Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ VN góp ý dự thảo văn kiện ĐH Đảng toàn quốc lần thứ XIII

GD&TĐ - Ngày 5/11, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên lãnh đạo MTTQ Việt Nam các thời kỳ vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Quang cảnh Hội nghị.
Quang cảnh Hội nghị.

Đây là Hội nghị có ý nghĩa quan trọng, nằm trong 4 Hội nghị lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân do Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam chủ trì tổ chức.

Tham dự Hội nghị có ông Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng bộ phận thường trực chuyên trách tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; các cụ, các vị trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và thành viên thường trực các Tiểu ban chuẩn bị Đại hội.

Chủ trì Hội nghị
 Chủ trì Hội nghị

Thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng và các Hướng dẫn, Kế hoạch của Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Dân vận Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương về việc tổ chức thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức 4 hội nghị xin ý kiến vào các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng: ngày 26/10 đã tổ chức Hội nghị với lãnh đạo các tổ chức thành viên; ngày 28/10 xin ý kiến các vị trong các Hội đồng tư vấn; ngày 30/10 xin ý kiến các nhân sỹ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, các chức sắc tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài; hôm nay Ban Thường trực tổ chức Hội nghị để xin ý kiến các cụ, các vị, các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch và các đồng chí nguyên lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Hội nghị 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, qua 3 Hội nghị đã tổ chức, có 42 ý kiến phát biểu trực tiếp và nhiều ý kiến góp ý bằng văn bản, các ý kiến góp hết sức ý thẳng thắn, nghiên cứu chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, nội dung sâu sắc. Thông qua các ý kiến phát biểu của các cụ, các vị, các đồng chí, Mặt trận có thêm điều kiện để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

“Chúng tôi rất vui mừng thấy rằng: nhân dân đang rất quan tâm, theo dõi và tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; đồng thuận, đánh giá cao kết quả, thành công của các Đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương vừa qua và quá trình chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Theo Chủ tịch Trần Thanh Mẫn, qua tổng hợp tình hình nhân dân, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng thể hiện tính khái quát cao, bố cục hợp lý, khoa học, chặt chẽ, đầy đủ, rõ ràng, sâu sắc, phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân và quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân.

Bên cạnh đó, văn kiện có nhiều điểm mới, đó là đòi hỏi khách quan, đồng thời kế thừa từ các nhiệm kỳ trước và chọn lọc tiếp thu những kinh nghiệm thành công của các nước trong khu vực và thế giới. Văn kiện kỳ này tiếp tục nhấn mạnh về xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; bổ sung những nhân tố mới, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Dự thảo Văn kiện khẳng định: dân chủ trong Đảng là nòng cốt, dân chủ phải là kỷ cương, kỷ luật của Đảng; “thể chế" được đề cập xuyên suốt trong toàn bộ các dự thảo văn kiện. Như vậy đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và sáng tạo, là những tiền đề, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước.

Đề cập đến các đột phá, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cho biết, văn kiện xác định đột phá chiến lược vẫn là thể chế, nguồn nhân lực và hạ tầng, nhưng nội hàm được phát triển so với nội dung trong văn kiện các Đại hội trước. Trước đây nói là thể chế kinh tế thị trường, lần này chúng ta nói thể chế chung cho tất cả các lĩnh vực.

Trước đây cũng nói nguồn nhân lực, nhưng bây giờ ưu tiên nguồn nhân lực lãnh đạo quản lý và các lĩnh vực then chốt.

“Về hạ tầng thì dự thảo Văn kiện lần này nêu rõ ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số và nhiều vấn đề quan trọng khác”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn thông tin.

Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh phát biểu tại Hội nghị 

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn mong muốn, các cụ, các vị, các đồng chí bằng kinh nghiệm thực tiễn dày dặn, trách nhiệm, tâm huyết, thẳng thắn, chân thành, góp ý chung vào các dự thảo Văn kiện hoặc một số vấn đề cụ thể, tâm đắc đã nghiên cứu sâu hay qua đúc kết kinh nghiệm thực tiễn; đồng thời góp ý sâu sắc hơn vào những đánh giá kết quả, nhận định tình hình và yêu cầu về tập hợp, xây dựng, củng cố và phát huy mạnh mẽ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, về nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân để đáp ứng với yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn mới, cũng như đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn khẳng định, việc tham gia ý kiến của các cụ, các vị, các đồng chí hôm nay sẽ tiếp tục góp phần nâng cao chất lượng các dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, đảm bảo các yêu cầu cơ bản như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh là: Văn kiện Đại hội là một văn kiện rất quan trọng, vừa mang tính lý luận cao, tính thực tiễn sâu sắc và chỉ đạo lâu dài, do vậy phải có tầm nhìn chiến lược, diễn đạt phải chặt chẽ, chắc chắn, rõ ràng. Văn kiện phải có tính quần chúng, giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ kiểm tra. Báo cáo chính trị là báo cáo trung tâm, các báo cáo khác phải lấy đó làm gốc. Những vấn đề đã rõ, đã được thực tiễn chứng minh, thống nhất cao thì đưa vào báo cáo, còn những vấn đề đang tranh luận hoặc có nhiều ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, thận trọng, khách quan.

