Đoàn ĐBQH tỉnh lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo luật trình tại kỳ họp thứ 5, QH khóa 14

GD&TĐ - Ngày 11/5, tại sở GD&ĐT Hòa Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục và Luật sửa đổi một số điều của Luật giáo dục đại học dự kiến sẽ trình tại kỳ họp thứ 5, QH khóa XIV sắp tới.

Đoàn ĐBQH tỉnh lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo luật trình tại kỳ họp thứ 5, QH khóa 14

Hơn 30 đại biểu của ngành giáo dục& Đào tạo tỉnh dự hội nghị lấy ý kiến về Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học sửa đổi. 

Đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng tham gia hội nghị có Thường trực, Ban Pháp chế, Ban Văn hóa- Xã hội (HĐND tỉnh), Thường trực Uỷ ban MTTQ tỉnh, các sở Lao động- Thương binh& Xã hội, Nội vụ, Tư pháp, Tài chính, Hội Luật gia, hội Khuyến học tỉnh…Phía ngành giáo dục có lãnh đạo, chuyên viên của sở, đại diện Phòng Giáo dục& Đào tạo huyện Lương Sơn và TP Hòa Bình, Trường Cao đẳng sư phạm Hòa Bình, một số trường Mầm non, Tiểu học và THPT trên địa bàn thành phố.

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe đại diện Sở Giáo dục& Đào tạo tỉnh đánh giá khái quát tình hình, kết quả thực hiện Luật giáo dục và Luật Giáo dục đại học 2012 trên địa bàn tỉnh, trong đó nêu rõ: Qua 10 năm triển khai thi hành Luật giáo dục và 6 năm thi hành Luật giáo dục đại học, ngành GD&ĐT tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, cũng tồn tại không ít khó khăn như đào tạo chưa gắn với nhu cầu sử dụng, cơ cấu trình độ, ngành nghề đào tạo còn mất cân đối, còn nặng về đào tạo đại học, cao đẳng, chưa chú trọng đến đào tạo nghề, đặc biệt là đào tạo nghề có trình độ cao. Công tác dự báo, quy hoạch định hướng ngành nghề đào tạo còn hạn chế…

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận cho ý kiến vào 2 dự thảo luật trên. Với Luật giáo dục đại học, cần nêu rõ cơ chế giám sát đối với các trường đại học, quy định rõ vai trò, chức năng, thẩm quyền của hội đồng trường và Ban giám hiệu. Trong công tác quản lý đại học, các đại biểu cho rằng việc kiểm định chất lượng, xếp hạng các trường đại học phải là các cơ sở độc lập để đảm bảo tính khách quan. 

Luật sửa đổi luật giáo dục Đại học cần làm rõ vị trí các trường Cao đẳng sư phạm chịu sự tác động của Luật giáo dục đại học hay luật giáo dục nghề nghiệp. Cần nghiên cứu, bổ sung quy định về quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học. Sớm quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Bổ sung quy định về đào tạo gắn với sử dụng. Đồng thời, cũng cần quy định về việc định kỳ rà soát mạng lưới cơ sở giáo dục đại học nhằm đình chỉ các cơ sở thực hiện không đúng quy định của luật hoặc hoạt động không hiệu quả. Có chính sách cho phát triển giáo dục đại học. Đặc biệt là giao quyền tự chủ về nhân sự, tài chính và tuyển sinh cho các trường đại học.

Đối với luật giáo dục, các đại biểu có ý kiến bổ sung thêm nhiệm vụ của giáo viên là chăm sóc và giảng dạy. Đối với giáo viên THPT cần quy định rõ phải có bằng đại học sư phạm chính quy mới được giảng dạy để đảm bảo chất lượng. Theo quy định học sinh đủ 6 tuổi sẽ vào lớp 1, tuy nhiên đối với một số trường hợp cá biệt như trẻ khuyết tật, trẻ người nước ngoài cần nới rộng hơn: tuổi của học sinh vào lớp 1 là từ 6 tuổi trở lên. Để thực hiện chương trình phổ cập giáo dục cho trẻ mầm non cần có chính sách miễn học phí cho các đối tượng trẻ em 5 tuổi…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cảm ơn sự phối hợp của Sở giáo dục& Đào tạo tỉnh trong việc phối hợp lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo 2 luật trên. Khẳng định hội nghị này có ý nghĩa vô cùng quan trọng giúp cho Đoàn ĐBQH nói chung và các ĐBQH tỉnh nói riêng có thêm thông tin, kiến thức để tham gia góp ý xây dựng Luật tại diễn đàn Quốc hội. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến đóng góp của các đại biểu để chuyển tải tới kỳ họp thứ 5, QH khóa XIV sắp tới.                                               

Theo baohoabinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