Độc đáo làng nghề "Phó nháy"

Độc đáo làng nghề "Phó nháy"

(GD&TĐ) - Lâu nay, nói tới làng nghề, nhiều người thường nghĩ đến những nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, thủ công, hay mỹ nghệ nào đó. Thế nhưng ít ai biết rằng chính trong vùng đất “trăm nghề” lại có một làng nghề chẳng giống bất cứ một nghề nào, đó là nghề: Nhiếp ảnh mà người ta còn gọi là “Phó nháy” thuộc làng Lai Xá xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Làng được coi là nơi “phát tích” ra nghề nhiếp ảnh Việt Nam.

Ông tổ làng nghề và niềm tự hào của người Lai Xá

Mặc dù đã được giới thiệu về làng nghề đặc biệt đó, nhưng chúng tôi cũng không khỏi bất ngờ khi đến thăm. Ngôi làng chẳng lưu lại được là bao đặc điểm của làng nghề, một mặt cũng bởi đặc thù của nghề nhiếp ảnh không phải làm ra sản phẩm đồng loạt để trưng bày, giới thiệu  mà chỉ cảm nhận được sự tồn tại của nghề qua phương thức cha truyền con nối, ngoài ra làng có tới 2/3 diện tích đất đã bị biến thành khu công nghiệp, thành quốc lộ 32, thành nhà chung cư và các khu đô thị. Thế nhưng cái sức sống bền bỉ của một làng nghề thì vẫn mãnh liệt đến vô cùng. 

Người dân trong làng khoe: Hiện làng có gần một nửa số lao động trong thôn theo nghề ảnh và đang hoạt động ở khắp nơi, không chỉ ở Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Lào Cai,… mà còn sang cả nước ngoài như Lào, Trung Quốc, Campuchia, Malaysia, Pháp, Đức...

Ông tổ nghề nhiếp ảnh ở Lai Xá
Ông tổ nghề nhiếp ảnh ở Lai Xá

Các nghệ sỹ nhiếp ảnh kỳ cựu của làng Lai Xá cho biết: Họ yêu quý cái nghề này bởi đó là nghề được “biến” từ nghề ngoại nhập trở thành nghề truyền thống mà ông tổ làng nghề đã vất vả lắm gây dựng. Họ kể chiếc máy ảnh gắn liền với câu chuyện về cụ Nguyễn Đình Khánh, cụ tổ làng nghề, người đi lên từ gốc gác nông dân, từng ngồi đàm đạo cùng các chí sĩ yêu nước như Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc... Truyện về cụ Khánh được người dân trong làng kể cho nhau nghe từ đời này sang đời khác. Đó là khi cụ Nguyễn Đình Khánh mới 16 tuổi, bước chân lên đất kinh kỳ, có ông chú là Nguyễn Văn Tạo làm phục vụ cho cửa hàng ảnh của người Hoa tên Du Trương trên phố Hàng Bồ. Ra Hà Nội làm chân giúp việc, nhưng cái máy ảnh đã hút hồn cụ Khánh lúc nào không hay. Nhận thấy lòng say nghề và khéo léo ở cậu thanh niên trẻ, chủ hiệu ảnh đã dạy nghề cho cụ Khánh. Chỉ 2 năm sau, trên đất kinh kỳ ấy không ai không biết đến tay nhiếp ảnh cừ khôi với cái tên Khánh Ký. Tài nghề của cụ đã đánh bạt cả nhà chủ nổi tiếng bậc nhất kinh kỳ. 

Trong khi hành nghề ảnh, cụ Khánh còn tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Do phong trào này bị lộ, năm 1911, cụ Khánh đã phải sang Pháp. Năm 1912, cụ mở hiệu ảnh ở Toulouse. Năm 1913, Raymond Poincaré đắc cử Tổng thống Pháp. Trong rất nhiều tay máy chụp ảnh tân Tổng thống lúc đăng quang có Khánh Ký và bức ảnh của ông đã được đánh giá là bức ảnh đẹp nhất và được đưa lên trang bìa một số báo, trong đó có bìa của tờ Illustration. Sau thành công đó một cửa hiệu Khánh Ký khác được mở tại Paris.

Những năm tiếp theo, hiệu ảnh Khánh Ký đã có mặt ở Frankfurt (Đức), Quảng Châu (Trung Quốc). Sau khi về nước, cụ Khánh đã mở thêm hiệu ảnh ở một số nơi như Sài Gòn, Hải Phòng...

