Bồi đắp thói quen đọc sách để mở ra 'những chân trời mới'

GD&TĐ - Tôi tin rằng mỗi người đều có năng lực đọc sách.

Nhật kí đọc sách của một số học sinh lớp 6/3, Trường THCS Duy Tân.
Nhật kí đọc sách của một số học sinh lớp 6/3, Trường THCS Duy Tân.

Sở dĩ học sinh chưa có thói quen đọc sách vì các em chưa được định hướng nghiêm túc mà thôi. Một người thầy đọc sách, một người cha đọc sách, một người mẹ đọc sách, cả xã hội đọc sách, ắt học sinh cũng sẽ đọc sách.

Vai trò của sách

Từ xưa, cha ông ta quan niệm “Để vàng bạc chẳng bằng để sách cho con” chứng tỏ sách quý hơn gia tài, hay chính sách là một gia tài khổng lồ. Sách là công cụ lưu giữ văn minh nhân loại, người đọc sách nâng cao hiểu biết, có cơ hội đưa mình về với lịch sử tìm lại quá khứ hoặc khám phá tương lai. Người đọc sách hoàn toàn có thể chu du đến mọi vùng đất mới mà điều kiện chưa cho phép khám phá thực tế, đồng thời, với sách, con người có thể đi thật sâu vào thế giới tâm hồn người khác để yêu thương, đồng cảm.

Chính sách sẽ bồi đắp tâm hồn, “gây cho ta những gì ta chưa có, luyện cho ta những tình cảm ta sẵn có” (lời của Hoài Thanh). Cũng từ sách, ta tìm kiếm cho mình được cơ hội mới, nâng cao kĩ năng sống. Và không thể phủ nhận, sách giúp tất cả chúng ta, đặc biệt là học sinh thực hành luyện từ và câu, nâng cao khả năng giao tiếp, hạn chế lỗi diễn đạt và chính tả. Quả thật, như M.Gorki đã nói: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”.

Sách tuyệt vời là thế, người Việt Nam ta yêu sách là thế, nhưng tuổi trẻ bây giờ, nhất là lứa tuổi học sinh có còn yêu sách hay không? Ngày nay, công nghệ phát triển mạnh mẽ, chỉ cần một thiết bị điện tử thông minh kết nối mạng Internet, con người tìm kiếm thông tin bằng kênh chữ, kênh hình một cách dễ dàng.

Những hấp dẫn đó thu hút giới trẻ, nhất là học sinh, lứa tuổi mà nhận thức chưa chín chắn khiến các em chưa hào hứng với sách, chưa có thói quen đọc sách. Đó là tất yếu. Nhưng, giữa muôn vàn thông tin thật giả lẫn lộn trên mạng xã hội, những quyển sách giấy với nội dung được kiểm duyệt vẫn là một lựa chọn tối ưu để bậc cha mẹ, thầy cô hướng học sinh vào đọc sách. Vì vậy, rất cần thiết phải hình thành thói quen đọc sách trong toàn xã hội, nhất là học sinh.

Định hướng, hình thành thói quen

Những tác động của nền tảng xã hội có thể ảnh hưởng nhất thời tới phong trào và kĩ năng đọc sách của học sinh trong thập kỉ qua. Nhưng tôi tin rằng mỗi người đều có năng lực đọc sách. Sở dĩ học sinh chưa có thói quen đọc sách vì các em chưa được định hướng nghiêm túc về thói quen này mà thôi. Một người thầy đọc sách, một người cha đọc sách, một người mẹ đọc sách, cả xã hội đọc sách, ắt học sinh cũng đọc sách. Trách nhiệm của giáo dục là phải khơi dậy khả năng đọc sách tiềm tàng trong mỗi em học sinh.

Thực tế rất đáng mừng là sách ngày nay rất đẹp, đa dạng thể loại, phong phú nội dung, giá cả cũng rất phù hợp với thu nhập của phụ huynh. Mỗi trường học đều có thư viện với đầy đủ các hạng mục sách, nhất là sách trong chương trình học của học sinh. Đặc biệt, ở môn Ngữ văn chương trình GDPT 2018 dành rất nhiều thời lượng cho các văn bản đọc, hướng dẫn học sinh đọc sách.

Ở bộ sách “Chân trời sáng tạo” (Nguyễn Thị Hồng Nam chủ biên) có nhiều nội dung hướng học sinh tới sách như “Viết: Lập kế hoạch câu lạc bộ đọc sách”, “Đọc: Làm thế nào để giúp Cô Bé Rắc Rối lựa chọn sách?”… Bộ sách “Cánh Diều” (Nguyễn Minh Thuyết tổng chủ biên) phần hướng dẫn tự học luôn rất cụ thể, chi tiết các đầu sách mà học sinh cần đọc.

Đặc biệt, ở bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” (Bùi Mạnh Hùng chủ biên) cứ sau hai bài học lại có phần “Đọc mở rộng” định hướng đọc sách; các nội dung nói và nghe thường xuyên chia sẻ sách theo chủ đề. Đặc biệt hơn, ở bộ này tập trung thiết kế bài 10 mỗi khối lớp nội dung hướng học sinh đến sách như “Cuốn sách tôi yêu” (khối lớp 6), “Trang sách và cuộc sống” (khối lớp 7), “Sách - người bạn đồng hành” (khối lớp 8).

