Không chỉ làng hoa, làng hương trầm, tại Nghệ An nhiều làng nghề khác như làng nước mắm cổ truyền ở huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, làng nghề miến dong, kẹo lạc ở huyện Đô Lương, làng làm bánh chưng ở huyện Yên Thành cũng đang hối hả vào Tết.
Hương trầm vào vụ
Chỉ còn chục ngày nữa là đến Tết Nguyên đán, thị trấn Tân Lạc (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) đã bày bán rất nhiều hương trầm. Dọc trên các tuyến đường quốc lộ, người dân hối hả đưa hương đi nhập cho các cửa hàng và đóng thành những thùng lớn chuyển cho các đại lý ở trong tỉnh và cả ngược Bắc xuôi Nam.
Hương trầm Quỳ Châu là đặc sản của xứ Nghệ. Đi sâu vào trong làng nghề là khung cảnh nhộn nhịp sản xuất để kịp phục vụ cho nhu cầu tăng cao dịp cận Tết. Trong nhà người cắt giấy quấn hương, người khác se hương, nhiều em nhỏ cũng tham gia vào dây chuyền sản xuất giúp cha mẹ rất thuần thục.
Ông Đậu Công Hà (ngụ khối 2, thị trấn Tân Lạc), một trong những hộ có thâm niên làm hương lâu nhất trong vùng cho biết: “Đây là thời điểm gấp rút cho vụ hương lớn nhất trong năm, nên các cơ sở đều làm việc hết công suất. Gia đình tôi tuy đã bắt đầu quấn hương từ hơn 1 tháng trước nhưng do lượng hàng đặt lớn nên tôi phải thuê thêm hơn 20 nhân công nữa để sản xuất kịp giao cho khách”.
Chia sẻ về nghề làm hương trầm, ông Hà cho hay đây là nghề truyền thống cha ông để lại, từ lâu lắm rồi. Nói là hương trầm nhưng trên thực tế không hề có “trầm” ở trong hương, bởi nhiều năm trở lại đây, trầm đã trở thành thứ quý hiếm với giá thành vô cùng đắt đỏ mà không phải ai cũng mua được.
Nguyên liệu của hương trầm Quỳ Châu hiện nay chủ yếu là rễ cây hương bài. Nó có mùi thơm dịu, là một loại cây thảo mộc, rễ chùm, mọc thành từng bụi, có nhiều ở vùng núi xứ Nghệ. Ngoài ra, còn có các loại hoa hồi thảo quả, quế chi, trầm xô, bã mía và một vài vị thảo mộc đặc biệt khác của riêng làng nghề.
“Không chỉ bột hương được chuẩn bị công phu, tre làm ruột cây hương phải được phơi thật khô để giúp cây hương không bị tắt lúc đang cháy. Hương được quấn chặt bằng giấy bản, có loại đặc biệt dài tới 1m, loại thông dụng dài 50cm... Một cây hương “chuẩn” là khi thắp cháy đượm, khói mỏng, có mùi thơm ngọt, tàn hương uốn cong” - ông Hạ tự hào nói về sản phẩm truyền thống của vùng đất Phủ Quỳ xứ Nghệ.
Ông Bùi Xuân Đường, Trưởng làng nghề làm hương khối 2 (thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu), cho biết: Nghề làm hương trầm ở Quỳ Châu đã có gần 40 năm về trước. Hiện toàn huyện Quỳ Châu có 7 làng nghề hương trầm thuộc 5 xã, thị trấn sản xuất hương. Trong đó, riêng thị trấn Tân Lạc có 2 làng nghề sản xuất hương trầm với gần 100 hộ, bình quân mỗi năm cung cấp hàng chục triệu cây hương ra thị trường. Đặc biệt, trong vụ hương trầm dịp Tết mỗi cơ sở sản xuất thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng.
Hối hả chạy đua kịp Tết
Những năm gầy đây, làng nghề cây cảnh xóm 4, xã Nghi Liên, TP Vinh khôi phục nhiều loại hoa truyền thống như: Cúc, thược dược, hoa hồng… Bên cạnh đó, nhiều loại hoa mới được du nhập, đáp ứng nhu cầu của khách như hoa ly, lan, hướng dương và các loại cây cảnh… Trên các cánh đồng hoa, bà con đang liên tục tưới, chăm sóc, theo dõi tình hình hoa để có biện pháp kích thích hoặc hãm hoa nở đúng dịp Tết.
Chị Kim Hương (37 tuổi) đang cắt những bông hoa hướng dương nhập cho khách, nói: “Hoa bắt đầu nở, tôi cắt nhập dần dần cho chủ các tiệm hoa trong thành phố. Còn lại thì đang ủ nụ, đến Tết là vừa bán. Hoa cúc thì khoảng 2 tuần nữa là bắt đầu nở. Làng trồng hoa bán quanh năm, nhưng dịp Tết bao giờ cũng là dịp “đắt hàng” nhất nên giờ ai cũng bận bịu với hoa”!
Nhờ trồng hoa, cây cảnh mà đời sống nhân dân ở làng nghề này ngày càng ổn định, thu nhập của các hộ gia đình thấp nhất là 30 triệu đồng, có gia đình thu nhập vài trăm triệu đồng.
Đến xã Nghi Ân, các làng hoa Kim Chi, Kim Phúc, Kim Mỹ... cũng bắt đầu khoe sắc với hàng trăm luống hoa đủ chủng loại, được bà con chăm sóc cẩn thận. Nhiều khách hàng đã sớm đi dạo quanh làng hoa để chọn mua sản phẩm về đón Tết. Tuy nhiên, ở đây sản phẩm cây cảnh được đầu tư và cho thu nhập lớn hơn so với trồng hoa.
Anh Lê Văn Hùng (làng Kim Phúc, xã Nghi Ân) là chủ một vườn cây thuộc loại lớn trong vùng được nhiều người biết đến, cho biết: “Cây cảnh thì loại dăm trăm, dăm triệu cũng có, mà cỡ vài chục, thậm chí cả trăm triệu cũng có. Cây cảnh nhiều khi là vô giá”. Tất nhiên, để có sản phẩm đẹp là cả một sự công phu của người trồng cây với quãng thời gian dài chăm chút, tạo dáng cho cây chứ không chỉ riêng mấy tháng cuối năm.
Chỉ có một băn khoăn của anh Hùng và nhiều người dân ở Nghi Ân, Nghi Liên là làng nghề đã có, nhưng chợ hoa, cây cảnh cố định thì chưa có, nên các hộ kinh doanh hoặc bán tại vườn, hoặc phải chở lên phố như đi bán… rong. Nhất là dịp Tết, người xe lại nườm nượp, các chậu cây được chở đi tập kết trên các tuyến phố lớn tại TP Vinh để bày bán…
Các làng nghề sản xuất ra nhiều sản phẩm không chỉ giúp thị trường Tết khắp mọi miền xứ Nghệ thêm phong phú, sôi động, mà còn cho thu nhập giúp người dân đón một cái Tết đủ đầy hơn, tạo niềm vui, động lực để bà con phát triển hơn nữa nghề của mình.