Đổi mới để đón bắt cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp

Ông Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Ông Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Góp ý kiến về tình hình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua, ông Nguyễn Lân Dũng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, hiện nay, đất nước chưa thực sự bắt tay vào việc đón bắt cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, Việt Nam chưa lường trước được việc thay thế công nhân ở các khu công nghiệp, nhất là tại lĩnh vực dệt may, giày da, lắp ráp thiết bị điện tử bằng robot; bên cạnh đó, những mô hình nông nghiệp sản xuất lớn với cánh đồng rộng lớn để tận dụng cơ khí hóa chưa được phát huy, vấn đề biến đổi khí hậu, thiếu nước sinh hoạt, phòng chống thiên tai bão lụt xen kẽ hạn hán chưa có giải pháp triệt để.

Lo lắng khi người Việt đang phải đối mặt với bệnh ung thư, bệnh hiểm nghèo, ông Lân Dũng đề nghị, cần có giải pháp để tạo điều kiện cho các bệnh nhân không có khả năng đóng bảo hiểm y tế, không có khả năng chi trả cho điều trị bệnh ung thư trong giai đoạn hiện nay. Đặc biệt, cần xem xét lại việc nhập khẩu mỗi năm 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật. Thay vì nhập khẩu, Việt Nam cần huy động nhiều nhà khoa học tham gia nghiên cứu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật để hạn chế tối đa tác dụng của thuốc tới sức khỏe của nhân dân.

Nhắc tới tình trạng tham nhũng, lãng phí còn xảy ra tại các công trình xây dựng, ông Lân Dũng nhấn mạnh, nhân dân biết rất rõ trong việc xây dựng các quảng trường, các cổng chào, các tượng đài, công trình nào đã rót tiền vào tay những người lập dự án và triển khai dự án. Tình trạng này ai cũng thấy rõ nhưng vẫn tiếp tục xảy ra trên phạm vi cả nước.

Cùng với đó, việc tổng kết công tác xây dựng và thi hành điều lệ Đảng đang thể hiện sự quyết tâm cao trong việc chỉnh đốn đảng trong sạch vững mạnh nhân dân điều thấy rõ và với đa số quần chúng tin yêu đảng không hề thay đổi bởi vì quanh chúng tôi mỗi đảng viên gương mẫu luôn luôn là đa số rất nhiều tấm gương người tốt. Tuy nhiên, vẫn còn đâu đó những Đảng viên liên quan đến những vụ án hàng tỷ đồng, thậm chí hàng ngàn tỷ đồng làm nhân dân tâm tư.

Ông Trần Đình Thiên, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Ông Trần Đình Thiên, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Còn theo ông Trần Đình Thiên - Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, trong bối cảnh thời đại đã thay đổi, dự thảo văn kiện cần có những điểm mới, và đưa ra được những năng lực thật mới nhất.

Ông Trần Đình Thiên đề nghị, trong nhiệm kỳ tới cần có một chiến lược để phát triển lực lượng doanh nghiệp cho phù hợp, thậm chí là một chương trình quốc gia ưu tiên tập trung vào nội dung chiến lược phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam. Cùng với đó, cần coi phát triển khoa học công nghệ là trục của các chiến lược phát triển quốc gia trong đó cần đặc biệt chú trọng đến khởi nghiệp và ưu tiên cho sáng tạo quốc gia để định vị kinh tế Việt Nam trên bản đồ thế giới.

Khôi phục niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Nhất trí với đánh giá trong dự thảo chính trị, ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định trong 5 năm qua, đất nước đã đạt được rất nhiều thành tích hầu như trên tất cả các lĩnh vực cùng sự phát triển nhanh và khá toàn diện tạo ra một dấu ấn khôi phục. Đặc biệt là công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm đạt được nhiều đặc biệt công tác phòng, chống tham nhũng đã khôi phục niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước

Ông Nguyễn Túc cho rằng, dự thảo lần này có một số điểm mới, không chỉ xây dựng chỉnh đốn Đảng mà cả hệ thống chính trị; khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước để thực hiện mục tiêu phát triển đất nước phồn vinh, nhân dân hạnh phúc.

