Ý tưởng nảy sinh khi đi… đổ rác
“Nhiều lần đi đổ rác, hoặc muốn vứt rác, mình thấy rác bừa bãi trên đường do nhiều thùng rác xung quanh đã đầy và chưa được đổ. Loay hoay không biết đem rác bỏ vào đâu, tự dưng nghĩ, cần phải có cách nào đó để khắc phục tình trạng này” – Trần Hữu Phát – thành viên nhóm nghiên cứu chia sẻ.
Theo Phát, cơ chế thu gom rác theo lộ trình cố định bộc lộ nhiều nhược điểm, dễ dẫn đến tình trạng xe gom rác chạy đến tất cả các thùng rác kể cả các thùng rác chưa đầy, gây tốn thời gian và nhiên liệu cho các xe tải thu gom rác. Mặt khác, nhiều thùng rác có thể quá tải trước khi được gom.
“Từ thực tế được tận mắt chứng kiến, tụi mình muốn tạo ra một giải pháp cho phép nhà quản lý biết được tình trạng thùng rác để có chiến lược điều phối xe hiệu quả. Đồng thời giúp người dân tìm thùng rác trống dễ dàng hơn”.
Triển khai ý tưởng, các bạn gặp không ít khó khăn. Bên cạnh việc thiếu kinh phí, ban đầu nhóm gặp vấn đề do chưa có kinh nghiệm trong việc sử dụng các thuật toán và phần mềm để ứng dụng cho sản phẩm. Cả nhóm phải thảo luận, tranh luận gay gắt, lên nhiều phương án khác nhau, và tham khảo ý kiến từ các chuyên gia, thầy cô. Sau một thời gian tìm tòi, thực hiện tỉ mỉ, cuối cùng sản phẩm cũng ra đời trong niềm vui mừng khôn xiết của những người trẻ tâm huyết.
Khác với các thùng rác thông thường, sản phẩm của nhóm sinh viên Hoa Sen sử dụng một cảm biến siêu âm được gắn trên nắp thùng, cho phép nhận biết khi nào rác đầy. Khi lượng rác đầy thùng, chip ethernet shield sẽ gửi tín hiệu về hệ thống của nhà quản lý. Đồng thời, đèn led gắn trên thùng sáng lên báo hiệu người dân không bỏ rác vào thùng đó nữa.
Sản phẩm sử dụng moduleGPS cho phép xác định chính xác vị trí của thùng trên web và hiển thị trên google map. Khi thùng rác đầy, trên bản đồ sẽ hiển thị màu đỏ, thùng rác nào chưa đầy sẽ hiển thị màu xanh. Công ty rác xử lý thông tin và cử người đi nhận rác.
Ngoài ra“thùng rác thông minh” còn có tính năng phát wifi cho người dùng gần đó có thể truy cập internet để đọc báo, cập nhật thông tin…biến thùng rác thành thiết bị đa tác dụng.
“Kiến thức chuyên ngành hỗ trợ chúng tôi rất nhiều”
Là sinh viên ngành Kĩ thuật phần mềm và ngành Mạng máy tính, Trường ĐH Hoa Sen, Trần Dương Minh Hải và Trần Hữu Phát khẳng định: kiến thức chuyên ngành được trau dồi trên giảng đường giúp các bạn rất nhiều trong quá trình sáng tạo sản phẩm. Đại học Hoa Sen vốn là một trong những cơ sở uy tín và có kinh nghiệm trong lĩnh vực này.Chương trình đào tạo chú trọng phương pháp giảng dạy hiện đại nhằm phát triển khả năng tư duy, kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên.
Thực hành chiếm đến 50% thời lượng môn chuyên ngành. Chính vì vậy, các bạn có nhiều cơ hội tiếp xúc với thực tế, ứng dụng kiến thức vào thực tiễn, thử sức ở các cuộc thi, sân chơi công nghệ. Đặc biệt,nhà trường luôn tạo mọi điều kiện khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học.
“Các thầy cô khoa Khoa học & Công nghệ, Trường ĐH Hoa Sen hỗ trợ, hướng dẫn chúng tôi xuyên suốt từ khâu lên ý tưởng đến quá trình hoàn thiện sản phẩm” - Trần Dương Minh Hải cho biết thêm.
Tháng 5 vừa qua, “Thùng rác thông minh” được giới thiệu tại Diễn đàn khoa học và công nghệ Việt Nam lần thứ 2, nhận được sự hưởng ứng từ đông đảo người tham dự cùng các chuyên gia công nghệ.
Thầy Nguyễn Tấn Cầm, giảng viên Trường ĐH Hoa Sen đánh giá: “Sản phẩm giàu tính ứng dụng, vừa góp phần thiết thực nâng cao ý thức người dân vừa giúp nhân viên thu gom rác tiết kiệm được thời gian, công sức”.
"Sắp tới, chúng em sẽ nghiên cứu phương pháp khuyến nghị người thu gom rác con đường đi đến thùng rác ngắn nhất" – Minh Hải tiết lộ.