Những sắc xuân trong truyện ngắn 'Vợ chồng A Phủ'

GD&TĐ - Trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài không chỉ chạm khắc lên đất trời Tây Bắc những thân phận người của một thời kì đã qua...

Mùa Xuân trên khắp bản làng Tây Bắc. Ảnh minh họa: INT
Mùa Xuân trên khắp bản làng Tây Bắc. Ảnh minh họa: INT

Bằng tình yêu và sự gắn bó máu thịt của mình với con người và mảnh đất nơi địa đầu Tổ quốc, trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, nhà văn Tô Hoài thực sự không chỉ chạm khắc lên đất trời Tây Bắc những thân phận người của một thời kì đã qua, mà còn góp phần đan dệt nên những giấc mơ, những sắc xuân, tình xuân trong đất trời, trong lòng người yêu văn nhiều thế hệ!

Sắc xuân đất trời …

Trong sáng tạo văn chương, mỗi người nghệ sĩ thường có thiên hướng chọn cho mình những vùng sinh quyển riêng. Tô Hoài không chỉ sống cả một quãng đời niên thiếu lặn lội với vùng Nghĩa Đô quê hương mình, chuyến công tác đến với Tây Bắc, quả đã đưa cho ông một vùng sinh quyển mới để ông ngụp lặn trong đó mà viết nên những trang văn thấm đẫm chất xuân tình của một miền đất với bạt ngàn đá, gió và hoa ở “Vợ chồng A Phủ”…

…Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho. Trẻ con đi hái bí đỏ, tinh nghịch, đã đốt những lều canh nương để sưởi lửa. Ở Hồng Ngài người ta thành lệ cứ ăn Tết khi gặt hái vừa xong, không kể ngày, tháng nào. Ăn Tết như thế cho kịp lúc mưa xuân xuống thì đi vỡ nương mới. Hồng Ngài năm ấy ăn Tết lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội…

Dưới ngòi bút Tô Hoài, cả đoạn văn dường như là cuộc đua tranh quyết liệt giữa sự khắc nghiệt của tự nhiên và cuộc sống con người. Ở đó, thế giới tự nhiên không có gì khác ngoài gió, rét, sự sắc lạnh đến run người của đám cỏ gianh vàng ửng.

Nhưng như một quy luật muôn đời của sự sinh tồn, phía bên kia, sự sống vẫn bình thản diễn ra với những âm điệu chủ đạo của sắc đỏ ấm nóng và hơi lửa nồng đượm; của cảm giác bình yên đến lạ với những nương ngô, nương lúa đã xếp đầy trong các nhà kho; của cái tí tách cựa mình trong thớ vỏ với những hạt mầm đang đợi chờ mưa xuân…

Tất cả đã trở thành tiếng reo vui của lòng người khi đón chào khí trời đang chuyển mình vào xuân. Văn chủ yếu tả cảnh, người chỉ ẩn hiện mà vẫn thấy náo nức, hân hoan trong những vũ điệu của âm thanh và sắc màu:

Nhưng trong các làng Mèo Đỏ, những chiếc váy hoa đã đem ra phơi trên những mỏm đá xòe như con bướm sặc sỡ […]. Đám trẻ đợi Tết, chơi quay, cười ầm trên sân chơi trước nhà. Ngoài đầu núi lấp ló đã có tiếng ai thổi sáo rủ bạn đi chơi. [...]

Mày có con trai con gái rồi

Mày đi làm nương

Ta không có con trai con gái

Ta đi tìm người yêu

Tiếng chó sủa xa xa. Những đêm tình mùa Xuân đã tới.

Một không gian, cảnh vật đậm đặc sắc màu Tây Bắc. Sắc màu của váy áo vùng cao đã lấn át và xua tan đi cái hoang lạnh, nhọn sắc của bạt ngàn những vỉa đá tai mèo trên những triền đồi, bờ bãi. Âm thanh của sự sống, của niềm vui con trẻ, quả thực là một không khí rạo rực sắc xuân. Mùa Xuân, mùa của rạo rực lòng người; mùa của trẻ thơ náo nức; mùa của những đôi lứa tình nhân hò hẹn… Tô Hoài đã vô cùng tinh tế khi lựa chọn và miêu tả đặc biệt thành công những thanh âm náo nức từ sự vật và thời khắc đặc biệt từ những con người như vậy.