“Giai đoạn tới phải làm sao xây dựng tốt hơn mối quan hệ mật thiết, máu thịt giữa Đảng với dân, giữa Mặt trận với dân và giữa dân với dân. Qua những gì thể hiện ở dịch Covid-19, lũ lụt miền Trung cho thấy lòng yêu nước, đoàn kết thương yêu nhau trong dân rất lớn, văn kiện cần thể hiện rõ và nhấn mạnh điều này để phát huy sức mạnh toàn dân tộc.”, ông Nguyễn Túc đề nghị

Ông Nguyễn Túc cũng đặt vấn đề, trong nhiệm kỳ tới việc xây dựng, chỉnh đốn cả hệ thống chính trị cũng phải là điều rất quan trọng để mang lại niềm tin cho dân, tránh những nhũng nhiễu, phiền hà cho dân. Bên cạnh đó, trong xây dựng Đảng phải nói thẳng, nói thật, không tránh né, như thế mới giúp cho đồng chí mình tiến bộ.

Ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
 Ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Đồng quan điểm, ông Vũ Trọng Kim, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam khẳng định tham nhũng, quan liêu là tệ hại nhất cần phải được khắc phục. Tham nhũng làm suy giảm lòng tin của người dân, bệnh quan liêu khiến dân bất bình rồi xa rời chế độ. Tham nhũng, lãng phí như con đĩa 2 vòi, một vòi hút máu nhân dân, vòi kia là pít-tông đẩy của cải của nhân dân ra sông ra biển.

Phân tích sâu hơn ông Kim nhận định, tham những sinh ra có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực. Chính bởi vậy để chặn quốc nạn này, cần  lập lại quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị, phải lấy lại gương mặt tự trọng, liêm sĩ, kỷ luật sắt cho người cán bộ, đảng viên. Mặt khác, phải kiểm soát chặt chẽ tài sản, thu nhập của họ và công khai cho nhân dân giám sát, tránh bệnh hình thức như lâu nay.

Ông Vũ Trọng Kim cũng nhấn mạnh tới việc phải xây dựng, chỉnh đốn Đảng thường xuyên, sao cho Đảng luôn luôn là lực lượng tiên phong, chiến đấu vì lợi ích của nhân dân lao động và của cả dân tộc; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có đủ năng lực, quản lý điều hành có hiệu lực và hiệu quả, có nền tư pháp được Nhân dân tin cậy. Đồng thời, mở rộng tính chất liên minh chính trị của Mặt trận dân tộc thống nhất, các đoàn thể các hội quần chúng không bị hạn chế phương thức tập hợp và hoạt động, đa dạng hóa và phong phú hóa sinh hoạt cộng đồng.

“Hội đoàn phải thực sự là mái ấm, chia sẻ, bảo vệ quyền con người và tự do sáng tạo của mỗi cá nhân. Để sớm “sánh vai các cường quốc năm châu” không có động lực nào hơn là sức mạnh khối đại đoàn kết của toàn dân tộc phải được khơi dậy và phát huy cao độ.”, ông Vũ Trọng Kim nói.

Phát huy vai trò của người cao tuổi

Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam phát biểu tại Hội nghị 

Nhắc tới những nội dung góp ý về người cao tuổi trong Dự thảo Báo cáo, bà Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Hội người cao tuổi Việt Nam chia sẻ, dự thảo đã đề cập đến việc phát huy vai trò của người cao tuổi, tuy nhiên, để hoàn thiện hơn, cần bổ sung thêm ý “Tôn trọng, bảo vệ và chăm sóc người cao tuổi”, như trong Hiến pháp 2013 đã qui định.

Đồng tình với những số liệu, chỉ tiêu đánh giá về phát triển kinh tế - xã hội nêu trong Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bà Phạm Thị Hải Chuyền đề nghị để có cơ sở đánh giá tình hình đầy đủ hơn, nên bổ sung thêm tiêu chí đánh giá về khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền, dân tộc, so sánh giữa nhiệm kỳ này tăng hay giảm so với nhiệm kỳ trước, làm cơ sở cho hoạch định chính sách.

“Nên có số liệu để so sánh giữa tốc độ chi ngân sách cho lĩnh vực an sinh xã hội và với tăng trưởng kinh tế, để biết được mức độ hài hòa tăng trưởng kinh tế với an sinh xã hội”, bà Hải Chuyền nói.

