Giữa những ngày tháng Bảy, lòng ta rưng rưng xúc động khi đọc truyện ngắn “Mây trắng còn bay” của nhà văn Bảo Ninh, câu chuyện giản dị mà gợi nhiều ám ảnh, suy tư về chiến tranh cùng những vết thương vẫn âm thầm rỉ máu.
Trang văn đau nhói
Trong sự phát triển của văn xuôi Việt Nam kể từ sau đổi mới đến nay, Bảo Ninh tạo cho mình một vị thế riêng, lừng lững mà độc đáo. Tên tuổi của ông vang xa với cuốn tiểu thuyết được coi là “thành tựu cao nhất của văn học đổi mới”, “Nỗi buồn chiến tranh” (1991) và cả nhiều truyện ngắn xuất sắc như: “Trại 7 chú lùn”, “Khắc dấu mạn thuyền”, “Gọi con”, “Ngôi sao vô danh”...
Là một người lính đã đi qua những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, mỗi trang văn của Bảo Ninh đều ăm ắp chất liệu hiện thực, hiện thực mà một thời người ta né tránh, chẳng dám phơi trải trên trang viết của mình. Đó là những hi sinh của người lính nơi tuyến đầu gian khổ, là nỗi đau của người mẹ chờ con trong thăm thẳm nhớ thương, là những thiếu nữ mòn mỏi nhớ nhung nơi hậu phương thao thức, là những nữ thanh niên xung phong bị lãng quên nơi hun hút rừng sâu...
Tựu chung lại, mỗi trang văn của Bảo Ninh đều gắn với những thân phận, những cuộc đời mang trong mình nỗi đau thương cào xé bởi bom đạn. Ẩn trong từng trang viết là nỗi ưu tư, trăn trở của cây bút “dệt nỗi buồn từ những con chữ”, luôn đau đáu với mỗi cuộc đời, mỗi phận người và những ám ảnh chiến tranh.
Đoàn viên thanh niên tỉnh Quảng Bình thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: INT |
Lời thỉnh cầu của mẹ
Truyện “Mây trắng còn bay” của Bảo Ninh có dung lượng ngắn, vẻn vẹn 1.058 chữ, hơn một trang sách, cốt truyện giản dị xoay quanh chuyến bay vào một hôm thời tiết xấu, nhân vật tôi, người kể chuyện ân hận vì đã lên chuyến bay, gã mặc complet thì sợ hãi vì máy bay trong mưa có thể gặp sự cố.
Trong khi đó, bà cụ già ngồi chung khoang lại trầm trồ, ngạc nhiên về những đám mây ngoài cửa sổ. Có lẽ lần đầu đi máy bay nên bà cụ không biết đồ ăn cô tiếp viên mang đến đã được thanh toán với tiền vé, bà chẳng ăn chút gì, chỉ xin một cốc nước lọc, tất cả các thứ hộp gói trên khay bà dồn vào chiếc làn mây.
Bà hỏi về sông Bến Hải, ngỏ ý muốn mở cửa sổ máy bay khi đi qua vĩ tuyến 17. Khi đi bay qua vùng trời Bến Hải, bà lập một cái ban thờ nhỏ trên máy bay khiến tay vận complet khó chịu, còn nhân vật “tôi” và cô tiếp viên hàng không thì lặng người đi khi nhìn thấy bức ảnh trên ban thờ nhỏ đó.
Diễn biến câu chuyện chỉ vậy, song cái dư ba ám ảnh trong lòng độc giả thì rất lớn. Lần theo câu chữ, người ta đâu thể nào quên nhân vật bà cụ già, người mẹ đáng kính, đáng thương như biết bao người mẹ có con hi sinh bởi chiến tranh trên dải đất chữ S thân yêu này.
“Có người lính mùa Xuân ấy ra đi từ đó không về. Mẹ già mỏi mắt nhìn theo...” (Màu hoa đỏ - Thuận Yến). Mỗi lần lắng sâu trong lời ca rưng rưng, tim tôi nghẹn ngào đau nhói. Chiến tranh khốc liệt đi qua nhưng nỗi đau còn đeo đẳng mãi, “mây trắng còn bay”, vết thương lòng của mẹ đến bao giờ nguôi ngoai?
Đọc truyện, hình ảnh bà cụ “hình vóc bé nhỏ, teo tóp như chìm lấp vào thân ghế”, “lưng còng, hai bàn tay gầy guộc” cứ ẩn hiện trong tâm trí tôi, đúng là một người mẹ khắc khổ, một đời lam lũ, vất vả nơi lũy tre xanh, làm bạn với ruộng đồng cày cấy. Bởi vậy, được đồng đội của con mua vé tặng đi chuyến bay lần này, bà cụ đích thực là một bà lão quê mùa.