Với nền tảng như vậy, bằng sự phối hợp giữa giáo viên bộ môn (đặc biệt là giáo viên dạy Ngữ văn) với bộ phận thư viên nhà trường; giữa nhà trường và cha mẹ học sinh thì nhất định học sinh sẽ dần hình thành được thói quen đọc sách thay cho thói quen truy cập thiết bị điện tử.

Phối hợp với Ban giám hiệu, thư viện mua sách phù hợp. Tất nhiên, thư viện nhà trường luôn nhiều sách. Nhưng không phải sách nào cũng phù hợp với học sinh. Chính vì vậy, cần dựa vào kinh nghiệm chọn sách của giáo viên, dựa vào chương trình học của học sinh để lên danh mục sách phù hợp, tham mưu với BGH nhà trường, lên kinh phí mua sách cho học sinh mượn.

Thư viện là để đọc sách, nhưng có thu hút được học sinh đến với thư viện hay không là nhờ kế hoạch hoạt động của thư viện. Do vậy, phối hợp với nhà trường, thư viện tổ chức giờ đọc sách cho học sinh là hết sức cần thiết. Giờ đọc sách tối thiểu nên cố định thời gian, ví dụ, đọc vào tiết trước hoặc sau khi học Thể dục. Bằng nhiều cách khác nhau để thu hút học sinh đến với thư viện.

Đây nên là việc làm cần thiết ngay từ đầu năm học của mỗi giáo viên dạy Ngữ văn. Các đầu sách có chọn lọc phù hợp với lứa tuổi học sinh. Trước hết đó phải là những đầu sách có liên quan đến chương trình học. Danh sách này được gửi cho giáo viên chủ nhiệm để gửi vào nhóm lớp (các đầu sách mới, địa chỉ mua sách, mượn sách được cập nhật thường xuyên).

Tất nhiên, giáo viên Ngữ văn cần nói rõ vai trò của sách, quan điểm đọc sách để nhận được sự phối hợp của cha mẹ học sinh. Trong quá trình giáo dục, cha mẹ học sinh nên làm gương bằng cách đọc sách hoặc đọc sách cùng con, liên lạc với giáo viên thông qua những hình ảnh sách và hoạt động đọc sách ở nhà của học sinh cho giáo viên; giáo viên cũng gửi những hình ảnh, video học sinh giới thiệu sách và hiệu quả giới thiệu sách ở trường cho cha mẹ học sinh. Đối với giáo viên chủ nhiệm, có thể trích quỹ lớp để mua sách làm phần thưởng tặng học sinh có nhiều tiến bộ.

Học sinh lớp 6 Trường THCS Duy Tân giới thiệu sách trước lớp.
Học sinh lớp 6 Trường THCS Duy Tân giới thiệu sách trước lớp.

Lan tỏa những cuốn sách hay

Mọi hoạt động tổ chức cần có quá trình kiểm tra, đánh giá, khen thưởng. Tổ chức cho học sinh đọc sách cũng vậy. Giáo viên nên linh hoạt thời gian để học sinh được giới thiệu những quyển sách mình đã đọc, vừa là để lan tỏa sách hay, vừa là để thể hiện giá trị của việc đọc sách.

Thời gian giới thiệu sách có thể là 5 phút khởi động trước khi học một văn bản có liên quan, có thể là giờ nói và nghe có chủ đề giới thiệu sách, cũng có thể giới thiệu sách tại thư viện do cô thủ thư quản lí,… Phần thưởng cho học sinh nỗ lực sẽ là những lời khen, những điểm tốt của môn học hay một quyển sách nhỏ mà giáo viên hoặc thư viện đã chuẩn bị.

Hướng dẫn học sinh lập “Nhật kí đọc sách”. Nhật kí đọc sách là sản phẩm do học sinh lập ra để ghi lại tiến trình và thành quả đọc sách của mình. Giáo viên nên hướng dẫn học sinh thể hiện trong sổ các tiêu chí thời gian, tên sách, giá trị của sách đã đọc. Riêng phần trình bày, trang trí là tùy sở thích cá nhân của học sinh. Tuy gọi là “nhật kí” nhưng quyển sổ này thường xuyên được chia sẻ với nhau để lan tỏa sách hay. Tất nhiên, đây được xem là một loại hồ sơ học tập nên giáo viên hoàn toàn có thể kiểm tra, nhận xét, đánh giá, cho điểm.

Ngoài những giờ nói và nghe có tiết trong chương trình giới thiệu sách, giáo viên có thể tổ chức cuộc thi giới thiệu sách trực tuyến trong lớp bằng các video gửi qua Zalo hoặc Email của giáo viên. Cách làm này vừa rèn luyện kĩ năng nói và nghe, vừa có thể giới thiệu được phong phú sách mà học sinh đã đọc. Những video có chất lượng tốt sẽ được giới thiệu trước lớp và các cuộc thi khác. Hai năm gần đây, thư viện tổng hợp Tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức cuộc thi “Giới thiệu sách trực tuyến”, đây là một trong những hoạt động đề cao sách và thói quen đọc sách cho học sinh.

Tôi tin rằng, chưa làm chưa có kết quả, muốn có kết quả thì phải dám làm. Cứ thật tâm, mỗi ngày một ít, bồi đắp thói quen đọc sách cho học sinh để mở ra “những chân trời mới” cho học sinh thân yêu!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