Ước tính có hàng trăm tảng đá sóng thần đã được dựng lên trên các bờ biển của Nhật trong nhiều thời kỳ lịch sử. Đa số đá sóng thần được cho là có từ năm 1896, năm mà một cơn sóng thần dữ dội ập vào quần đảo này, làm chết 22 ngàn người. Nhưng cũng có những tảng đá được tạo ra vào thời điểm sớm hơn.
Ví dụ, một tảng đá sóng thần nổi tiếng có tên “bản cảnh cáo sóng thần Jogan”, được dựng lên sau một trận động đất và sóng thần dữ dội xảy ra vào năm 869. Sự kiện này được gọi là “Jogan Jishin” hay “trận động đất Sanriku năm 869” tấn công phía bắc đảo Honshu, tàn phá nghiêm trọng địa phương này. Một tài liệu được viết tay, cũng như đá sóng thần, ghi lại và nhắc nhở về thảm họa này.
Qua nhiều thế kỷ, người dân Nhật tiếp tục thực hiện việc đặt đá sóng thần dọc theo bờ biển. Những câu khắc được tìm thấy trên những tảng đá này rất khác nhau về nội dung. Ví dụ, một đá sóng thần ở thị trấn Kesennuma, thuộc quận Miyagi, Honshu, có những câu khắc như “Luôn luôn chuẩn bị cho những cơn sóng thần bất ngờ xảy đến. Hãy chọn cuộc sống dựa trên tài sản quý giá của các ngươi”.
Tuy nhiên, không phải tất cả đá sóng thần đều chứa những cảnh báo hoặc lời khuyên, một số được dựng lên như đài tưởng niệm, ghi danh sách những nạn nhân của các trận sóng thần đã qua.
Theo thời gian, mọi người hầu như đã quên những cơn sóng thần và đá sóng thần trở thành di tích của quá khứ. Fumihiko Imamura, giáo sư chuyên về dự báo thảm họa tại ĐH Tohoku khẳng định rằng, chỉ sau 3 thế hệ, những ký ức về thảm họa đã bắt đầu phai mờ.
Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng đúng, khi một bộ phận dân chúng đã lưu ý đến những lời cảnh báo của tổ tiên họ và thoát nạn khi sóng thần ập đến. Điều này có thể chứng minh trong trường hợp của Aneyoshi, một ngôi làng nhỏ ở quận Iwate, thuộc đảo Honshu.
Ở Aneyoshi, một tảng đá sóng thần được dựng lên sau khi địa phương này bị tàn phá bởi hai đợt sóng thần. Đợt thứ nhất ập đến vào năm 1896, cướp đi hầu hết sinh mạng chỉ còn 2 người sống sót. Đợt thứ nhì tấn công vào năm 1933, quét sạch mọi thứ, chỉ tha mạng cho 4 người.
Những chữ khắc trên đá sóng thần ở Aneyoshi đọc được như sau: “Những chỗ ở cao là nơi yên bình và hòa hợp đối với con cháu của chúng ta. Hãy nhớ tai ương của những cơn đại sóng thần. Đừng xây dựng bất cứ nhà cửa nào ở dưới điểm này”. Đây là tảng đá đặc biệt duy nhất khắc những lời khuyên về nơi làm nhà ở.
Dân làng ở Aneyoshi, những người luôn sùng kính tổ tiên và lưu ý những huấn thị của họ, đã được cứu khi Nhật Bản bị tàn phá bởi trận động đất và sóng thần Tohoku vào năm 2011.
Sau trận sóng thần 1933, dân làng chuyển nơi ở thường xuyên của họ lên chỗ cao ráo và tảng đá được dựng lên như một bia cảnh báo. Hậu duệ của những dân làng này được cứu khi một cơn sóng thần ập đến vào năm 1960, và một lần nữa vào năm 2011. Thực tế, những đợt sóng của trận sóng thần dữ dội của 2011 đã dừng phía dưới tảng đá này khoảng 90m.
Trong khi đó, thảm họa đã gây thương vong nặng nề cho nhiều địa phương. Hơn 12.000 nghìn người được xác nhận là đã thiệt mạng.
Trận động đất và sóng thần gây ra nhiều thiệt hại ở mức độ và quy mô rất lớn, chủ yếu là từ sóng thần. Những đoạn phim quay cảnh thị trấn bị ảnh hưởng tồi tệ nhất cho thấy không gì hơn là những đống gạch vụn, và hầu như không có kết cấu nào còn đứng vững được. Mặc dù Nhật Bản đã đầu tư khoảng hàng tỷ vào hệ thống đê chắn sóng thần chạy dài ít nhất 40% trong 34.751 km (21.593 dặm) đường bờ biển quốc gia, với độ cao lên đến 12 m, nhưng sóng thần dê dàng tràn qua đỉnh của một số đê chắn và làm đổ đê.
Đá sóng thần có thể là tàn tích của một thời đại trong quá khứ nhưng chúng có thể cứu những người lưu ý đến những cảnh báo trên đó. Những đê chắn biển hiện đại được xây dựng không đủ khả năng bảo vệ cho những người sống ở ven biển. Do đó, bằng cách bổ sung công nghệ hiện đại kết hợp với kiến thức cổ, sự tàn phá của những thảm họa thiên nhiên như sóng thần có thể được giảm nhẹ trong tương lai.