Đọc sách để cai game

GD&TĐ - Thời gian này rơi vào những ngày cuối cùng của năm học, nhiều bậc phụ huynh đã 'lên lịch' cho các con của mình.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Đứa thì theo bố mẹ đến cơ quan và giao cho chúng một máy điện thoại thông minh để… chơi game; đứa thì gửi về quê cho ông bà chăm giúp nếu như có quê ở nông thôn và ông bà nội - ngoại vẫn còn khỏe mạnh. Không thấy, hoặc chưa thấy có bậc phụ huynh nào “lên lịch” cho con đọc những cuốn sách gì trong ba tháng hè, nếu như chúng không phải đi học thêm.

Chị bạn đồng nghiệp làm ở một đài truyền hình khu vực, khoe lên Facebook, cũng là cách mách nước cho các bạn có con còn đi học của mình rằng, những tháng hè, chị vẫn chở con theo khi đi làm nhưng không phải đến cơ quan mà là gửi cháu ở thư viện rồi “khoán” luôn là phải đọc cho hết… hai cuốn sách thiếu nhi trong ngày thì mới được đón về.

Được cái, cháu bé con chị bạn ấy rất ngoan. Không những cháu “tiêu hóa” hai cuốn sách (có lẽ là truyện tranh) như mẹ dặn mà bắt đầu mon men đến những cuốn sách văn học. Sau 5 - 6 mùa Hè như thế, cháu đọc hàng trăm cuốn sách, đủ các thể loại, trong đó có nhiều cuốn tiểu thuyết kinh điển.

Thế là cháu bắt đầu “nghiện sách” hơn là chơi game. Dĩ nhiên, không phải cháu nào cũng ham đọc sách như cháu bé con chị bạn, nhưng bố mẹ vì nhiều lý do khác nhau, rất ít quan tâm đến cái sự đọc sách của con cái.

Giải pháp tốt nhất mỗi khi nó “yêu sách” là trao cho nó cái máy điện thoại để nó chơi game. Vì muốn “bình yên”, nhiều bậc cha mẹ phải “hối lộ” cho con cách này, lâu dần cháu nghiện game lúc nào không biết.

Thống kê cho thấy, mỗi năm, người Việt chỉ đọc 1,2 cuốn sách/người. Là nói bình quân chứ có người đọc chục cuốn nhưng rất nhiều người chả đọc cuốn nào, thấy sách là… sợ. Trong khi đó, ở các nước cạnh ta như Malaysia là 10 cuốn/người/năm, Singapore là 14 cuốn. Còn các nước như Pháp, Nhật, Israel là 20 cuốn/người/năm.

Hèn chi, trên tàu xe, người nước ngoài thì cầm cuốn sách còn người Việt thì cắm mặt vào smartphone! Có một thế hệ “không đọc sách”, bắt nguồn từ khi còn là học sinh, chuyên “đọc game” thành con nghiện của game ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Chơi game cũng có cái hay của nó nhưng đọc sách vẫn hay hơn nhiều. Cứ xem những đứa trẻ “nghiện sách” sẽ ứng xử hoàn toàn khác với “nghiện game”. Người ta ví von, sách là ông thầy của tất cả chúng ta chứ không ai nói game là “ông thầy” cả.

Đọc sách không những giúp cho ta có thêm kiến thức mà hơn thế, nó bồi bổ cho tâm hồn mỗi người, phóng khoáng hơn, nhân hậu hơn, đặc biệt, người đọc sách luôn luôn hướng đến điều thiện.

Ngày nay, sách thuộc dạng “hàng hóa đặc biệt” nhưng rẻ nhất so với các loại hàng hóa khác. Chỉ cần bớt một tấm áo “màu mè” để chớp bóng nuôi phây là ta có được một cuốn sách hay, cả nhà cùng đọc chứ không như chiếc áo đèm đẹp nọ, chỉ mỗi một người là mặc được.

Trẻ con bây giờ có điều kiện hơn lớp ông bà chúng. Thế nhưng, việc đọc sách thì gần như bị thả nổi. Không phải là các em không muốn đọc mà vì người lớn chúng ta chưa biết cách để “mồi” cho chúng nghiện sách hơn là nghiện game. Chở con “gửi thư viện” như chị bạn đồng nghiệp là một cách giúp các cháu cai game vậy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.