Doanh nghiệp đau đầu vì... tăng lương

GD&TĐ - Hội đồng Tiền lương quốc gia đã họp phiên đầu tiên để thống nhất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2017. Do mức đề xuất của các bên vẫn còn khoảng cách khá xa nên Hội đồng chưa thể chốt được phương án cuối cùng. 

Doanh nghiệp đau đầu vì... tăng lương

Trước thông tin trên, nhiều doanh nghiệp (DN) đã không khỏi lo lắng, bởi tăng lương cho người lao động (NLĐ) là một “bài toán” nan giải đối với các DN khi áp lực cạnh tranh đang ngày càng lớn, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực...

Các DN than… khó

Nghe nói đến tăng lương, không ít DN lại sợ bởi khi lương tối thiểu tăng sẽ kèm theo mức đóng bảo hiểm tăng. Việc tăng các khoản chi phí cho lao động đồng nghĩa với việc tiền trong túi của DN giảm. Vậy mà mỗi năm một lần, DN lại phải đối mặt với một đợt tăng lương.

Theo ông Nguyễn Xuân Dũng – Phó Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ Xuân Dũng, công ty ông luôn tuân thủ các quy định của pháp luật về chế độ lương, thưởng, ngày lễ… của NLĐ. Bởi vậy, việc năm nào cũng phải tăng lương cho NLĐ theo quy định khiến công ty không khỏi lo lắng bởi ở đây không phải là việc lo chi phí cho NLĐ trong 1 tháng hay 1 năm mà là cả một quá trình lâu dài. Với tình hình khó khăn như hiện nay, công ty không biết có đảm bảo doanh số để có thể trả lương cho NLĐ theo đúng luật hay không. Do vậy, rất có thể đợt tăng lương năm 2017, công ty ông sẽ phải cắt giảm một số khoản phụ cấp của NLĐ để họ chia sẻ khó khăn với công ty.

Cùng với nỗi lo giải “bài toán” chi phí để tăng lương, ông Đặng Văn Tuấn – Giám đốc một công ty may tư nhân có trụ sở tại Gia Lâm (Hà Nội) cho biết, đợt tăng lương năm 2016, DN đã phải lỗi hẹn với NLĐ bởi tình hình kinh doanh không cho phép DN tiêu tốn thêm bất cứ một khoản chi phí nào. “Khoản lương truy thu của NLĐ trong mấy tháng đầu năm chúng tôi còn chưa trả được. Nay lại phải tính toán lên phương án cho đợt tăng lương của năm tới. Điều này sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nguồn vốn kinh doanh của DN” – ông Tuấn nói.

Không riêng công ty ông Dũng và ông Tuấn, mà nhiều DN cho rằng việc tăng lương tối thiểu là cần thiết, song trong bối cảnh kinh tế như hiện nay thì tăng lương, đồng nghĩa với việc DN phải tăng chi phí, giảm lợi nhuận. Bởi vậy nếu tăng lương thì giá thành sản xuất cũng phải tăng theo, điều này sẽ khiến các DN bị giảm tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Đối với các DN sản xuất hàng nội địa cũng phải tăng giá sản phẩm nếu như lương tối thiểu tăng, khiến sức mua của thị trường ít nhiều bị giảm xuống. Ngoài ra, tình trạng nợ đọng thuế, nợ BHXH khả năng còn tiếp diễn và tình trạng thất nghiệp cũng có thể xảy ra.

Đâu là giải pháp?

Để giải bài toán tăng lương tối thiểu vào năm 2017, nhiều chuyên gia cho rằng có hai phương án để DN lựa chọn, đó là tăng giá thành sản phẩm hoặc tăng năng suất lao động.

Về phương án thứ nhất, ông Tuấn cho rằng, có thể sẽ phải thực hiện phương án này, tuy nhiên, đây chỉ là phương án tạm thời, mang tính chất đối phó ngắn hạn. Bởi ở Việt Nam, năng lực cạnh tranh của DN phần lớn phụ thuộc vào việc bán sản phẩm với giá thành thấp. Chính vì vậy, nếu tiến hành tăng giá, DN phải chấp nhận việc giảm năng lực cạnh tranh. Xét trong dài hạn, điều này đồng nghĩa với việc lượng hàng hoá, doanh thu, lợi nhuận của DN sẽ giảm, thậm chí bị đào thải ra khỏi thị trường.

Còn với phương án thứ hai là tăng năng suất lao động, theo nhận định của ông Dũng, phương án này có hiệu quả chậm hơn và chi phí ban đầu tốn kém hơn, song đây là một phương án phát triển bền vững. Tuy nhiên, để tăng năng suất lao động không phải là điều đơn giản.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, một trong những giải pháp hữu hiệu để tăng năng suất lao động đó là phải đổi mới công nghệ. Nhưng thực tế cho thấy, hiện nay việc đổi mới khoa học công nghệ của DN trong nước còn chậm, ít được quan tâm đầu tư, hoặc nếu có đầu tư thì tốc độ đổi mới rất chậm so với các nước trong khu vực.

Lý giải về việc DN chậm đầu tư đổi mới công nghệ, ông Tuấn cho rằng, bất cứ một DN nào cũng mong muốn có một dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại bởi đây là chìa khoá để nâng cao năng suất và chất lượng hàng hoá. Tuy nhiên, để có công nghệ, vốn mà DN phải bỏ ra là một con số không hề nhỏ, có thể lên đến cả triệu USD. Không chỉ riêng ông Tuấn mà nhiều DN cũng tỏ ra “lực bất tòng tâm” trước “bài toán” đổi mới công nghệ. Bởi trong thời buổi kinh tế đang gặp không ít khó khăn, việc bỏ ra vài tỷ đồng mỗi năm để tăng lương cho NLĐ đã khó nói gì đến bỏ ra vài chục tỷ để đầu tư dây chuyền máy móc hiện đại...

Đến thời điểm này, nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc tăng lương. DN thì muốn NLĐ chia sẻ bằng cách giãn lộ trình tăng lương. Còn NLĐ thì lo sợ gánh nặng về lương và bảo hiểm sẽ khiến DN phải co hẹp sản xuất, cắt bớt việc làm, vì thế nguy cơ họ mất việc sẽ tăng lên. Với NLĐ, mất việc còn đáng sợ hơn lương thấp. Thêm vào đó, mỗi lần lương tối thiểu tăng thì giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng tăng theo. Do vậy câu chuyện “giá – lương” cứ đeo đuổi NLĐ khiến cuộc sống của họ luôn trong tình trạng “ăn bữa nay lo bữa mai”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tàu sân bay USS Harry S. Truman tại Biển Đỏ.

Mỹ phóng 200 tên lửa đối phó Houthi

GD&TĐ - Theo War Zone, Hải quân Mỹ phóng gần 400 quả đạn, trong đó có hơn 200 tên lửa, để đối phó các đòn tập kích của Houthi trong hơn 10 tháng qua.

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.