Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam 'khát' nhân lực chất lượng cao

GD&TĐ - Sự hợp tác chặt chẽ giữa “ba nhà” gồm Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Công nhân làm việc tại Samsung Việt Nam. Ảnh: SAMSUNG
Công nhân làm việc tại Samsung Việt Nam. Ảnh: SAMSUNG

Đây là lực lượng lao động tay nghề cao cần có nhằm đáp ứng nhu cầu tuyển dụng rất lớn của các doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam.

Những yêu cầu từ nhà tuyển dụng

Tọa đàm “Hợp tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao: Đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc”, do Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM tổ chức mới đây đã quy tụ đại diện lãnh đạo của một số tỉnh, thành phố như TPHCM, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh; các tập đoàn Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam như CJ, Mirae Asset Vietnam, Shinhan Bank, Topdev, LG Vina Cosmetics, Samsung Electronics, cùng đại diện của ĐHQG Seoul (Hàn Quốc), ĐHQG Hà Nội...

Tại đây, các bên đã bàn các giải pháp hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để thu hẹp khoảng cách đào tạo và nhu cầu thị trường, giải quyết thách thức về hiện trạng thiếu hụt lực lượng lao động tay nghề cao của các tập đoàn Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam.

Giáo sư Ryu Hong-lim, Hiệu trưởng ĐHQG Seoul cho biết, trong tháng 6 vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-Yeol đã có chuyến thăm Việt Nam để thảo luận phương hướng hợp tác giữa hai quốc gia về nhiều lĩnh vực như kinh doanh, văn hóa, cân bằng carbon và chuyển đổi số. Theo ông, từ thời điểm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, thương mại song phương giữa Việt Nam - Hàn Quốc tăng trưởng vượt bậc. Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam.

Giáo sư Ryu Hong-lim dẫn số liệu: Sinh viên Việt Nam xếp thứ hai về số lượng sinh viên quốc tế đang theo học tại Hàn Quốc. Ngược lại, số lượng người Hàn Quốc đến Việt Nam để làm việc cũng không ngừng tăng lên trong một thập kỷ qua. Hiện có khoảng 170.000 người Hàn Quốc và hơn 8.800 doanh nghiệp Hàn Quốc làm việc, hoạt động tại Việt Nam. Đây là những điều kiện thuận lợi để hai bên trao đổi, hợp tác sâu rộng trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tại buổi tọa đàm này, đại diện các tập đoàn của Hàn Quốc đã thông tin về nhu cầu tuyển dụng nhân lực của mình, đồng thời đề nghị các trường đại học của Việt Nam hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo lãnh đạo của các tập đoàn, những kỹ năng họ coi trọng trong quá trình tuyển dụng mà một sinh viên tốt nghiệp cần có, gồm: Khả năng chủ động giải quyết công việc một cách sáng tạo, có trách nhiệm; Trung thành với tổ chức, doanh nghiệp. Ngoài ra, doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đề cập đến tính đa dạng văn hóa trong môi trường làm việc, học tập. Họ cho rằng sinh viên Việt Nam có cơ hội để tiếp nhận những xu hướng văn hóa mới nhưng cần mang tâm thế chủ động và sáng tạo.

Những lĩnh vực tiềm năng mà Việt Nam - Hàn Quốc có thể hợp tác đào tạo bao gồm: Công nghệ thông tin, Y dược, Nông nghiệp, Tài chính - Ngân hàng. Để tăng cường hợp tác đào tạo, hai bên có thể hướng đến việc xây dựng trung tâm hợp tác, chuyển giao công nghệ, trao đổi sinh viên, cử cán bộ, giảng viên Việt Nam đi học tại Hàn Quốc.