Tiếng sáo rủ bạn đi chơi với những ca từ giản dị, mang đậm phong vị vùng cao: Hồn nhiên, phóng khoáng mà cũng rất lãng mạn và đầy khát vọng đích thực là âm thanh của mùa Xuân, tiếng lòng của tuổi trẻ đang đêm ngày thổn thức. Bằng bàn tay của một người phu chữ, Tô Hoài đã gọi dậy linh hồn ngôn ngữ; đã ghi lại thần tình tiếng lòng vạn vật; thần thái đặc trưng, đặc sắc, đặc biệt của một vùng đất với những con người hồn nhiên, bản năng mà sao giàu sức sống, khát vọng và một tâm hồn khỏe mạnh, đáng yêu đến thế?

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Phương (A Phủ) cùng bạn diễn Đức Hoàn (Mị) trong phim “Vợ chồng A Phủ”. Ảnh tư liệu: INT

Nghệ sĩ Nhân dân Trần Phương (A Phủ) cùng bạn diễn Đức Hoàn (Mị) trong phim “Vợ chồng A Phủ”. Ảnh tư liệu: INT

Mùa Xuân lòng người …

Sắc xuân đất trời như một chất xúc tác diệu kì làm thức tỉnh sức xuân trong lòng người con gái tên Mị. Đã mấy năm trôi qua, lần lần, cô gái ấy đã không còn biết khóc, biết tủi, biết buồn, chỉ còn biết lặng im, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa. Đó là kẻ nô lệ không công, là thanh củi khô, là tảng đá, tàu ngựa, là dụng cụ lao động vứt nơi xó bếp của nhà thống lí Pá Tra. Nhưng kì diệu thay, giống như ngọn lửa bốc lên từ những cành cây khô, gió và rét, sắc đỏ của váy áo, tiếng cười đùa thơ trẻ, những tiếng sáo náo nức xuân tình… đã trở thành bản hòa ca của những sắc điệu vừa đối chọi vừa hòa hợp.

Cái giá lạnh của khí trời Tây Bắc trong buổi giao mùa là cái âm u giá lạnh trong lòng Mị, nhưng sắc ấm nóng của những chiếc váy đem ra phơi trên những mỏm đá xòe như những con bướm sặc sỡ và tiếng trẻ con đợi Tết, tiếng sáo gọi bạn da diết bổi hổi là làn mưa xuân lãng đãng đang làm cựa mình, tách vỏ cho những búp chồi non của sức sống trong cõi lòng băng giá lâu nay của cô gái tên Mị. Vào mùa Xuân, cô gái ấy cũng uống rượu như uống cả sắc xuân, tình xuân để cho lòng xuân thức dậy.

Trong những tháng ngày đằng đẵng ở trong căn buồng có cái ô cửa sổ, lỗ vuông bằng bàn tay, lúc nào trông ra cũng chỉ thấy mờ mờ, trăng trắng, không biết sương hay nắng, chỉ đến hôm nay, giữa những ngọn gió mùa Xuân của đất trời Tây Bắc, Mị mới thấy mình vẫn còn sống, vẫn còn là người. Theo tiếng sáo gọi bạn, một loạt kí ức đồng loạt xuất hiện: Mị uống rượu – thổi sáo – thổi lá cũng hay như thổi sáo – biết bao nhiêu người mê…

Như vậy, tiếng sáo gọi bạn lửng lơ bay ngoài kia đã cộng hưởng với khí xuân đất trời để trả lại cho Mị những gì tươi đẹp nhất trong một quãng đời thanh xuân tự do. Không những thế, tiếng sáo mùa Xuân còn đưa đến cho cô ý thức về thời gian, tuổi trẻ, về quyền con người, quyền được sống, quyền được đi chơi.

Hình ảnh nắm lá ngón xuất hiện với ý định tự tử như trở thành biểu tượng đau xót cho thân phận con người trước ách thống trị thực dân, phong kiến: Con người ta muốn sống, muốn được hưởng mùa Xuân, tình xuân thì phải tự hủy diệt chính mình. Một thực tế lạnh lùng, phũ phàng và chua xót đến tàn nhẫn!

