Độc đáo hoạt động trải nghiệm đọc trong không gian văn hóa Huế

GD&TĐ - Nhiều trường tiểu học đã có ý tưởng sáng tạo, độc đáo khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm đọc trong không gian văn hóa Huế.

Học sinh tiểu học hào hứng với hoạt động trải nghiệm đọc trong không gian văn hóa Huế.
Học sinh tiểu học hào hứng với hoạt động trải nghiệm đọc trong không gian văn hóa Huế.

Kết nối chặt chẽ giữa giáo viên - học sinh - phụ huynh

Tại Trường tiểu học Lý Thường Kiệt (TP Huế, Thừa Thiên Huế), ThS Dương Tuấn Anh - Hiệu trưởng nhà trường – cho hay: Hoạt động thể nghiệm đầu tiên tại Làng cổ Phước Tích. Hoạt động này được tổ chức bởi chuyên gia đọc, giảng viên, sinh viên khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế).

Từ lần trải nghiệm này, Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt đã chủ động xây dựng kế hoạch, đưa học sinh đến các địa chỉ văn hoá – lịch sử như: Nhà lưu niệm nhà thơ Tố Hữu, Nhà lưu niệm đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Hổ Quyền, Voi Ré, Làng Thuỷ Biều...

“Dấu ấn của các chương trình là sự kết nối chặt chẽ của giáo viên - học sinh - phụ huynh trong đọc và trải nghiệm. Câu lạc bộ “Sách và ước mơ” của trường vừa thực hiện tốt nhiệm vụ truyền thông, vừa là “không gian đọc” mang tính tương tác trước khi khởi động mỗi hành trình” - ThS Dương Tuấn Anh trao đổi.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt viện dẫn, trước khi ghé thăm Nhà lưu niệm nhà thơ Tố Hữu, học sinh háo hức khám phá những hình ảnh đẹp trong các bài thơ “Lượm”, “Bầm ơi”, “Tiếng chổi tre”... trên trang tin của “Sách và ước mơ”. Chính vì thế, khi được đứng trong ngôi nhà lưu giữ những kỉ vật gắn với cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà thơ Tố Hữu, các em rất đỗi thích thú và tự hào.

Trải nghiệm đọc trong không gian văn hoá Huế là hành trình tươi mới được dệt bởi hương sắc Cố đô.

Trải nghiệm đọc trong không gian văn hoá Huế là hành trình tươi mới được dệt bởi hương sắc Cố đô.

Cô Đào Thị Hường - Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Hải (Phú Vang, Thừa Thiên Huế) – chia sẻ, nhà trường chọn điểm dừng chân tại Tháp Phú Diên để tổ chức trải nghiệm đọc trong không gian văn hoá Huế. Hoạt động này dành riêng cho đối tượng học sinh lớp 3.

“Tháp Chăm cổ Phú Diên”, “Ca dao về quê hương”, “Những địa danh nổi tiếng ở Phú Vang” là các chủ đề được thể hiện trong bộ Thẻ đọc nhỏ xinh dành tặng học sinh. Các em đọc, chia sẻ cùng nhau về những thông tin thú vị, những lời ca mộc mạc gắn với mảnh đất quê mình như:

Ai ra xứ Huế mộng mơ

Mua về chiếc nón bài thơ làm quà.

Theo cô Hường, tham gia hành trình, học sinh cùng nhau giải mã những thông tin thú vị về điểm đến Tháp Phú Diên qua trò chơi “Đi tìm kho báu”. Các em cũng đi tìm vẻ đẹp xứ Huế qua thử thách “đọc nối tiếp ca dao”...

“Song có lẽ lắng đọng nhất là hoạt động chia sẻ cảm xúc cuối buổi trải nghiệm đọc. Những cảm xúc trong trẻo, những ước mong ngọt ngào cho quê hương được các em viết lên trái tim nhỏ với tất cả niềm hứng khởi và tình yêu thương” – cô Hường chia sẻ.

Hành trình tươi mới

Tại Trường tiểu học Trần Quốc Toản (TP Huế), Phó Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thủy khẳng định, hoạt động trải nghiệm đọc trong không gian văn hóa Huế của trường đã huy động sự tham gia đông đảo nhất của các cộng tác viên là sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học (ĐH Sư phạm, ĐH Huế).

Nét mới của chương trình là kiến tạo các nhóm đọc theo bốn chủ đề: “Những con đường xứ Huế”, “Dòng sông kể chuyện”, “Chuyện một khu vườn nhỏ”, “Đi theo làn điệu dân ca”.

Thẻ đọc được đầu tư kĩ lưỡng cả nội dung lẫn thiết kế và tạo hiệu ứng tốt đối với độc giả nhí ngay từ khi đón nhận. Đặc biệt, là chương trình dành riêng cho học sinh lớp 5, yêu cầu đọc mở rộng và thiết kế phiếu đọc sách được đặt ra trước khi khởi động hành trình.

Các trạm đọc nhỏ chính là nơi học sinh tự tin chia sẻ về những gì đọc được. Trò chơi ô chữ gắn với từ khoá “Huế thương” thử thách độc giả nhỏ tuổi kĩ năng nắm bắt thông tin cũng như hiểu biết về những điểm dừng chân ngát xanh của Cố đô trữ tình.

“Thật sự xúc động khi ở những con thuyền giấy được thả xuống nước, mang theo bao ước mơ: “Em ước mong Huế luôn thơ mộng và tươi đẹp”; “Em yêu Huế vì Huế luôn tràn ngập sắc xanh của cây lá bên đường, của những khu vườn êm đềm, của dòng sông nên thơ...”; “Em rất mong chờ Tết đến để ngắm nhìn thành phố mai vàng”...” – cô Thủy bày tỏ.

Hoạt động trải nghiệm đọc trong không gian văn hóa Huế đã mang đến nhiều điều lý thú cho học sinh.

Hoạt động trải nghiệm đọc trong không gian văn hóa Huế đã mang đến nhiều điều lý thú cho học sinh.

TS Trần Thị Quỳnh Nga - Phó Trưởng Khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Huế) – nhấn mạnh, trải nghiệm đọc trong không gian văn hoá Huế vốn dĩ là dự án nhỏ được khởi tạo bởi những người luôn khát khao lan toả văn hoá đọc cho trẻ thơ. Đó là hành trình tươi mới được dệt bởi hương sắc Cố đô.

Dự án cũng là một thể nghiệm vận dụng mô hình học cùng cộng đồng, tạo sự kết nối giữa giảng viên, sinh viên với nhà trường phổ thông, với thực tiễn sống động và nhiều màu sắc.

TS Trần Thị Quỳnh Nga cho hay, trong thời gian ngắn, ý tưởng kết nối này được nhiều trường tiểu học đón nhận, chia sẻ, thực hiện. Mỗi chương trình, hội đồng tư vấn chuyên môn đều nỗ lực để mang đến những “trang sách thu nhỏ”, những bài tập và trò chơi tương tác hấp dẫn học sinh.

“Trong thời gian tới, “Trải nghiệm đọc trong không gian văn hoá Huế” sẽ có mặt tại một số trường tiểu học miền núi Thừa Thiên Huế, để từ việc đọc và cùng với hoạt động đọc của học sinh, lan toả những thanh âm mới về vẻ đẹp của vùng núi non hùng vĩ mà thơ mộng” - TS Trần Thị Quỳnh Nga thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.