Đặc trưng nghề làm hương
Tuy nằm về phía Tây Nam cách xa thành phố, làng Thủy Xuân trong quy hoạch của tỉnh và thành phố, đang trên tiến trình đô thị hóa, cơ sở hạ tầng ngày càng được hoàn thiện. Trên địa bàn phường Thủy Xuân hiện có tất cả 43 ngôi cổ tự, 2 lăng tẩm nổi tiếng đẹp nhất cố đô là lăng vua Tự Đức và Đồng Khánh; bên cạnh đó còn có đồi Vọng Cảnh thu hút khá đông du khách vào những ngày cuối tuần, ngày lễ. Đa số dân cư theo đạo Phật, văn hóa làng xã được bảo tồn và phát huy nghiêm túc.
Nghề làm hương ở Thủy Xuân đã tồn tại lâu đời, người cao tuổi làm nghề này cũng không nhớ có từ khi nào, chỉ biết khi sinh ra đã thấy ông bà, cha mẹ làm những cây hương trầm thơm ngát. Trải qua 700 năm, người dân vẫn luôn duy trì và phát triển nghề gia truyền.
Trong các nghi lễ tâm linh, người Huế không dùng hương có mùi thơm hóa chất (hương Thái, Trung Quốc), do đó hương “trầm” Thủy Xuân mang hương vị đặc trưng của trầm nguyên chất. Làm hương này phải trải qua nhiều công đoạn bào chế, là cả sự kỳ công của người thợ. Muốn có một mẻ hương tốt, người thợ thường chú ý đến khâu tuyển chọn nguyên liệu như trầm, ngũ vị thuốc Bắc (quế chi, thảo quả, nụ tùng, đinh hương, hoa hồi) còn kèm thêm bột vỏ quả bưởi rừng, hoa bưởi khô, quế, bạch đàn…
Thiếu nữ se hương trên phố Huyền Trân công chúa |
Người Huế rất kị thắp loại hương bị tắt nửa chừng hay cháy bùng bất thường, do đó phần lõi hương phải làm từ ruột tre khô chẻ nhỏ, được phơi nắng nhiều ngày để thật khô, thật giòn. Có vậy khi đốt lên, cây hương sẽ cháy đều, cháy đến tận chân hương và tàn hương thì uốn cong mà không gãy ngang bất chợt. Sau khi phơi khô chân hương, người thợ sẽ tiến hành công đoạn tạo màu cho nó (đỏ, xanh, vàng, lục, tím); Trước đây, người Huế thường chỉ làm chân hương với màu “đỏ” nhưng hiện nay, đến tham quan làng Hương, khách sẽ bắt gặp chân hương “ngũ sắc” được phơi khắp chốn. Để có được màu sắc tươi tắn cho chân hương, người thợ hòa một lượng bột màu thích hợp trong nước sôi nóng, nhúng chân hương qua vài lần, sau đó đem phơi khô nhiều ngày nữa.
Nguyên liệu để chẻ tăm (lõi) hương phải là loại tre già lấy từ rừng Nam Đông, Bình Điền, Phong Sơn. Lõi hương được chẻ đều tăm tắp. Người thợ chẻ lõi chỉ nhìn qua thanh tre là biết phải chẻ làm ba hay bốn lõi để phù hợp với li, tấc của từng loại chân hương (có ba cỡ: đại, trung, tiểu). Hương đại (lớn) dùng trong chùa chiền, hương trung dùng cho nhà thờ, đình, miếu; hương tiểu dùng trong gia đình. Động tác chẻ lõi của người thợ vô cùng điêu luyện, vừa nhanh vừa dứt khoát.
Sau khi pha chế hương liệu, lúc hương thơm đạt yêu cầu, các thành phần như bột trầm, ngũ vị thuốc Bắc sẽ được đem nhào nặn với nước sao cho hỗn hợp bột đạt độ “dẻo quánh” là có thể bắt đầu vào công đoạn se hương. Tuy nhiên, để tạo nên hương thơm khác biệt cho các mẻ hương (tùy theo giá cả) lại tùy thuộc vào bí quyết của từng người thợ; thường thì người thợ sẽ gia giảm các thành phần hương liệu theo một tỉ lệ thích hợp bằng phương pháp cân đong gia truyền.