Giáo sư Ryu Hong-lim, Hiệu trưởng ĐHQG Seoul, nhận định: Tùy theo khả năng, mỗi trường đại học có thể đóng vai trò dẫn dắt hoặc đi theo thị trường. Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, số lượng trường đại học có khả năng dẫn dắt, tạo ra những công nghệ đột phá đang giảm dần. Trong khi đó, các tập đoàn công nghệ lại có nhiều nghiên cứu, phát minh quan trọng, làm thay đổi xã hội. Do đó, yêu cầu về chất lượng, kỹ năng của nhân sự hiện nay rất lớn, đặt ra những thách thức, cần liên tục đổi mới cho các trường đại học.

Trường Đại học Công nghệ TPHCM ký kết hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc hồi tháng 4/2023. Ảnh: HUTECH

Trường Đại học Công nghệ TPHCM ký kết hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc hồi tháng 4/2023. Ảnh: HUTECH

Đặt hàng từ chính quyền

Để giải quyết bài toán chất lượng nguồn nhân lực, GS Chae Su-hong, đại diện ĐHQG Seoul đã nhấn mạnh tính cấp thiết trong việc hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học trong việc đào tạo. Theo GS Chae Su-hong, “bối cảnh hiện nay yêu cầu nền kinh tế, thị trường chuyển dịch sang các ngành công nghệ. Do đó, việc chia sẻ, chuyển giao công nghệ, hợp tác giáo dục, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao là những yêu cầu hàng đầu”.

Đối thoại với doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, trong chiến lược phát triển kinh tế, TPHCM khuyến khích các doanh nghiệp FDI thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D). Suốt 30 năm qua, TPHCM thu hút vốn đầu tư FDI, nhiều doanh nghiệp đều đã cam kết triển khai hoạt động R&D, song thực tế số lượng trung tâm đó chưa nhiều và hiệu quả chưa cao.

Ông Hoan thông tin: Khi TPHCM thực hiện Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù, sẽ có nhiều chính sách ưu đãi hấp dẫn về thuế, ưu tiên trong thủ tục hải quan để thu hút mạnh hơn các doanh nghiệp FDI đầu tư cho R&D. Muốn làm được điều này, ông Hoan cho rằng “cần có sự liên kết chặt giữa Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Trong đó, các doanh nghiệp phải giữ vai trò người đặt hàng cho nhà trường. Hợp tác giữa hai bên phải chú trọng đào tạo, nâng cao chất lượng, kỹ năng cho nguồn nhân lực”.

Bà Trần Tuyết Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, tỉnh Bình Phước có 382 dự án FDI, với số vốn trên 4 tỉ USD. Trong đó, 86 dự án là của nhà đầu tư Hàn Quốc với các lĩnh vực chủ yếu như sản xuất linh kiện điện tử, ô tô, dụng cụ y tế; sản xuất, gia công dệt - nhuộm, may mặc, giày da… Nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cũng được lãnh đạo tỉnh Bình Phước nêu ra khi đề nghị ĐHQG TPHCM hỗ trợ đào tạo các ngành nghề như kế toán, hành chính, xuất nhập khẩu, tự động hóa, cơ khí chế tạo, công nghệ thông tin.

PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐHQG TPHCM cho biết, hiện đại học này có 7 trường thành viên, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực. Với 6.500 cán bộ giảng viên, ĐHQG TPHCM đủ năng lực đào tạo cho hơn 90.000 sinh viên đại học và 9.000 học viên cao học, nghiên cứu sinh. Trong giai đoạn tới, ĐHQG TPHCM sẽ nỗ lực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, có năng lực dẫn dắt, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Việt Nam hiện có 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư, hoạt động. Không chỉ trong các lĩnh vực truyền thống, doanh nghiệp Hàn Quốc còn hướng tới các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, môi trường, tăng trưởng xanh. Đơn cử, Tập đoàn Hyosung đã đầu tư hơn 20 năm tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 20.000 tỉ Won (khoảng 3,5 tỉ USD) và có hơn 9.000 lao động. Thời gian tới, Hyosung sẽ tiếp tục mở rộng quy mô và hướng tới phát triển bền vững tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao. Tập đoàn này dự kiến tuyển dụng thêm 10.000 nhân lực tại Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.