Sự quê mùa đó được thể hiện trong cái bình thản, ngạc nhiên ngắm nhìn mây và cả những thắc mắc “ngây ngô” của bà cụ, mặc người khác lo sợ về chuyến bay thiếu an toàn bởi thời tiết xấu. Rồi nữa, bà cụ chẳng dám ăn đồ ăn trên máy bay vì sợ tốn tiền, bà ngỏ ý nhờ cô tiếp viên mở giúp cái cửa sổ máy bay cho thoáng... Thậm chí, cả hành động lập chiếc ban thờ với những chuối, oản, ba cây nhang trên máy bay để tưởng nhớ ngày giỗ con cũng nói lên sự quê mùa của bà lão lần đầu đi máy bay. Song, cái chất quê mùa lạc hậu đó của bà cụ nhiều phần đáng thương, có gì đâu đáng trách.
Trong truyện, ẩn sau vẻ ngoài khắc khổ, nhà quê, người mẹ ấy ôm trọn trong mình nỗi đau, mất mát hi sinh. Bà lão bày đồ cúng cho con trên máy bay, trên vùng trời con mình là chiến sĩ phi công hi sinh gần ba mươi năm trước. Thương lắm dáng vẻ sợ sệt, van lơn, khẩn khoản của bà cụ với tay vận complet đang bừng bừng, giận dữ: “Van bác, Bác ơi, van bác... chẳng là, bác ạ, bữa nay giỗ thằng cả nhà tôi. Non ba chục năm rồi, bác ơi, tôi mới lên được đến miền cháu khuất”.
Những lời gan ruột, những lời yêu thương của người mẹ nhà quê. Mấy mươi năm đau đáu, mấy mươi năm chỉ ước ao thắp cho con nén hương thơm, chỉ vậy là đủ làm ngời sáng tình mẫu tử thiêng liêng cao cả. Lời văn sầu buồn, da diết, vang lên lời thỉnh cầu của trái tim yêu thương vời vợi. Đến đây, người đọc đủ hiểu tại sao bà cụ muốn được mở cửa sổ máy bay, bà cụ biến chiếc phi cơ thành “miếu thờ” khiến người ta hoảng hồn giận dữ. Nhân vật bà cụ nhà quê đi máy bay trong truyện gợi cho ta thật nhiều suy ngẫm.
Chiến tranh qua đi, hòa bình trở lại song vết thương mà nó để lại vẫn còn ám ảnh, cảm thông, chia sẻ là liều thuốc xoa dịu nỗi đau, làm cạn vơi nước mắt nhân gian. Khắc họa nhân vật bà cụ già, Bảo Ninh thể hiện biệt tài nghệ thuật truyện ngắn: Cách sáng tạo tình huống, sự quan sát miêu tả tinh tế, ngôn ngữ giản dị, giọng điệu thân mật, gần gũi. Mỗi trang văn, một cuộc đời, người đọc hiểu đời, thương người và mến phục tài năng văn chương của người cầm bút luôn trăn trở về thân phận con người bởi bom đạn chiến tranh.
Tấm ảnh của con
Bàn về chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn, tôi đặc biệt tâm đắc với ý kiến của một người nào đó: “Sứ mệnh của thể loại truyện ngắn đặt lên vai các chi tiết nghệ thuật. Chi tiết nghệ thuật trong truyện ngắn là những người tí hon mang nhiệm vụ khổng lồ”. Đọc đi, ngẫm lại truyện “Mây trắng còn bay” (Bảo Ninh), tôi nghĩ nhiều đến “bức ảnh ép trong tấm kính cỡ bàn tay”, “tấm ảnh được cắt ra từ một tờ báo, đã cũ xưa, nhưng người phi công trong ảnh còn rất trẻ”.
Với bà cụ già, tấm ảnh có lẽ là kỉ vật duy nhất còn lại của người con đã khuất mà bà nâng niu, gìn giữ. Chiến tranh cướp đi người con trai cả của bà cụ khi còn rất trẻ, ngót ba mươi năm đi qua, nỗi đau còn đó, ám ảnh khôn nguôi. Hình ảnh “người phi công còn rất trẻ” mở ra cho người đọc suy ngẫm, chiến tranh lấy đi tuổi trẻ, sự sống của con người quả cảm, tuổi đôi mươi dâng tặng quê hương.
Chiến tranh để lại nỗi đau dai dẳng cho người ở lại, tựa như “mây trắng còn bay” trong “vỡ òa bi tráng”. Cái giá của bình yên hạnh phúc sao mà lớn vậy? Hãy trân trọng, biết ơn, gìn giữ, bảo vệ. Chắc chắn, trên dải đất anh hùng mà thương đau này, còn nhiều và rất nhiều những người lính trẻ như con trai của bà cụ già trong truyện không tiếc máu xương, “chẳng tiếc đời xanh” dâng hiến cho non sông đất mẹ.
