Bồn bồn là loài cây dại, sau này được nhiều người dân Cà Mau trồng phổ biến (nhất là ở huyện Cái Nước) và trở thành đặc sản địa phương.
Bồn bồn chế biến thành nhiều món ăn khác nhau với hai cách ăn chủ yếu là bồn bồn tươi (xào, nấu canh, nhúng lẩu) hoặc làm dưa bồn bồn (chấm món kho, xào). Tuy nhiên, bồn bồn nấu chè thì lần đầu mới có mặt ở Cà Mau.
Người nghĩ ra món ăn này chính là chị Phạm Thị Dung, ngụ xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau.
Chị Dung cho biết, bản thân gắn bó với việc kinh doanh các sản phẩm cây bồn bồn từ hơn chục năm nay. Lúc nào chị cũng suy nghĩ tìm cách làm ra các sản phẩm mới từ cây bồn bồn.
“Nhiều loại rau, củ có thể nấu chè được, tại sao bồn bồn không thể, thế là mình bắt tay làm thử món chè bồn bồn. Ban đầu mình chỉ nấu những phần nhỏ để thử nghiệm, trải qua hàng trăm nồi chè hỏng, cuối cùng mình cũng thành công, rút ra được công thức riêng”, chị Dung chia sẻ.
Sau khi đem cho hàng xóm, người thân dùng thử và được nhận xét tích cực, chị Dung đã nghĩ tới kinh doanh sản phẩm mới là chè bồn bồn.
Món chè bồn bồn từ đó ra đời và cùng chị đi khắp các gian hàng, các hội chợ thương mại.
Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người tìm đến tận cơ sở chị Dung nếm thử món chè có một không hai này. Nhiều khách hàng ngoài tỉnh cũng liên hệ chị đặt hàng chuyển đi, số lượng bán ngày càng nhiều.
“Để nấu được nồi chè bồn bồn ngon, việc sơ chế rất quan trọng, phải lựa bồn bồn mới hái, lấy phần non để nó vừa giòn, vừa thơm, có vị ngọt. Bồn bồn sau khi được sơ chế, cắt khúc nhỏ thì được ngâm muối, ướp sơ qua và tạo nhân.
Lớp vỏ bột ngoài kết hợp màu của lá dứa, lá cẩm, trái gấc để cho ra các viên chè nhiều màu sắc bắt mắt và đảm bảo sức khỏe”, chị Dung chia sẻ.
Theo nhận xét của nhiều khách hàng, chè bồn bồn có vị ngọt thanh của đường phèn, vị thơm bùi của hạt sen, đậu xanh, vị béo của nước cốt dừa hòa quyện vào những “viên bồn bồn” giòn giòn, tạo cảm giác lạ miệng.
Chị Dung cho biết, chè bồn bồn nấu đúng chuẩn có thể để trong ngăn mát tủ lạnh được 20 ngày mà không hỏng, nên có thể dễ dàng bán ra ngoài tỉnh. Chè chủ yếu làm thủ công, qua nhiều công đoạn nên rất cực.
“Mong sao sản phẩm này ngày càng được nhiều người biết đến và ủng hộ, để cây bồn bồn có đầu ra ổn định, người dân ở quê hương Cà Mau có cuộc sống tốt hơn từ loài cây dại này”, chị Dung chia sẻ.