Nhưng may thay, Mị không tìm đâu ra nắm lá ngón trong thời khắc trỗi dậy nhất của lòng xuân ấy. Không tìm được sự chết thì cô ấy phải sống cho mùa Xuân, cho tình xuân đang bừng tỉnh. Một loạt các hành động nối tiếp nhau xuất hiện đầy hối hả, gấp gáp: Đến góc nhà, lấy ống mỡ, xắn một miếng bỏ thêm vào đĩa đèn cho sáng, quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa…

Dường như Mị đang chạy đua với cái xuân thì của vạn vật và của lòng xuân đang trỗi dậy. Bởi thế, sợi dây trói của tội ác không thể nào cầm giữ nổi xúc cảm lâng lâng men say của tình xuân trong tâm hồn Mị. Ở cô, giờ đây, tâm hồn như xuất hiện một khối hỗn mang lớn: Sống và chết; quá khứ và hiện tại; say và tỉnh; đau nhức và nồng nàn… Tất cả cùng xoắn xít trong đêm tình mùa Xuân kì diệu ấy trên bản làng Tây Bắc.

Mùa Xuân của đất trời đã thắp lửa cho tình xuân trong lòng người, trả lại cho Mị tất cả những kí ức, những thanh âm trong trẻo và đẹp đẽ của một thời tuổi trẻ đã qua. Nó giúp cho cô ý thức được mình vẫn là người, vẫn còn tuổi trẻ và có khát vọng, vẫn muốn yêu và được yêu. Đó là chất xúc tác để Mị sống, chờ đợi trong âm thầm, lặng lẽ, da diết, khắc khoải… Quả thực, đất trời vào xuân đã góp phần níu giữ tính người cho Mị, giữ cho cô không rơi vào bên kia ranh giới của con vật, đồ vật, của một thứ công cụ hình người.

Ngòi bút Tô Hoài đã rất nhân văn, nhân bản ở niềm tin vào sức sống bất diệt và khát khao làm người ngay trong chính những con người bị đẩy vào bước đường cùng như Mị! Sợi dây trói của cường quyền và bạo lực, tàn bạo và dã man của A Sử chỉ có thể thít chặt vào thân thể cô chứ không thể níu giữ sức xuân của lòng người đã hòa hợp một cách diệu kì với sắc xuân của đất trời, tạo vật, để cứ thế, suốt đêm, Mị nồng nàn tha thiết nhớ, nồng nàn hơi rượu tỏa, nồng nàn trong sắc xuân, tình xuân của những đêm tình mùa Xuân đã tới…

Ảnh minh họa: INT

Ảnh minh họa: INT

Mùa Xuân của những thân phận khốn cùng…

Trong đêm tình mùa Xuân trên núi cao, cũng như những mầm sống khỏe, khao khát tình yêu, A Phủ, chàng trai mồ côi, hồn nhiên và bản năng giữa đại ngàn Tây Bắc ấy cũng đắm say trong sắc trời, trong lòng người và trong những khát khao hò hẹn. Tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng cười đùa nam nữ… đã cuốn anh đi trong nhịp điệu say mê của mùa Xuân.

A Phủ không biết và cũng chẳng cần biết, mùa Xuân ấy đang đón đợi anh ở một kết cục đầy khổ đau và bất hạnh. Anh vẫn cứ cùng đám trai làng đem sáo, khèn, đem con quay và quả pao, quả yến đi tìm người yêu ở các làng trong vùng. Với những người xung quanh, nạm vòng bạc ở cổ rủ xuống những tua chỉ xanh đỏ là tín hiệu bất thành văn của con quan, của giàu có, quyền lực và sự bất khả xâm phạm ở A Sử, con trai nhà thống lí Pá Tra, còn A Phủ chẳng có quần áo mới, chỉ có độc một chiếc vòng vía lằn trên cổ.

Nhưng với A Phủ, những tín hiệu ấy chẳng có chút ý nghĩa. Dưới mắt anh, A Sử và đám bạn mà anh gặp trong buổi sáng sớm mùa Xuân ấy chẳng qua chỉ là những kẻ phá đám cuộc chơi xuân đêm hôm qua mà thôi. Sức trẻ và cách sống thiên nhiều về bản năng đã là nguyên cớ sâu xa của hành động đánh A Sử của A Phủ: Một người to lớn chạy vụt ra vung tay ném con quay rất to vào mặt A Sử. Con quay gỗ ngát lăng vào giữa mặt. Nó vừa kịp bưng tay lên, A Phủ đã xộc tới, nắm cái vòng cổ, kéo đập đầu xuống, xé vai áo, đánh tới tấp. Một loạt các động từ xuất hiện liên tiếp: Chạy vụt ra, ném, xộc tới, nắm, kéo, xé, đánh tới tấp biểu thị cho sức trẻ ở con người vùng cao này. A Phủ không có thời gian để suy nghĩ xem mình đang đánh ai và kết cục đang chờ đợi mình phía trước là gì. Với anh, đơn giản, A Sử là kẻ đáng bị đánh và phải đánh. Bởi thế, kể cả sau này, khi bị bắt sống, bị trói gô chân tay lại, xọc ngang cái gậy, khiêng về ném xuống giữa nhà thống lí, A Phủ không hề van xin, sợ hãi.