Một xã hội học tập mới là con đường dài

Bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu
Bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu 

Bà Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị, cần kiểm điểm vấn đề phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh, xử lý nợ xấu, xây dựng hệ thống tín dụng lành mạnh, an toàn. Bên cạnh đó cần nhấn mạnh vào việc xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc con người Việt Nam và đánh giá sâu sắc, đồng bộ về lĩnh vực giáo dục, kể cả giáo dục ngoài công lập, giáo dục thường xuyên, xây dựng xã hội học tập. Bởi một quốc gia muốn phát triển phải đầu tư cho GD-ĐT, phải có một nền giáo dục hoàn chỉnh, hiện đại nhưng các đột phá chưa nhấn mạnh đến những yếu tố đó.

Bà Nguyễn Thị Doan cho rằng, cần phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho giáo dục-vì đó là con đường dẫn đến tri thức. Phải trang bị hiện đại hóa các cơ sở hạ tầng giáo dục từ bậc mầm non đến đại học. Trong đột phá xây dựng chiến lược hạ tầng, cần tập trung đầu tư hiện đại hóa kết cấu hạ tầng trong trường học.

“Chỉ cần một con đường mấy chục ngàn tỷ đồng đã đủ để trang bị đủ cơ ở hạ tầng cho các trường học, nếu chúng ta quan tâm con người là yếu tố quyết định thì cần thay đổi tư duy trong vấn đề này. Cần quan tâm cho giáo dục thường xuyên, xây dựng xã hội học tập, chứ hiện nay mới chỉ quan tâm đến giáo dục chính quy. Một xã hội học tập mới là con đường dài”, bà Nguyễn Thị Doan nói.

Phải tiến công mạnh hơn để bảo vệ rừng

Ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị
Ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị

Nhắc tới vấn đề dân tộc được đề cập đến trong dự thảo Văn kiện, ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, vấn đề dân tộc có tính đặc thù quan trọng, liên quan đến quốc gia - quốc tế, có tính thời sự cấp bách và nhạy cảm. Đây không chỉ là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài mà còn là vấn đề cấp bách hiện nay của cách mạng nước ta. Khi có sự thay đổi lớn về cơ cấu dân cư, cơ chế thị trường, phân hóa giàu nghèo, bùng nổ thông tin,… thì đồng bào các dân tộc có điều kiện so sánh cảnh ngộ của dân tộc mình với các dân tộc khác, với đồng tộc và thân tộc ở trong và ngoài nước, bởi vậy đồng bào dân tộc sẽ có suy tư, lo lắng, buồn phiền về sự phát triển chậm của dân tộc mình. Chính vì vậy cần có giải pháp giảm khoảng cách và sự chênh lệch về giàu nghèo giữa các đồng bào dân tộc.

Nhắc tới tỷ lệ che phủ rừng, ông Lù Văn Que cho biết, thực tế hiện nay, 58% đất chưa có rừng che phủ, còn nhiều đồi núi trọc, đã và đang tác động lớn, ảnh hưởng lớn đến đời sống của đồng bào dân tộc. Thực tế, hiện nay 12/15 triệu đồng bào dân tộc thiểu số là người sinh ra từ núi rừng và gắn cuộc sống của mình với núi rừng, bởi vậy, nếu không sớm khắc phục “mất rừng là một nguy cơ lớn” thì sẽ liên tiếp xảy ra “thiên tai, nhân họa” gây thiệt hại về người và tài sản.

“Phải tiến công mạnh hơn về bảo vệ rừng, trồng rừng, phủ xanh đồi núi trọc, đó là việc làm có ý nghĩa chiến lược nhằm bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Phải bằng các giải pháp phi thường, phải giao đất rừng cho đồng bào các dân tộc làm nghề rừng, giúp đồng bào chuyển đổi nương rẫy sang bảo vệ rừng, giảm sản xuất lương thực trên đất dốc để trồng rừng; phải lấy người nuôi rừng, lấy rừng nuôi rừng, dùng Luật tục dân tộc để bảo vệ rừng”, ông Lù Văn Que kiến nghị.

Thay mặt Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, ông Hoàng Trung Hải đánh giá cao UBTƯ MTTQ Việt Nam trong thời gian vừa qua đã triển khai nhanh, kịp thời, bài bản các Hội nghị lấy ý kiến đóng góp của nhân dân vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Trân trọng cảm ơn các ý kiến chân thành, sâu sắc, dựa trên tinh thần xây dựng, đóng góp trí tuệ cho Đảng của các đại biểu mà trực tiếp là vào dự thảo các văn kiện, ông Hoàng Trung Hải khẳng định, Tiểu ban Văn kiện sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến để hoàn thiện dự thảo các báo cáo trình Đại hội XIII.

Theo mattran.org.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.