Nhà văn Niê Thanh Mai còn là người tích cực khơi dậy đam mê đọc sách cho thanh thiếu niên, học sinh miền núi.
Tự hào là cô giáo
Xuất thân từ cô giáo dạy Ngữ văn ở Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng, sau đó chuyển về làm Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Đắk Lắk, hiện là Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, nhà văn Niê Thanh Mai (dân tộc Ê Đê) vẫn luôn tự hào được làm cô giáo. Đó cũng chính là khởi nguồn cho những trang viết đầy cảm xúc và sự tích cực trong hoạt động tuyên truyền, khơi dậy đam mê đọc sách cho giới trẻ của nữ nhà văn Niê Thanh Mai.
“Viết để trả nợ cho buôn làng đã nuôi mình khôn lớn. Viết để thay những trang giáo án đã khép lại. Tôi hy vọng, các em tận hưởng thời gian căng tròn, đẹp nhất của đời người là tuổi trẻ tích cực tích lũy kiến thức, kỹ năng sống thông qua những trang sách. Từ đó, các bạn sẽ hình thành những giá trị sống, lối sống tích cực biết yêu thương, sẻ chia”, nhà văn Niê Thanh Mai tâm sự.
Vào đầu tháng 4/2024, khi có dịp rong ruổi cùng nhà văn Niê Thanh Mai trong các hoạt động khởi động cho Ngày Sách Việt Nam, chúng tôi mới thấm hết cái nhiệt huyết của chị dành cho giới trẻ miền núi Đắk Lắk. Dù lịch họp và công tác kín bưng, nhưng ưu tiên lớn nhất của chị vẫn là những buổi chia sẻ về sách và hành trình khám phá thế giới đầy mơ ước qua sách cho các em học sinh.
Theo lịch, trong tháng 4, nhà văn Niê Thanh Mai có 6 buổi hoạt động tuyên truyền, chia sẻ về sách. Trong đó, 5 buổi chia sẻ tại các đơn vị trường học thuộc 5 huyện, thị xã và 1 chương trình trao tặng sách dành cho các phạm nhân đang cải tạo tại Trại giam Đắk Trung (Bộ Công an).
Mới đây, trong buổi trò chuyện với học sinh Trường THPT Phan Đăng Lưu (huyện Krông Búk), nữ nhà văn trải lòng: “Những năm qua, Hội VHNT đã thực hiện nhiều chuyến đi tặng sách về các trường học ở các huyện vùng sâu, vùng xa như: Buôn Đôn, M’Drắk, Krông Pắc, Krông Năng, Ea Sup… Năm nay, chương trình Ngày sách về với huyện Krông Búk.
Hy vọng đây sẽ là ngày hội khó quên với mỗi người, là dịp để sách và những người yêu sách cùng hòa chung sự hân hoan, vui vẻ và lạc quan. Đây cũng chính là một trong những hoạt động, sự kiện quan trọng để chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024), qua đó góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về vùng đất và con người huyện Krông Búk nói riêng và Đắk Lắk nói chung”.
Nói về người học trò, đồng nghiệp cũ, ông Phạm Đăng Khoa - Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho rằng, chính bản lĩnh của một nhà giáo đã tạo bệ phóng cho sự nhiệt huyết của Niê Thanh Mai cả trong sáng tác cũng như hoạt động thúc đẩy phong trào đọc sách tại địa phương.
Nhà văn Niê Thanh Mai chia sẻ tại Diễn đàn “Khát vọng cống hiến - Lẽ sống thanh niên” năm 2024. Ảnh: HA |
Đóng góp tích cực trong phát triển văn hóa đọc
Theo ông Phạm Đăng Khoa, dù được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư, song Đắk Lắk vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó có giáo dục.
“Hầu hết trường học có thư viện, nhưng để trang bị sách phong phú, đáp ứng thị hiếu đọc của tuổi trẻ hiện nay vẫn còn khiêm tốn. Những năm qua, cùng với ngành GD-ĐT, nhà văn Niê Thanh Mai có nhiều hoạt động hỗ trợ, tặng sách, chia sẻ về sách giúp các nhà trường, học sinh, nhất là các em ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số có cơ hội được nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa của việc đọc sách. Hơn nữa, xuất thân là một cô giáo dạy Ngữ văn, Niê Thanh Mai hiểu được tầm quan trọng của việc đọc sách, qua đó truyền cảm hứng đến học sinh tình yêu với sách hơn”, ông Khoa nhấn mạnh.
Chung quan điểm, TS Lê Văn Nhất - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Buôn Đôn, Đắk Lắk) cho rằng, nhờ sự kết nối, lan tỏa của Thanh Mai, các em học sinh ở huyện biên giới được gặp gỡ, trò chuyện với những thần tượng như các nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Bình Phương…
“Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, phổ biến và khuyến khích đọc sách đối với học sinh trở nên quan trọng. Trong tình huống này, nhà văn Niê Thanh Mai đã nổi lên như một người tâm huyết, cống hiến không ngừng trong việc phát triển phong cách đọc sách cho học sinh miền núi, đóng góp quan trọng vào việc vươn lên và thay đổi cuộc sống của các em”, TS Nhất chia sẻ.
Một trong những cống hiến đáng kể của nhà văn Niê Thanh Mai là tổ chức các hoạt động văn hóa, thảo luận và trao đổi tại các trường học. Nhà văn Niê Thanh Mai đưa sách đến gần hơn với các em bằng cách tổ chức các buổi giới thiệu, đọc truyện và thảo luận về nội dung sách. Nhờ đó, học sinh miền núi đã có cơ hội tiếp cận những sản phẩm văn học giá trị, mở mang tầm nhìn và khám phá thế giới qua từng trang sách.
Bên cạnh đó, Niê Thanh Mai đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và tăng cường hệ thống thư viện trong các trường học nơi đây. Niê Thanh Mai đã vận động, kêu gọi nguồn sách từ các nhà xuất bản, bạn bè văn chương, báo chí từ khắp cả nước và tổ chức các chương trình trao tặng đến nhiều đơn vị trong tỉnh, trong đó đặc biệt dành tặng cho học sinh vùng sâu, vùng xa. Điều này không chỉ khuyến khích học sinh đọc sách, mà còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và khám phá tiềm năng của các em.
Với những cống hiến và đóng góp không ngừng nghỉ, nhà văn Niê Thanh Mai xứng đáng là người tiên phong trong việc phát triển “Văn hóa đọc” cho học sinh miền núi. Sự cống hiến và tình yêu thương của nữ nhà văn đã tạo ra những hoạt động tích cực, giúp phát huy khuyến khích đọc sách và nâng cao tri thức cho các em học sinh.
Không chỉ dừng lại ở công việc truyền cảm hứng đọc sách cho học sinh, Niê Thanh Mai còn giúp đỡ học sinh qua việc vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân trao tặng hàng trăm suất học bổng dành cho học sinh vượt khó học tập mỗi năm. Từ đây, nhiều học sinh đã có cơ hội tiếp tục học cao hơn và phát triển tài năng cá nhân. - Ông Y Ni MLô (Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Búk)