Bền lâu nghề cổ
Từ năm 1990 trở lại đây, không chỉ đáp ứng nhu cầu cho các chợ Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự, Tây Lộc, hương Thủy Xuân còn phục vụ thị trường rộng lớn ở TPHCM và Hà Nội. Danh tiếng của hương Thủy Xuân đã bay xa đến tận Lào, Thái Lan... Đặc trưng của nó là những cây hương nhỏ nhắn, tinh xảo, khi đốt lên có mùi thơm trầm dìu dịu.
Việc phát triển và bảo tồn nghề hương Thủy Xuân được thành phố Huế quan tâm đầu tư, các hộ được hỗ trợ vốn để sản xuất. Hiện nay, có hơn 50 hộ gia đình vừa làm nghề chẻ lõi tăm, vừa làm hương bán sỉ. Trung bình mỗi tháng, một lao động nữ (chiếm đa số) có thu nhập từ 4-5 triệu đồng, công việc có thể làm quanh năm. Thời điểm bận rộn nhất là các tháng gần lễ Phật đản, rằm tháng Bảy và Tết nguyên đán.
Ngày nay có máy nhào bột, se cây, nên hiệu quả cao hơn xưa nhiều. Mỗi hộ có thể làm được từ 20-25kg hương mỗi ngày. Chị Tôn Nữ Ngọc Hạnh (37 tuổi) vừa cho hương vào máy vừa bộc bạch: “Cách đây 5 năm, nhà tôi làm hương thủ công, một ngày chỉ làm được 2.000 cây. Từ khi có cái máy này, thì số lượng hương tăng lên hơn nhiều, khoảng 10.000 - 20.000 cây/ngày”. Theo thị trường ở chợ Đông Ba, An Cựu thì giá hương năm nay vẫn duy trì ở mức ổn định. Tùy vào loại hương mà có giá cả khác nhau.
Sản xuất lõi hương cung cấp cho toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế |
Hương trầm loại thông dụng giá 60.000 đồng/bó (1 bó 100 cây hương), loại đắt nhất là 200.000 đồng/bó. Hương quế thì có giá 30.000 đồng/bó. Bà Nguyễn Thị Bích Loan (50 tuổi) cho biết: “Mỗi mùa làm hương như vậy, trừ tổng chi phí thì gia đình thu lãi từ 50 đến 60 triệu đồng. Để tăng cường lượng hương phục vụ ngày Tết, một ngày gia đình bà gồm 4 người làm ra khoảng 20.000 cây, ngày nhiều nhất lên tới 30.000 cây”. Với mức giá như vậy, người làm hương Thủy Xuân có thể kiếm được khoảng 200.000 đồng/người/ngày.
Ngày ngày, những đoàn khách du lịch nước ngoài và nội địa khi đi thăm lăng tẩm, chùa chiền ở TP Huế đều ngang qua Thủy Xuân, vì thế họ không thể bỏ qua phố “trầm hương” Thủy Xuân (nằm trên đường Huyền Trân Công Chúa). Thông qua các du khách Nhật Bản, tổ chức Hoàn cầu châu Á Nhật Bản đã tài trợ không hoàn lại 550 triệu đồng cho dự án “Phát triển du lịch cộng đồng và tăng thu nhập của nông dân phường Thủy Xuân, TP Huế”.
Dự án tập trung thực hiện các hoạt động như đưa khách tham quan, học tập mô hình phát triển du lịch; thiết kế tuyến tham quan và phát hành bản đồ, tờ rơi, xây dựng website để quảng bá du lịch cho làng nghề. Đến Thủy Xuân, du khách sau khi tham quan sẽ được hướng dẫn cách làm và chọn mua sản phẩm. Họ cảm thấy thật thú vị khi được người dân hướng dẫn làm hương bằng thủ công, được tìm hiểu thêm về làng nghề và cuộc sống của người dân nơi đây. Sự nhiệt tình, thân thiện của người làng hương đã thu hút du khách trở lại nhiều lần.
Hương trầm Thủy Xuân đổi thay hàng ngày, có các kiểu thức lạ mắt về màu sắc, hình khối, dáng vẻ sản phẩm, ngoài ra mẫu mã và bao bì trang trí tao nhã, cân đối. Đặc trưng của sản phẩm chính là hình thức trang trọng và chất lượng hoàn hảo.