Giữa đất trời vào xuân đã diễn ra những thái cực của sự đối lập: Mùa Xuân nồng nàn – cảnh đời đau khổ; vui vẻ ngoài kia – tàn bạo trong này; khung cảnh tươi vui – con người tàn bạo… Tất cả cùng hiển hiện trong cảnh A Phủ bị đánh đập như thời trung cổ: Cứ mỗi đợt bọn chức việc hút thuốc phiện xong, A Phủ lại phải ra quỳ giữa nhà, lại bị người xô đến đánh.

Mặt A Phủ sưng lên, môi và đuôi mắt dập chảy máu. Người thì đánh, người thì quỳ lạy, kể lể, chửi bới. Xong một lượt đánh, kể, chửi, lại hút. Khói thuốc phiện ngào ngạt tuôn qua các lỗ cửa sổ. Rồi Pá Tra lại ngóc cổ lên, vuốt tóc, gọi A Phủ... Cứ như thế, suốt chiều, suốt đêm, càng hút, càng tỉnh, càng đánh, càng chửi, càng hút. Ngoài kia vẫn dập dìu âm thanh của tiếng khèn, tiếng sáo; còn trong này là sự hành hạ dã man những thân phận người; là tột cùng tội ác của giai cấp thống trị; là số phận khốn cùng của những người dân lao động …

Cái hành động quỳ chịu đòn, chỉ im như cái tượng đá của A Phủ trước sự đánh đập dã man của đám tay chân nhà thống lí Pá Tra, không chỉ biểu thị cho sự gan bướng nơi tính cách anh mà còn là biểu trưng cho chính thân phận trâu ngựa của những người dân vùng cao dưới ách áp bức của bọn chúa đất phong kiến.

Lời phán xử của thống lí Pá Tra trong phiên xử kiện A Phủ cũng chính là bằng chứng kết tội tội ác dã man của giai cấp thống trị: A Phủ, mày đánh con quan làng, đáng nhẽ làng xử mày tội chết, nhưng làng tha cho mày được sống mà nộp vạ. Cả tiền phạt, tiền thuốc, tiền lợn, mày phải chịu một trăm bạc trắng. Mày không có trăm bạc thì tao cho mày vay để mày ở nợ. Bao giờ có tiền giả thì tao cho mày về, chưa có tiền giả thì tao bắt mày ở làm con trâu, con ngựa cho nhà tao. Ðời mày, đời con, đời cháu mày tao cũng bắt thế, bao giờ hết nợ tao mới thôi.

Biến con người thành con vật, thành nô lệ không công, thành một thứ công cụ lao động biết nói… trong khoảnh khắc cả đất trời vào xuân là tột cùng của sự nham nhiểm, tàn bạo và cũng lột trần bản chất vô nhân đạo, phi nhân tính, nhân văn, nhân bản của giai cấp thống trị trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài!

Vậy là một mùa Xuân nữa lại về. Đứa con tinh thần của nhà văn Tô Hoài lại thêm một tuổi, vẫn thanh xuân, tràn đầy sức trẻ và sức hấp dẫn trong lòng độc giả. Giữa bạt ngàn rừng xanh, hoa mơ trắng, bay trên mùa vàng của những thửa ruộng bậc thang trĩu hạt, người ta vẫn thấy bóng dáng nhà văn xứ Đông Anh, Hà Nội hiển hiện giữa mây trời Tây Bắc. Và như thế, chừng nào chúng ta vẫn còn rung cảm trước mùa Xuân đất trời, mùa Xuân của lòng người và biết sẻ chia với nỗi đau của những thân phận người, thì chừng ấy “Vợ chồng A Phủ” sẽ vẫn chiếm lĩnh được vị trí xứng đáng trên văn đàn Việt Nam hiện đại. Sự chiếm lĩnh ấy chắc vẫn sẽ còn rất lâu, rất lâu nữa …!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