Đoàn nghệ thuật múa Ấn Độ biểu diễn tại Việt Nam

Đoàn nghệ thuật múa Ấn Độ biểu diễn tại Việt Nam

(GD&TĐ) - Theo tin từ Trung tâm Tổ chức biểu diễn nghệ thuật (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), từ 4 đến 7/4/2012, đoàn nghệ thuật múa Odissi đặc sắc của Ấn Độ sẽ tới thăm và biểu diễn phục vụ khán giả Việt Nam.

Đoàn nghệ thuật múa Ấn Độ biểu diễn tại Việt Nam ảnh 1
Một điệu múa Ấn Độ (Ảnh MH)
Đoàn nghệ thuật múa Odissi gồm 26 nghệ sỹ, cán bộ sẽ mang tới cho khán giả Việt Nam các tiết mục biểu diễn đa sắc màu của thuật múa Odissi kết hợp với ca khúc, lời thơ Tagore. Đoàn sẽ biểu diễn tại nhà hát Công Nhân - Hà Nội ngày 5/4 và tại Nhà hát Lớn - Hải Phòng ngày 6/4.

Bên cạnh các màn múa là phần giới thiệu trang phục truyền thống của gia đình Tagore, cũng là trang phục truyền thống Ấn Độ thế kỷ 19.

Ở phần nghệ thuật múa, các nghệ sỹ Ấn Độ tài năng sẽ mang tới cho khán giả Việt Nam những biểu cảm trong nhịp điệu và vần luật của nghệ thuật múa Odissi. Nghệ thuật múa này có mối liên hệ thiết yếu với 2 thể loại âm nhạc truyền thống khác của Ấn Độ là Hindustani và Carnatic.

Triết lý của Rabindranath Tagore về nhịp điệu góp phần tạo nên cái hồn cho chương trình biểu diễn này, tạo ra những cảm xúc mãnh liệt cho khán giả.

Phần biểu diễn trang phục truyền thống Ấn Độ thế kỷ 19 là tác phẩm nghệ thuật đa sắc màu, tái hiện các thành viên trong gia đình Tagore, bạn bè trong trang phục họ thiết kế.

Phần trình diễn của các vũ công, diễn viên thể hiện những trang phục, phong cách và những giai thoại hấp dẫn. Phần biểu diễn này thể hiện sự tôn kính đối với gia đình Tagore về những đóng góp của họ cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, mở đường cho thời trang Ấn Độ hiện đại.

Gia đình Tagore đã cách mạng hóa thời trang và thẩm mỹ Ấn Độ vào thế kỷ thứ 19. Phong cách phục trang Xari hiện nay của phụ nữ Ấn Độ bắt nguồn từ sản phẩm thể nghiệm của phụ nữ gia đình Tagore.

Nguồn sáng tạo, cảm hứng từ phong cách của nhiều vùng miền Ấn Độ và mẫu thiết kế phương Tây. Sản phẩm thời trang của gia đình Tagore không chỉ dành riêng cho giới thượng lưu mà góp phần giúp phụ nữ nội trợ tự tin bước ra xã hội với sự duyên dáng, kết nối với thế giới bên ngoài.

Cha của nhà thơ Rabindranath Tagore thiết kế đồ tới trường và vui chơi cho các cô con gái nhỏ. Trong khi đó có người khác trong gia đình thử nghiệm thiết kế phương Đông, phương Tây trên nhiều chất liệu vải, đồ nữ trang, mẫu trang phục dự tiệc, hội họp, văn phòng và tham gia diễu hành “Những người đấu tranh cho tự do” của phái nữ. Rabindranath và em trai đóng vai trò chủ chốt trong lĩnh vực thiết kế thời trang nam.
Rabindranath Tagore (6/5/1861 – 7/8/1941) được trao Giải Nobel Văn học năm 1913 và trở thành người châu Á đầu tiên nhận giải thưởng này.
Ở Ấn Độ, ông được gọi là “Thánh sư” với số lượng tác phẩm đồ sộ về thi ca, văn xuôi, triết học, âm nhạc. Bên cạnh đó, Tagore còn viết một số tác phẩm để phục vụ cho phong trào giải phóng Ấn Độ.

Rabindranath Tagore cũng là nhà thơ duy nhất trên thế giới sáng tác quốc ca cho 2 đất nước là Ấn Độ và Bangladesh.

Lộc Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