Cần nhiều ngày hội việc làm tạo cơ hội phát triển nguồn nhân lực

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Ngày hội việc làm không chỉ giúp tư vấn, hướng nghiệp hay tạo cơ hội tìm kiếm việc làm mà còn giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn nhân lực tốt.

Tại nhiều tình thành trên cả nước, ngày hội việc làm được tổ chức thường xuyên nhằm nâng cao công tác tư vấn giáo dục hướng nghiệp và giới thiệu việc làm đáp ứng nhu cầu phát triển trong các tỉnh nói riêng và trên cả nước nói chung. Đây cũng là dịp để thúc đẩy phát triển thị trường lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp trên địa bàn, từng bước nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ cơ sở, các doanh nghiệp về việc làm và thay đổi nhận thức của người lao động về tìm kiếm, tự tạo việc làm.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với điều kiện hiện nay, ngày hội việc làm là cơ hội để giúp người lao động có thêm nhiều lựa chọn làm việc trong tương lai. Đồng thời, tạo ra một môi trường thực tế gắn kết giữa doanh nghiệp và người lao động, từ đó học hỏi, trau dồi, trang bị thêm kỹ năng và kiến thức cơ bản, khả năng thích nghi với những biến động thị trường lao động sau khi ra trường, xây dựng thói quen, tác phong làm việc một cách bài bản, chuyên nghiệp.

Điển hình như Ngày hội việc làm năm 2022 (do tỉnh Điện Biên tổ chức) hay Ngày hội việc làm 2022 và Diễn đàn sinh viên về việc làm bền vững trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 (do Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đã phối hợp với Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức) vừa diễn ra vào tháng 10 vừa qua đã cho thấy, đây là hoạt động ý nghĩa, giúp kết nối các nguồn lực lao động với doanh nghiệp.

Hội chợ việc làm tỉnh Điện Biên thu hút gần 1.500 người trong độ tuổi lao động, học sinh, sinh viên, người dân có nhu cầu tìm việc trên địa bàn tỉnh tham gia. Hội chợ được tổ chức với quy mô 15 gian hàng, nhu cầu tuyển dụng gần 9.000 vị trí việc làm.

Trong đó, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh có nhu cầu tuyển trên 1.000 học sinh, sinh viên các ngành nghề, như: Khai thác mỏ, kỹ thuật cơ điện, nghề điện, công nghệ ô tô, kế toán, nghề làm tóc, trang điểm, nghề pha chế đồ uống… Đối với thị trường lao động trong và ngoài tỉnh, các công ty, đơn vị cần tuyển dụng trên 2.900 lao động với các ngành nghề, như: Công nhân may mặc, điện tử, cơ khí, nhân viên kinh doanh, công nghệ thông tin... làm việc tại các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Quốc, Điện Biên. Đối với thị trường xuất khẩu cần tuyển dụng khoảng 5.000 lao động đưa đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Rumania..., với các vị trí công việc như xây dựng, điện tử, sửa chữa ô tô, lắp ráp linh kiện, thực phẩm và một số vị trí công việc khác.

Tại sự kiện Ngày hội việc làm 2022 và Diễn đàn sinh viên về việc làm bền vững trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 có 43 đơn vị, doanh nghiệp đã đăng ký nhu cầu tuyển dụng lên tới 1.725 chỉ tiêu, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ, tư vấn pháp luật, công nghệ thông tin, logistics.

Để làm được điều này, các đơn vị đã dành nhiều tâm huyết, suy nghĩ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của ngày hội việc làm, giúp người lao động tìm hiểu các đơn vị tuyển dụng dễ dàng nhất. Như, các doanh nghiệp tuyển chọn lao động tại Điện Biên cần giới thiệu kết quả hoạt động của doanh nghiệp; thông báo số lượng, vị trí việc làm, tiêu chuẩn, điều kiện tuyển chọn lao động và tư vấn, hướng dẫn người lao động; tổ chức nhận hồ sơ, phỏng vấn, kiểm tra hoặc tuyển chọn lao động ngay tại Ngày hội.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội khảo sát, thu thập thông tin, nguyện vọng tìm việc của sinh viên tại Học viện từ đó mời các một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân viên “part time” để kết nối.

Trao đổi về các hoạt động này, anh Nguyễn Tiến Hùng (Bạch Mai, Hà Nội) - một lao động vừa đi xuất khẩu nước ngoài về cho hay: “Tôi đã đến một số nơi để tìm kiếm các cơ hội việc làm sau khi về nước, nhưng Ngày hội việc vẫn là nơi uy tín, hội tụ số lượng đông các doanh nghiệp vì thế cùng lúc tôi có thể tiếp cận các công việc nhiều hơn để đưa ra các lựa chọn tương lai cho mình”.

Trước thành công của các Ngày hội việc làm như trên, nhiều chuyên gia cho rằng các tỉnh thành cần quan tâm, xây dựng các hoạt động tương tự và nâng cao ở nhiều đối tượng người lao động nhằm tạo ra nhiều cơ hội kết nối, giảm tình trạng thất nghiệp, tạo nguồn lao động chất lượng hơn nữa.

PGS.TS Lưu Đức Hải, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho hay, các ngày hội việc làm diễn ra thời gian qua rất ý nghĩa với học sinh, sinh viên và người lao động, đặc biệt là với cả các đơn vị cần tuyển dụng. Các hoạt động này cần nhân rộng, xây dựng có quy mô và chất lượng để mỗi khi diễn ra đúng ý tên gọi là “ngày hội”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