Không chỉ phát triển nghề nhiếp ảnh cho riêng mình, vào thời điểm này, cụ Khánh còn về quê truyền dạy nghề cho người dân làng Lai Xá. Với công lao biến một nghề ngoại nhập trở thành nghề truyền thống và đưa nghề nhiếp ảnh tới mọi miền đất nước, cụ Nguyễn Đình Khánh trở thành 1 trong những danh nhân nhiếp ảnh có tên trong Bách khoa thư Việt Nam, gồm Đặng Huy Trứ, Khánh Ký, Võ An Ninh, Đinh Đăng Định, Nguyễn Bá Khoản. 

Từ đó người dân làng Lai Xá coi cụ là ông tổ nghề ảnh của làng. Những học trò của cụ Khánh sau này đã phát triển và hình thành hơn 150 hiệu ảnh khắp đất nước với khoảng 2.000 thợ ảnh, tập trung nhất là ở Hà Nội, Sài Gòn và các tỉnh phía Nam. Những hiệu ảnh của người làng Lai Xá thường gắn với chữ “Ký” hoặc chữ “Lai” như An Ký, Thịnh Ký, Thiện Ký... hay Phúc Lai, Kim Lai, Mỹ Lai... mà theo họ đó là một cách tự giới thiệu và sự tự hào bản sắc của những người con làng Lai Xá.

Nhiếp ảnh mà người ta còn gọi là “Phó nháy” thuộc làng Lai Xá
Nghề nhiếp ảnh còn gọi là “Phó nháy” ở làng Lai Xá

Quyết sống mãi với nghề 

Thời kỳ phát triển như vũ bão của công nghệ kỹ thuật số đã bỗng chốc biến cái nghề ảnh của người dân Lai Xá đứng trước nguy cơ bị “xóa sổ”. Một số hiệu ảnh Lai Xá đã phải đóng cửa để kiếm kế khác sinh nhai. Thay vào những hiệu ảnh, người làng Lai Xá xây nhà cho thuê, bán hàng ăn, rửa xe, làm ruộng…Nhưng phần lớn người dân làng Lai Xá vẫn lưu luyến với nghề ảnh. Họ bảo nhau: Làm gì thì làm vẫn phải trên cơ sở và nòng cốt là nghề ảnh. Năm 2002 những người tâm huyết với nghề ảnh Lai Xá đã thành lập Câu lạc bộ Nghệ thuật nhiếp ảnh mang tên Nguyễn Đình Khánh để tạo sân chơi, cùng giúp nhau làm nghề ảnh, nâng cao tay nghề, đồng thời dùng ảnh vào mục đích khác như gửi đăng báo, chứ không chỉ có chụp ảnh kiếm tiền.

Tuy chỉ là một tổ chức của những người cùng sở thích, tự nguyện tham gia nhưng Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Nguyễn Đình Khánh sinh hoạt khá đều đặn vào mỗi chủ nhật ngày đầu tháng. Hình thức sinh hoạt khá phong phú như tổ chức cho các hội viên đi thực tế sáng tác, mời các nghệ sĩ nhiếp ảnh về bình ảnh và trao đổi chuyên môn, trao đổi về kỹ thuật sử dụng máy ảnh, xử lý các tình huống.... 

Từ khi thành lập đến nay, các thành viên của Câu lạc bộ đã có hàng ngàn bức ảnh đẹp, trong đó có những bức ảnh đặc sắc về thiên nhiên, sự vật, con người của các hội viên đã được trao giải cao trong những cuộc thi ảnh trong nước.

Không những thế, hàng năm Câu lạc bộ còn mở các lớp dạy chụp ảnh, nhất là chụp ảnh nghệ thuật… Ngoài ra còn tổ chức các đợt đi giao lưu sáng tác tại nhiều danh lam thắng cảnh trong cả nước. Theo họ đây không chỉ là cách kể chuyện rất riêng của những người yêu nghề “lưu giữ khoảnh khắc thời gian” tới công chúng, mà còn khẳng định rằng, người Lai Xá đã biết gìn giữ giá trị truyền thống và tiếp thu những cái mới để tiếp tục phát triển nghề này như thế nào. 

Dẫu không còn cái thời hoàng kim như trước, cũng không còn nhộn nhịp và mang những dấu hiệu của làng quê hiện đại, nhưng Lai Xá vẫn trường tồn trong hàng ngàn làng nghề truyền thống ở Việt Nam. Tay nghề của các nghệ nhân Lai Xá xưa và nay qua những bức ảnh khiến nhiều nhà nhiếp ảnh trong nước và thế giới phải kinh ngạc.

Minh Tư

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...