Độc, lạ phim “Cậu Vàng”

GD&TĐ - Giá như NSND Bùi Cường còn sống, hẳn ông sẽ hài lòng với bộ phim đầu tiên ra mắt hãng phim mang tên mình thực sự ấn tượng.

Cảnh trong phim “Cậu Vàng”.
Cảnh trong phim “Cậu Vàng”.

Chưa bao giờ trong phim Việt, lại có một chú chó đóng phim tài tình đến thế! Lần đầu tiên điện ảnh Việt lấy một chú chó làm nhân vật chính trung tâm, là linh hồn của câu chuyện, là mạch điểm kết nối xuyên suốt bộ phim...

Vòng tròn định mệnh

“Cậu Vàng” là bộ phim đầu tiên của Hãng phim Bùi Cường. Thực sự là duyên mệnh. Năm 35 tuổi, diễn viên Bùi Cường đã “đóng đinh” tên tuổi mình vào vai diễn Chí Phèo trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” (đạo diễn Phạm Văn Khoa (1914 - 1992).

Nhà văn Đoàn Lê (1943 - 2017) đã “nhào trộn” ba tác phẩm “Sống mòn”, “Chí Phèo” và “Lão Hạc” của nhà văn Nam Cao để thành kịch bản phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Từ diễn viên, NSND Bùi Cường chuyển sang đạo diễn phim truyền hình. Nhưng không bộ phim nào thực sự đem lại tên tuổi cho ông vượt qua được cái bóng “Chí Phèo”.

Duyên mệnh đó “xui khiến” ông lao tâm khổ tứ viết kịch bản “Bữa cơm cuối cùng của Lão Hạc”. Tức là lại xoay tròn về với làng Vũ Đại của Nam Cao. Nhân vật chính và “trọng tâm” phim đổ dồn cho vai diễn Lão Hạc. Nhà đầu tư đã đồng ý sản xuất. Thế nhưng, NSND Bùi Cường đột ngột… bị tai biến và qua đời 10 ngày sau đó.

Nhà đầu tư hẫng hụt. Trước nay họ chỉ làm việc, tin và chấp nhận đầu tư vào danh tiếng “Chí Phèo” Bùi Cường. Không lẽ vốn liếng tan vào mây khói? Nhưng liệu có nên tin vào tài năng của Trần Vũ Thủy - chàng con rể của Bùi Cường, một người chưa từng làm phim điện ảnh?

Đạo diễn Trần Vũ Thủy kể, mất gần năm trời, nhà đầu tư lưỡng lự với một đạo diễn trẻ chỉ chuyên theo bố vợ làm phim truyền hình, nhưng rồi họ cũng chấp nhận “chơi”. Mà không chỉ với nhà đầu tư, chính tôi cũng coi đây là phim mình phải chơi hết mình.

NSND Bùi Cường không chọn cách như nhà văn Đoàn Lê khi viết kịch bản “Bữa cơm cuối cùng của Lão Hạc”. Ông đã phóng tác một câu chuyện hoàn toàn mới nhưng trên nền bối cảnh một làng quê Vũ Đại, với những nhân vật có tên gọi thân quen như Lão Hạc, Bá Kiến, Lý Cường, Binh Chức, giáo Thứ, bà cả, bà hai, bà ba… Và với kịch bản phim truyện đầu tay được sản xuất này, ông thực sự ghi tên mình vào một danh hiệu nghệ sĩ mới - nhà biên kịch.

Nhưng, nhà biên kịch Bùi Cường chắc chắn có lẽ sẽ vô cùng ngạc nhiên và hài lòng khi chàng con rể đã làm một việc “tày đình”. Đó là đẩy cho mình vào một tình cảnh khó khăn hơn để làm phim. Kịch bản được điều chỉnh lại và lấy tên là “Cậu Vàng”. Vàng là con chó của Lão Hạc. Tức là nhân vật chính và trọng tâm của câu chuyện sẽ đổ dồn lên một động vật…

Poster phim “Cậu Vàng”.
Poster phim “Cậu Vàng”. 

