Làng hương nhang tất bật vào vụ Tết

GD&TĐ - Những ngày Tết đã cận kề, làng nghề Quán Hương nổi tiếng (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình, Quảng Nam) với nghề làm hương truyền thống hàng trăm năm nay, đang tất bật vào vụ Tết với hàng trăm đơn hàng từ khắp các địa phương, đặc biệt có nhiều đơn hàng từ nước ngoài gửi về.

Làng hương nhang tất bật vào vụ Tết

Nghề chính của nhiều hộ gia đình

Làng nghề Quán Hương ra đời cách đây hơn 250 năm và đã trải qua nhiều thăng trầm. Năm 2004, làng nghề được khôi phục và được tỉnh Quảng Nam công nhận “Làng nghề hương truyền thống Quán Hương”.

Những ngày này, đặt chân đến đầu làng Quán Hương, đoạn từ ngã ba Cây Cốc đến gần ngã tư Hà Lam người ta luôn thấy mùi thơm thoang thoảng của bột quế làm hương. Nghề làm hương tại đây đã tồn tại 250 năm, trải qua nhiều thăng trầm, sóng gió và cả những biến động mạnh, thế nhưng người dân vẫn quyết giữ nghề. Đây được coi là nghề chính của nhiều hộ gia đình. Theo số liệu thống kê, hiện tại làng nghề Quán Hương này có tới 70% hộ dân làm nghề. Đó là chưa tính tới các hộ dân coi nghề này là nghề phụ chỉ làm những lúc nông nhàn rảnh rỗi. Từ đứa trẻ cho đến những cụ già, ai ai cũng thuộc nằm lòng quy trình sản xuất các loại hương.

Ông Võ Tấn Hiếu - Trưởng ban đại diện làng nghề Quán Hương - cho biết: “Trước đây, các hộ dân đang sản xuất theo phương pháp thủ công. Dần dần họ chuyển sang làm hương với máy đạp bằng chân. Trung bình mỗi tháng các hộ này cung ứng 30 tấn tăm hương và 50 tấn bột các loại. Dịp Tết này, cả làng có tới hơn 50 máy phục vụ sản xuất nên sản lượng tăng mạnh. Với gần 800 tấn hương được sản xuất mỗi năm, làng Quán Hương là làng sản xuất hương lớn nhất nhì miền Trung. Thời điểm này cận Tết, đơn hàng về dồn dập nên bà con đang tập trung mọi nguồn lực sản xuất cho vụ Tết”.

Theo ông Nguyễn Tấn Kỳ, một người làm nghề lâu năm của làng, hằng năm cứ vào dịp Tết, cơ sở sản xuất của ông lại phải tăng ca liên tục, năm nay ông phải sản xuất 2 tấn hương thành phẩm để giao cho bạn hàng khắp miền Trung và cả Tây Nguyên.

Đa dạng loại hình kinh doanh

Hiện nay làng hương tạo việc làm ổn định cho hàng trăm lao động tại chỗ, chủ yếu là phụ nữ. Những ngày này, làng hương lại hối hả sản xuất để kịp hàng bán Tết. Tại các cơ sở làm hương nhang, không khí cấp tập sản xuất cho vụ Tết luôn làm nóng những ngày cuối năm mưa lạnh. Tiếng máy dập hương, tiếng máy làm chân hương từ tre, những đôi bàn tay thoăn thoắt lao động cùng nụ cười hiền hòa của người dân càng làm không khí thêm phần náo động.

Chị Trần Thị Thúy, chủ một hộ sản xuất cho biết việc sản xuất hương ngày Tết tuy vất vả nhưng làm tới đâu tiêu thụ hết tới đó nên ai cũng phấn khởi: “Năm ni đơn hàng về nhiều, nhà tôi làm không kịp nên phải thuê thêm người làm. Trong năm làm không hết việc, nhưng cuối năm mới là mùa cao điểm nên phải tập trung hết sức để làm. Hộ nào ở làng này cũng vậy cả!”.

Thời điểm cuối năm mưa lạnh kéo dài khiến việc phơi phóng rất khó khăn; người làm hương phải dùng thêm cách sấy, quạt… Tranh thủ nắng ráo, nhiều hộ mang hương ra phơi cho đủ nắng, hương sản xuất phục vụ Tết nếu phơi không đủ nắng sẽ mất mùi thơm, còn gặp mưa để trong nhà vài giờ cũng coi như hỏng. Sau khi phơi khô, cây hương được bó thành hình lục giác rồi đóng gói cẩn thận.

Làng Quán Hương nổi tiếng bởi các sản phẩm hương trầm, hương bổi, hương quế. Mỗi bó hương được bán cho thương lái với giá từ 1,5 - 14 ngàn đồng tùy theo kích cỡ. Hương được các thương lái đến tận nhà mua rồi sau đó đem đi tiêu thụ tại thị trường miền Trung và Tây Nguyên. Đặc biệt, làng nghề Quán Hương đã dần tiếp cận với cách làm các loại hương khác nhau và những năm gần đây, hương của làng Quán Hương còn được xuất khẩu ra nước ngoài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