Ngăn chặn sách vô bổ, chấn hưng văn hóa đọc

GD&TĐ -Trong rất nhiều nguyên nhân khiến người Việt lười đọc sách, phát xuất từ sự xuất hiện tràn lan các cuốn sách vô bổ, tầm thường.

Dù có nhiều chương trình khuyến đọc diễn ra, nhưng thói quen đọc sách vẫn rất hạn chế.
Dù có nhiều chương trình khuyến đọc diễn ra, nhưng thói quen đọc sách vẫn rất hạn chế.

Bởi vậy, mới đây trong lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Xuất bản, in và phát hành sách Việt Nam, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã chỉ đạo “mỗi nhà xuất bản phải là bộ lọc để chọn được những tác phẩm có giá trị đích thực, dũng cảm từ chối những bản thảo tầm thường, vô bổ, không phù hợp với truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc”.

Xuất bản tăng, người đọc giảm

Trong 3 năm đại dịch Covid-19, cũng như nhiều lĩnh vực khác - ngành Xuất bản chịu ảnh hưởng nặng nề. Theo báo cáo của Cục Xuất bản, In và Phát hành thuộc Bộ TT&TT - năm 2021 doanh thu xuất bản ước đạt 2.600 tỉ đồng - giảm nhẹ so với mức 2.665 tỉ đồng của năm 2020, nhưng lại giảm mạnh so với doanh thu 4.326 tỉ đồng của năm 2019.

Trong thời gian giãn cách xã hội vì đại dịch, nhiều nhà xuất bản đã sớm triển khai việc xuất bản sách điện tử và bán hàng trực tuyến. Bên cạnh phục vụ kịp thời các nhiệm vụ chính trị, các đơn vị xuất bản đã đầu tư làm nhiều đầu sách chất lượng phục vụ bạn đọc. Trong đó các thể loại sách khoa học công nghệ, về chuyển đổi số, kỹ năng sống, hướng nghiệp, phát triển kỹ năng mềm… được quan tâm xuất bản với số lượng lớn.

Ngành xuất bản định hướng đến năm 2025, triển khai kế hoạch chuyển đổi số. Đồng thời xuất bản đáp ứng nhu cầu đọc sách, tinh thần hiếu học của người Việt phải ở mức cao của thế giới. Mỗi năm xuất bản một số đầu sách có giá trị cao, tạo sức lan tỏa toàn quốc.

Theo lộ trình đến năm 2025, Việt Nam đạt 5,5 bản sách/người/năm. Trong đó sách xuất bản điện tử trên số đầu sách đạt tối thiểu 15%, sách giáo khoa - giáo trình - sách tham khảo giáo dục chiếm dưới 60%.

Các con số cho thấy, dù trong khó khăn nhưng ngành xuất bản vẫn phát triển khá vững chắc. Tuy nhiên, nghịch lý diễn ra khi tỉ lệ đọc sách của người Việt lại không cao. Trong tọa đàm “Văn hóa đọc và phát triển ngành Xuất bản trong tương lai” diễn ra vào tháng 10/2021, ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đưa ra số liệu giai đoạn từ năm 2014 -2019: Tỉ lệ đọc của người Việt tăng từ 4,1 đầu sách/người lên 4,6 đầu sách/người. Năm 2020, do dịch bệnh mà con số này giảm xuống 4,13 đầu sách/người.

“Như vậy sau 7 năm, tỉ lệ đọc của người Việt chỉ tăng vỏn vẹn 12%. Hơn 400 triệu bản sách phát hành đã có hơn 300 triệu bản sách giáo khoa, sách tham khảo. Nếu lấy phần còn lại chia đều cho 90 triệu dân Việt Nam, phần sách phổ thông có lẽ chỉ xông xênh 1 đầu sách/người. Chỉ số này nói lên rằng sức đọc của người Việt rất thấp”, ông Hoàng nói.

Dưới góc độ chuyên môn, rất khó để hạn chế sách có nội dung vô bổ. Ảnh minh hoạ: IT

Dưới góc độ chuyên môn, rất khó để hạn chế sách có nội dung vô bổ. Ảnh minh hoạ: IT

Khó hạn chế sách vô bổ

“Người Việt mình chưa có thói quen đọc, thực trạng không hay này có thể cải thiện khi nhiều thành tố xã hội cùng tham gia. Về phía Hội Xuất bản, chúng tôi chỉ giành lấy một việc – là đưa ra lời kêu gọi các gia đình hãy xây dựng tủ sách cho con”. Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Lê Hoàng

Câu chuyện mâu thuẫn giữa việc xuất bản tăng nhưng tỉ lệ đọc sách thấp từng được giới nghiên cứu tranh luận nhiều. Nhiều ý kiến được đưa ra, thậm chí là đổ lỗi cho người đọc - gia đình - nhà trường, mà không biết rằng chính việc xuất bản những cuốn sách tầm thường, vô bổ cũng “góp phần” khiến người Việt xa rời văn hoá đọc.

Có ghé thăm các hiệu sách, mới thấy thị trường sách quá bao la rộng lớn. Bỏ qua những cuốn sách có tính chất nước ngoài, người đọc vẫn phải bối rối trước những “rừng sách” mang tính thị trường, câu khách và hoàn toàn ít hấp dẫn. Thế nên, những cuốn sách mang tính thị trường bày trên giá cả năm, vẫn y nguyên không ai động tới.

Ngược lại, những cuốn sách cũ của nhiều tác giả rất xưa như tuyển tập của Lê Quý Đôn, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Trần Trọng Kim, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Hồ Ngọc Cẩn, Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Phùng Quán… tái bản đến vài chục lần vẫn cứ bán đều.

Với góc nhìn khách quan, đọc tên những cuốn sách mới chỉ thấy chủ yếu đề tài tình yêu gợi dục, ngôn tình, kể bí mật cá nhân, khuyên mẹo làm giàu, xúi cách lấy lòng đồng nghiệp, xu nịnh cấp trên. Thậm chí, nhiều cuốn đáng liệt hàng “sách đen” khi gieo rắc mê tín, đồi truỵ, bạo lực.

Hàng vạn đầu sách xuất bản mỗi năm nhưng đa số là vô bổ, một phần bắt nguồn từ thói hám danh, ăn xổi. Cứ đeo mác văn nhân là mỗi năm phải ra vài đầu sách, hàng nghìn câu lạc bộ thơ đua nhau ra sách nhưng không có thơ hay, đại gia thích tiếng tăm thì thuê người viết rồi ký tên mình.

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành từng thừa nhận trong buổi tọa đàm thúc đẩy văn hóa đọc của Hội Xuất bản Việt Nam và các công ty sách vào năm 2020, rằng: Nhìn văn hóa đọc dưới tiêu chí chất lượng xuất bản thì rất tệ, bởi sách có giá trị rất ít - sách vô bổ rất nhiều. Sách sai sót thì có thể hạn chế được, nhưng sách vô bổ thì rất khó.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