Khó và nhiều thử thách

Bà Kim Mùi, vợ cố NSND Bùi Cường cho biết: Nhà đầu tư và chúng tôi phải chấp nhận mọi khó khăn để casting nhân vật Cậu Vàng. Tuyển được Cậu Vàng rồi thì phải lo cho cậu “ăn học”. Tính ra mỗi tháng chi phí khoảng 25 triệu đồng để huấn luyện. Cũng may cậu sáng dạ nên học vài tháng đã diễn xuất rất tốt…

Theo đạo diễn Trần Vũ Thủy, điểm khó nhất khi thực hiện phim Cậu Vàng chính là việc lựa chọn nhân vật chính - Cậu Vàng. Cậu Vàng là một chú chó, nhưng trong phim, chú chó đã được nhân cách hóa như một con người, có tính cách, tâm lý, có cảm xúc với đầy đủ các cung bậc hỉ - nộ - ái - ố.

Cậu Vàng có mọi tương tác như người với người, với các nhân vật khác trong phim. “Việc kiểm soát được cảm xúc của Cậu Vàng là vô cùng khó đối với cả các huấn luyện viên - những chuyên gia đến từ Trung tâm Huấn luyện chó nghiệp vụ PDS - và các thành viên khác trong ê-kíp làm phim. Bởi về bản chất, một con chó thường chỉ nghe lời người chủ của nó và phản ứng tiêu cực với bất cứ ai khác, đặc biệt là khi có đông người”, đạo diễn Trần Vũ Thủy cho biết.

Việc chọn được nhân vật cậu Vàng đáp ứng được tất cả tinh thần, mong muốn của kịch bản, hội tụ được những kỹ năng cần thiết để vào vai là điều vô cùng khó khăn.

Trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, động vật (chó, ngựa, voi, lợn…) thủ vai diễn trong phim không ít. Nhưng chắc chắn một điều, đây là lần đầu tiên một chú chó có diễn xuất thành công và gây kinh ngạc nhất.

Trong phim, tình cảm của con người với con người, con người với động vật được đề cao đến cực điểm, như một tình cảm thiêng liêng. Nhân vật Cậu Vàng như một nhân vật chính diện trong dòng phim siêu anh hùng. Vàng trung thành, khôn ngoan, sẵn sàng xả thân chiến đấu vì chủ, để bảo vệ người chủ trước mọi sự áp bức bất công.

Nhận định về nhân vật Cậu Vàng, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng: “Lên phim, nếu chú chó diễn xuất lóng ngóng thì có lẽ bộ phim rất khó thành công. Vì vậy tôi cho rằng, nên chờ phim ra rạp để xem diễn xuất của Cậu Vàng như thế nào hơn là chỉ tập trung hoàn toàn vào hình dáng, vẻ ngoài hay nguồn gốc của nó”.

Ông cũng chi rằng, đối với một tác phẩm chuyển thể, phóng tác... chúng ta hãy bớt liên hệ giữa nguyên tác văn học và phim để tập trung xem phim, coi nó như một tác phẩm điện ảnh độc lập. Ông cũng nêu quan điểm khi làm phim, sự trung thành với tác phẩm văn học gốc thực ra chỉ là tương đối nhưng do đặc thù của thể loại, giới hạn về thời gian...

Phim “Cậu Vàng” vẫn xoay quanh chuyện của làng Vũ Đại như sưu cao thuế nặng, đè nén áp bức dân của cha con Bá Kiến, Lý Cường và lũ cường hào ác bá. Đỉnh cao là âm mưu hết lần này đến lần khác dở mọi thủ đoạn để hòng chiếm đoạt mảnh đất có long mạch của Lão Hạc.
Bên cạnh đó còn có dòng trữ tình tưởng như “lạc đề” nhằm kéo dài kịch tính của phim. Đó là chuyện tình cảm của bà ba với người tình, với Lý Cường… Cái chết của Lão Hạc như một sự tất yếu để gìn giữ mảnh đất cho con trai đã bỏ đi biệt xứ.
Nhưng Lão Hạc chết chưa phải là… hết phim. Đạo diễn Trần Vũ Thủy thực hiện một cái kết vô cùng táo bạo, đạt mức “kinh điển”. Đó là ai sẽ đưa ra phán quyết khi Lão Hạc, giáo Thứ, Binh Chức bất lực trước cường quyền? Một cái kết hoàn toàn bất ngờ nhưng lại nhân văn, phù hợp với truyền thống truyện kể dân gian… Phim ra rạp trên toàn quốc từ 8/1.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