chinh phục đã nảy sinh từ khi ở nhà và theo ông suốt hành trình, khi mục tiêu đó không đạt được thì ông Diểu không thể vui. Nhưng ngay sau đó lại là sự xuất hiện của đàn khỉ đến hai chục con, sự thay đổi mục tiêu của ông Diểu cũng thật nhanh khi ông phát hiện được một gia đình khỉ gồm khỉ đực, khỉ cái và khỉ con.
Sự thay đổi mục tiêu khiến con khỉ đực sẽ là con mồi bám lấy ông Diểu tức thì: Cái thằng bố ô trọc ấy! Đồ phong tình phóng đãng! Vị gia trưởng cộc cằn! Nhà lập pháp bẩn thỉu! Tên bạo chúa khốn nạn! ông Diểu thấy nóng bừng người. Ông bỏ mũ và áo bông ra dặt dưới lùm cây.
Ông để cả nắm cơm xuống đất. Ông từ từ dịch chuyển sang chỗ đất trũng thấp hơn. Ông lấy cái nhìn về con người trong xã hội để nhìn vào thiên nhiên nên không tránh khỏi lầm lạc, phiến diện. Cách nhìn ấy càng thôi thúc ông nhanh chóng hạ gục con mồi cũng như biện minh cho cái ác của mình.
Với chiến thuật của người đi săn, ông Diểu nhanh chóng tiếp cận được con mồi là khỉ đực, bởi khỉ cái canh phòng rất dễ phân tâm, ông ngược chiều gió với con khỉ đực và sẵn sàng tư thế, thiên nhiên đã dành cho ông con khỉ đực này chứ chẳng phải ai khác.
Nhưng ngay sau khi tiếng súng vang lên, đàn khỉ lặng đi và hỗn loạn một nỗi sợ hãi lại xâm chiếm ông Diểu: Ông Diểu bóp cò. Tiếng súng dữ dội đến nỗi đàn khỉ lặng đi dễ đến một phút. Con khỉ đực buông tay ngã nhào xuống đất nặng nề. Sự hỗn loạn của cả đàn khỉ khiến cho ông Diểu sợ hãi run lên.
Ông vừa làm điều ác. Chân tay ông rủn ra, giống cảm giác như người vừa mới làm xong việc nặng. Đàn khỉ thoắt biến vào rừng. Con khỉ mẹ và con khỉ con cũng chạy theo đàn. Được một đoạn, con khỉ mẹ bỗng quay trở lại. Con khỉ đực bị đạn vào vai, nó gượng dậy, nhưng lại vật xuống.
Sau khi tiếng súng vang lên, khỉ đực vật xuống đó cũng là khởi đầu cho một quá trình nhận thức mới của ông Diểu, ông nhận ra mình vừa làm điều ác. Điều đó có ý nghĩa quan trọng trong diễn biến tâm lý của ông Diểu ở chặng sau. Thế nhưng tâm lý chinh phục vẫn còn lấn át, ý nghĩ “phải tóm được chú mày” liên tục trong đầu ông, mặc dù quá trình vật lộn theo đuổi khỉ đực bị thương không hề dễ dàng bởi khỉ cái, khỉ con luôn bám sát.
Lũ khỉ con còn kéo được súng khi ông ném. Chỉ khi khỉ đực một mình trên mỏm đá ông mới tin tưởng tóm được con mồi, dù để leo lên đó không hề dễ dàng, ông đã phải cởi bỏ hết quần áo ngoài cho thuận tiện. Tận mắt chứng kiến thành quả của mình cùng sự đau đớn tuyệt vọng của khỉ đực làm cho ông Diểu thay đổi thái độ.
Ông nhận ra để thế không ổn rồi vội vơ nắm cỏ Lào nhai đắp vào vết thương và dùng chính cái quần lót còn lại trên người ông để băng bó cho khỉ đực. Khỉ cái vẫn lẽo đẽo theo đã khiến ông phải nhận thức lại về loài vật, ông không thể lấy cái nhìn áp đặt về con người để quy chụp cho loài khỉ như trước đây, ông nhận ra khỉ cái có tình thương, có lòng chung thủy: Ông Diểu thấy buồn tê tái đến tận đáy lòng. Ông nhìn cả hai con khỉ và thấy cay cay sống mũi. Hóa ra ở đời, trách nhiệm đè lên lưng mỗi sinh vật quả thật nặng nề.
Ảnh minh họa: ITN |
Có thể nói cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, cao cả và thấp hèn, bản năng và nhân cách, tăm tối mông muội với ánh sáng lương tri đã diễn ra gay gắt trong con người ông Diểu, cũng như nhiều nhà văn lớn, Nguyễn Huy Thiệp luôn quan tâm đến cuộc đấu tranh của con người trong con người như đã đặt ra trong nhiều tác phẩm của ông (Không có vua, Tướng về hưu…).
