Doanh nghiệp hối hả sản xuất
“Chúng tôi đang tập trung đẩy mạnh sản xuất, đối tác hối đơn hàng dữ quá”, CEO Công ty CP Quốc tế Dony (may mặc Dony) Phạm Quang Anh chia sẻ.
Theo ông Quang Anh, hiện Dony đã “full” đơn hàng đến hết tháng 8/2024.
“Hiện có nhiều đối tác đang đàm phán nên có thể chúng tôi sẽ có đơn hàng tới quý IV năm nay luôn. Chúng tôi sử dụng nguyên liệu nội địa nên thời gian qua mặc dù tỷ giá gây áp lực với khá nhiều DN nhưng Dony lại có lợi khi thu về đồng USD từ xuất khẩu”, CEO Dony cho hay và nhận định rằng tình hình sản xuất ngành may mặc đang diễn biến khá tốt.
Cũng theo ông Quang Anh, Dony vừa đáo hạn một khoản vay với lãi suất 6,8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. “Đây là mức lãi suất thấp nhất mà chúng tôi nhận được sau 5 năm vay vốn kinh doanh ở các tổ chức tín dụng”, ông Quang Anh nói, và cho biết thời gian trước, Dony trả lãi suất 10 - 12%, hay mức thấp cũng từ 8 - 9%/năm.
Ông Nguyễn Lê Quốc Tuấn, CEO Công ty CP Thương mại Dịch vụ Thực phẩm Hương Quê (Hương Quê Food) cho hay, quý I/2024 vừa qua, DN xuất khẩu bình quân 3 - 4 container các loại bánh lá (bánh nậm, bánh lọc…) sang Mỹ.
“Khoảng đầu tháng 6 này và kéo sang tháng 7, tháng 8 cũng là lúc các đơn hàng tấp nập hơn. Hiện, Hương Quê Food đang có kế hoạch xuất khẩu các loại bánh lá ra nhiều thị trường nữa, để người tiêu dùng thế giới khi sử dụng các sản phẩm bánh lá thì nghĩ ngay đến Việt Nam”, CEO Hương Quê Food, chia sẻ.
Ghi nhận của PV Báo GD&TĐ tại một số DN sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu ở TPHCM cho thấy, nhu cầu vay vốn lưu động có nhiều tín hiệu tích cực do sự hồi phục đơn hàng, tình hình xuất khẩu ở các thị trường lớn bắt đầu cải thiện từ đầu quý II, nhất là các lĩnh vực thủy sản, dệt may, thực phẩm…
Ông Nguyễn Bá Vinh, đại diện Công ty Thuận Phát (Quận 12, TPHCM) cho biết, lãi suất vay của DN hiện tại chỉ bằng phân nửa so với năm ngoái, chỉ còn 4,5%/năm.
“Việc ngân hàng giảm lãi vay giúp chúng tôi tiết giảm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh. Chúng tôi vừa làm hồ sơ vay thêm 20 tỷ đồng để đầu tư máy móc mới, hiện đại. Đặc biệt, thủ tục vay vốn cũng nhanh chóng, thuận lợi”, ông Vinh chia sẻ.
Ảnh minh hoạ. |
Tiếp tục duy trì đà tăng trưởng
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, trong tháng 4/2024, tín dụng trên địa bàn thành phố tăng 0,35% so với tháng trước.
Như vậy, trong 4 tháng đầu năm, tín dụng tại TPHCM tăng 1,31% so với cuối năm 2023 và tăng 9,33% so với cùng kỳ; trong đó, tín dụng trung, dài hạn tăng trưởng cao hơn tín dụng ngắn hạn, tương đương 1,96%, còn tín dụng ngắn hạn chỉ tăng 0,6%.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết, chính sách tín dụng và lãi suất tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho DN về vốn, chi phí tài chính và kích thích DN mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh.
Chia sẻ về lý do tín dụng liên tục duy trì đà tăng trưởng, ông Lệnh cho rằng có nhiều nguyên nhân. Trong đó, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ cho 40.568 khách hàng, với tổng dư nợ được cơ cấu đạt 46.793 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ DN thông qua chương trình kết nối ngân hàng - DN trên địa bàn đạt hơn 184.100 tỷ đồng với 43.171 khách hàng là DN, hộ kinh doanh và hợp tác xã; giải ngân gói tín dụng cho DN ngành lâm sản, thủy sản với doanh số đạt 2.521 tỷ đồng…
Chương trình cho các DN trong KCN-KCX trên địa bàn TPHCM vay vốn đến nay đã đạt hơn 222.000 tỷ đồng với 3.634 khách hàng, tăng 3,8% so với cuối năm; cho vay bình ổn thị trường đạt 3.631 tỷ đồng…
“Thời gian tới, để tăng thêm khả năng hấp thụ vốn của các DN, cần tiếp tục phối hợp hiệu quả giữa các sở, ban, ngành, quận huyện trong việc tháo gỡ khó khăn cho DN; kết nối ngân hàng - DN.
Đồng thời, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, tạo thuận lợi luân chuyển vốn và tạo lập dòng tiền. Điều này có ý nghĩa quan trọng để thúc đẩy tín dụng tiếp tục tăng trưởng hiệu quả”, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM cho biết thêm.