Phát huy tác dụng của cảnh báo
Đối đầu với các lực thiên nhiên không thể ngăn chặn được như sóng thần - cơn sóng lớn do các chuyển động như động đất dưới đáy biển gây ra - thì cách tốt nhất là di dời dân chúng vào bờ và lên cao càng sớm càng tốt.
Tiến sĩ Tiziana Rossetto, giảng viên về công trình chống động đất tại University College London, nói:
"Có rất nhiều vấn đề mà người lên kế hoạch hoạt động trong lúc thiên tai cần làm để giảm thiểu tối đa hư hại và mất mát sinh mạng. Các biện pháp phòng ngừa bao gồm thiết kế nhà chịu được sóng đập hay các hệ thống cảnh báo sớm, chương trình giáo dục và chiến lược di tản.
Hệ thống cảnh báo sớm hữu hiệu tới đâu còn phụ thuộc vào chuyện sóng thần có xa hay không, vì nếu quá gần thì sẽ không hiệu quả lắm".
Các hệ thống cảnh báo tinh vi trên thế giới có thể phát hiện sóng thần bằng đầu cảm ứng. Các quốc gia sau đó dùng tin tức trên truyền hình và truyền thanh, cũng như hệ thống loa để cảnh báo dân chúng.
Tuy nhiên, TS Rossetto nói nhận định: "Trong trường hợp sóng thần ở Nhật Bản, khi động đất xảy ra rất gần bờ biển thì chính quyền chỉ có từ 5 đến 10 phút để cảnh báo dân chúng. Và kết quả là các nước như Nhật Bản đã phát triển mạnh các chiến dịch thông tin công cộng để bảo đảm số lượng công dân biết cách ứng xử nhiều nhất, thông qua các bài học ở trường, truyền hình, phát thanh và các tờ rơi".
Tương tự như vậy, Hawaii cũng có hệ thống tín hiệu trên đường chỉ dấu tuyến nhanh nhất để lên vùng đất cao an toàn hơn trong tình trạng khẩn cấp. Các khu vực như Hawaii có hệ thống cảnh báo sớm và kế hoạch cấp cứu từ lâu.
Di tản một thành phố không phải lúc nào cũng có thể thực hiện trong thời gian ngắn, cho nên dân chúng có thể được hướng dẫn lên tầng cao của nhà hay bãi đỗ xe nhiều tầng.
Ở Nhật, người ta thử nghiệm kết cấu nâng đứng, là các bệ dàn chứa người rồi nâng lên cao qua khỏi cơn sóng thần. Các tòa nhà nhạy cảm như nhà máy điện hạt nhân sẽ được xây dựng xa bờ biển nhất, và thiết kế để ngưng hoạt động, chuyển về "vị trí an toàn" ngay khi phát hiện động đất.
Thêm vào đó, TS Rossetto cho biết, đập chắn biển cũng được xây dựng quanh các khu vực chiến lược như là cảng, nhưng hiệu quả của các hệ thống này chưa hoàn toàn ổn định. Di tản cũng không phải là giải pháp dễ cho nhiều hòn đảo nằm thấp. Tại những nơi mà người ta đến để lánh nạn thì kết cấu xây dựng phải được bảo đảm để giảm thiểu tối đa thiệt hại.
Rào cản chi phí
Tiến sĩ Gopal Madabhushi từ khoa công chánh Đại học Cambridge cũng là đồng tác giả một nghiên cứu thiết kế nhà chịu sóng thần sau thảm họa hồi năm 2004 tàn phá các vùng bờ biển Indonesia, Thái Lan, Sri Lanka và các nơi khác, cho hay: "Thay vì ngăn cản sóng, chúng ta cho phép sóng đi qua kết cấu và tạo ra thiệt hại ít nhất".
Nhà sàn là một giải pháp, nhưng không phải nơi nào cũng phù hợp vì các lý do thực tế. "Hawaii có các tòa nhà bê tông tăng cường xây dựng theo truyền thống, có thể rời mặt đất như một bãi đỗ, giống như là nhà đứng trên các chân.
Một vấn đề quan trọng trong các thiết kế nhà là bảo đảm các bức tường chịu lực không bị sóng đánh trực tiếp khiến toàn bộ kết cấu bị sụp.
"Chúng ta có thể xem sóng thần có thể đến từ đâu, và dễ dàng đặt các bức tường chịu lực vuông góc với hướng đó", TS Madabhushi nói.
Tuy nhiên TS Adrian Chandler từ trung tâm nghiên cứu nguy cơ của Đại học UCL là chuyên gia thiết kế chống động đất, cho rằng: Không phải tất cả các tòa nhà đều thiết kế tốt như vậy. "Với các căn hộ dân cư, thì tùy thuộc vào chủ nhà có muốn đầu tư vào các chuẩn bị đó hay không". Ông khẳng định: "Trong nhiều trường hợp chi phí sẽ quá cao".
Thêm vào đó, TS Chandler cho rằng, cách duy nhất để loại trừ nguy cơ liên quan đến sóng thần là không sống gần bờ biển. Ý tưởng này đã từng được thực hiện trước đây. Sau vụ sóng thần tàn phá thành phố Hilo của Hawaii vào năm 1946 và 1960, chính quyền di dời dân chúng vào sâu trong đất liền.