Khi cái thiện nhân lên át đi cái ác, phần người át đi phần con, ông Diểu đã đi đến một quyết định quan trọng: Phóng sinh cho khỉ đực, trả nó trở về với rừng, tự nhiên, muôn loài và hình như chỉ chờ có thế, con khỉ cái vọt ngay ra khỏi chỗ nấp, chạy vội đến chỗ con khỉ đực nằm.
Ông Diểu từng nhìn khỉ cái đầy ác cảm nhưng chính nó lại đem lại cho ông những nhận thức mới, trước đây ông vốn nhìn con người với đầy những thủ đoạn xấu xa, đê tiện, tham lam, ích kỉ và ông đem áp cái nhìn đó vào tự nhiên mới thấy độ vênh.
Thế giới tự nhiên cũng có tình cảm, trách nhiệm, tính cách, tâm hồn và nhất là bản tính thiện của muôn loài. Đối sánh thế giới tự nhiên với thế giới con người để nhận ra sự xấu xa, độc ác trong bản thân mỗi người đó cũng chính cái đẹp cứu rỗi con người.
Con người cần tôn trọng tự nhiên, cần chung sống hài hòa với tự nhiên, nếu con người tác động tiêu cực vào tự nhiên ắt tự nhiên sẽ đáp trả đó cũng chính là những thông điệp có ý nghĩa mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp gửi gắm đến người đọc. Đặt trong bối cảnh hiện nay, khi những vấn đề về môi trường và biến đổi khí hậu đang hết sức cấp bách chúng ta mới thấy được những giá trị mà truyện ngắn Muối của rừng đặt ra cũng như tầm tư tưởng của nhà văn lớn.
3.
Kết thúc truyện, Nguyễn Huy Thiệp đã đem lại cho người đọc cách lí giải về nhan đề truyện cũng như gợi mở cho người đọc những suy nghĩ, liên tưởng phong phú mà sâu xa. Đó phải chăng là sự phục thiện, sự trở về với tự nhiên, là niềm tin vào bản chất tốt lành của con người như triết lý Nho giáo: nhân chi sơ, tính bản thiện.
Cuộc đi săn đầy hào hứng của ông Diểu trở về khi trên người không còn một thứ gì nhưng lại đem lại cho ông rất nhiều thứ ý nghĩa: Ông Diểu rẽ sang một lối đi khác. Ông muốn tránh sẽ gặp người. Lối này đầy những bụi gai ngáng đường nhưng hoa tử huyền nhiều không kể xiết.
Ông Diểu dừng lại sững sờ. Loài hoa tử huyền cứ ba chục năm mới nở một lần. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ gặp may mắn. Hoa này màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng. Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc.
Ra khỏi thung lũng, ông Diểu đi xuống cánh đồng. Mưa xuân dịu dàng nhưng rất mau hạt. Ông cứ trần truồng như thế, cô đơn như thế mà đi. Chỉ một lát sau, bóng ông nhòa vào màn mưa.
Chỉ ít ngày nữa sang tiết Lập hạ. Trời sẽ ấm dần.
4.
Về thành công nghệ thuật trong Muối của rừng có thể kể đến: Truyện được kể ở ngôi thứ ba nhưng điểm nhìn trần thuật cơ bản theo điểm nhìn của nhân vật ông Diểu nên có điều kiện bộc lộ cảm xúc, suy ngẫm. Nhân vật này được đặt trong hành trình đi săn với những quan sát, suy nghĩ tự nhiên, chân thực. Cốt truyện chặt chẽ, lô gic và được kết cấu theo thời gian tuyến tính nên dễ nắm bắt, nhiều chi tiết tiêu biểu và mang ý nghĩa biểu tượng (hoa tử huyền).
Cùng với đó là lối viết có đan xen màu sắc huyền thoại, giọng văn lạnh lùng nhưng đầy suy tư, triết lý. Để khép lại bài viết nhỏ này, xin mượn ý kiến của nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói về Nguyễn Huy Thiệp: “Ông không xác lập vị thế và giá trị của mình nhưng giá trị và vị thế ấy không phải ai cũng có và không phải bàn được ngay. Những đóng góp của ông còn cần được tìm hiểu và đánh giá tiếp, nên giới cầm bút Việt Nam từ nay sẽ còn phải tiếp tục “đi tìm Nguyễn Huy Thiệp”.
Nguyễn Huy Thiệp (1950-2021) là nhà văn lừng danh trên văn đàn những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI. Với những câu văn thường gai góc, sắc cạnh, ông đã đem đến cho văn chương nước nhà những làn gió mới góp cùng Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Bảo Ninh, Dương Hướng… hình thành một nền văn xuôi thời kỳ Đổi mới.