Đọc truyện, nghĩ về tấm di ảnh người lính phi công thuở nào, trong ta rưng rưng cảm xúc, ngưỡng mộ, quý trọng, biết ơn. “Chi tiết nhỏ, làm nên nhà văn lớn”, Bảo Ninh đích thực là một nhà văn lớn bởi ông đã gửi gắm chiều sâu ý nghĩ từ một chi tiết nhỏ trong truyện ngắn giản dị, xúc động của mình.
Mong đừng vô tâm
“Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn anh bằng đại bác”. Người ta sống hôm nay, hướng đến ngày mai, song đừng bao giờ quên hôm qua. Đọc “Mây trắng còn bay”, ta thương cảm bà cụ già bao nhiêu lại phiền lòng với tay vận complet bấy nhiêu. Thú thật, từ đầu đến cuối, đây là nhân vật để lại nhiều ác cảm nhất trong lòng độc giả.
Lúc đầu, trước phản ứng của bà lão quê mùa về những đám mây, gã ta khó chịu vì bị làm phiền. Cái vẻ “quàu quạu” trên khuôn mặt khó ưa làm sao. Điểm nhấn làm nổi bật tính cách gã đàn ông vẻ ngoài complet lịch thiệp chính là tiếng nạt khẽ, đủ nghe chứa đựng sự hốt hoảng, cục cằn khi bà cụ thắp hương cho con trên máy bay.
Hành động, “bước xéo lên đùi” nhân vật tôi, xấn ra lối đi và “bộ mặt hồng hào bừng bừng giận dữ và khinh miệt” của gã để lại chút gì đáng tiếc của một người dửng dưng với nỗi đau của người khác. Sống trong hòa bình, dường như gã đàn ông ích kỉ, thiếu lịch sự, khinh miệt và xem thường người nghèo này vô tâm, lạnh nhạt với quá khứ đau thương của dân tộc. Buồn giận vô cùng, dẫu lí vẫn mong chút tình, đó là niềm cảm thông với bà mẹ liệt sĩ đáng thương.
Sự sống muôn màu, người đời khác biệt. Đọc truyện, người ta thấy ấm lòng trước thái độ và ứng xử của cô tiếp viên hàng không. Cô kiên nhẫn giải thích cho bà cụ hiểu bữa ăn không mất tiền, không được mở cửa máy bay, máy bay không thể qua sông Bến Hải... Đặc biệt, chứng kiến hành động có một không hai của bà cụ (lập bàn thờ con trên máy bay), “Cô đứng sững” lại “Không hề kêu lên, không thốt một lời, cô lặng nhìn”. Cái nhìn xót xa trước nỗi đau của người mẹ, cái nhìn nghiêng mình trước vong linh người anh hùng hi sinh vì đất nước. Việc làm nhỏ, tấm lòng thành, đáng quý biết bao.
Sức hút của truyện ngắn bắt đầu từ tình huống, song cách trần thuật đôi khi sẽ tạo nhiều dấu ấn. Nhà văn Bảo Ninh rất khéo khi chọn ngôi kể thứ nhất cho câu chuyện rất đời, tựa như một lát cắt nhỏ của đời sống. Cả truyện, nhân vật tôi giữ vai trò là người quan sát, chứng kiến, kể chuyện. Ban đầu, nhân vật tôi quan sát một cách thờ ơ, với một thái độ không chấp nhặt người già.
Phần kết, hành động “xoài người sang giữ lấy cái khung ảnh” người lính trẻ của người kể chuyện đã đánh dấu sự thay đổi thái độ của nhân vật, từ thờ ơ đến đồng cảm, thấu hiểu. Ẩn sau hành động đó là sự trân trọng, biết ơn, cảm phục với bà cụ mất con và người lính hi sinh vì đất nước. Âu cũng là một nghĩa cử ấm lòng giữa muôn kiểu nhân sinh.
Văn là người, chân lí đó rất chuẩn với trường hợp nhà văn Bảo Ninh. Là người kiệm lời, ít bộc lộ tình cảm nhưng ông là người có trái tim nồng ấm, nhạy cảm. Bởi thế, những trang văn của Bảo Ninh luôn đau đáu với thân phận con người. “Mây trắng còn bay” là truyện ngắn viết về cuộc sống con người thời hậu chiến.
Qua tác phẩm “Mây trắng còn bay”, nhà văn Bảo Ninh nhắn gửi thông điệp ý nghĩa: Hãy đồng cảm, thấu hiểu với những người mang trong mình vết thương chiến tranh. Từ một nhan đề rất thơ, câu chuyện có buồn, có đau song trên hết vẫn là ấm áp yêu thương. Giữa những ngày tháng Bảy tri ân, mỗi người hãy thắp lên nén tâm nhang thành kính dâng tặng những người con vinh quang của dân tộc, những người hi sinh vì độc lập - tự do - hạnh phúc hôm nay.