Đóa sen trước ngực

GD&TĐ - An đang căng lại dây phơi quần áo. Mấy hôm nay trời mưa dầm, đường sá lầy lội, nhà cửa ẩm ướt, quần áo dồn vào cả đống, giặt xong cũng mỏi cả tay.

Đóa sen trước ngực

Vừa phơi được mấy cái, dây đã trĩu xuống muốn quét đất. An vừa căng dây vừa lầm bầm anh Tuyên đến chơi bảo sẽ buộc lại dây cho mà anh Bình hẹn đi chơi sang làng bên là tót ngay. Mà cái anh Tuyên này, có người yêu rồi còn đi chơi làm gì? Cái cô người yêu người làng Mực, cái làng… An không thích.

An đã định nhắm cho anh Tuyên cô bạn thân của mình, vừa cao ráo, xinh xắn lại học giỏi. An đã rủ được cô bạn đến nhà bác cả chơi nhưng vừa đến nơi thì cũng là lúc anh Tuyên dẫn cô người yêu làng Mực về giới thiệu, mặt An và cô bạn cứ đuột ra.

Buộc xong cái dây thì tay An đã đỏ tấy lên, trầy cả da. Chợt có tiếng chó nhà hàng xóm sủa liên hồi, một người hành khất đi trước, đám trẻ con líu ríu theo sau. Họ bước đến trước cổng nhà bà Tỉnh, cái cổng có giàn bầu xanh um. Người hành khất đội nón lá, áo bộ đội đã bạc màu, quần xắn tới ngang ống chân, dép lê dính bùn đất, ngập ngừng không dám vào sân vì con chó cứ chắn ngang cổng mà sủa. Mấy đứa nhỏ láu táu gọi:

- Bà Tỉnh ơi, bà Tỉnh à, có chị ăn xin này!

Bà Tỉnh không có nhà mà đáp lại, An đã nhìn thấy bà lai xô cám ra ao cho cá ăn từ sáng, chỉ có con chó vẫn kêu liên hồi kì trận. Người hành khất vẫn nấn ná chưa muốn đi. Một lúc sau, ông Cung, chồng bà Tỉnh bê một rổ cây chuối băm nhỏ đi ra cổng định cho lũ gà, ngan ăn đã nhìn thấy người hành khất. Người hành khất liền ngả nón xuống, từ xa An nhìn thấy một mái tóc thật đen và dài.

Một đứa trẻ nói rõ to:

- Ông Cung bị câm, không nói được đâu. Hay chị sang nhà bên này mà xin này.

Nói rồi nó chỉ tay vào cổng nhà An.

Người hành khất ngoan ngoãn nghe lời tụi nhỏ, lại đội nón, khoác cái bị lên vai định quay đầu bước đi thì ông Cung vẫy tay ra hiệu dừng lại đợi. Lúc sau ông chạy ra đổ một bát gạo và đặt hai tờ một nghìn vào bị của người hành khất, mặt mày ông hoan hỉ lắm. Người hành khất khoanh tay cúi đầu nói cảm ơn. Tụi nhỏ lại nhắc:

- Giờ thì vào nhà chị An. Nhà này không có chó đâu mà sợ chị ạ.

Rồi chúng cùng réo lên:

- Chị An ơi, chị An có nhà không?

An buông cái áo đang phơi dở, lững thững đi ra cổng, định bụng sẽ mắng cho tụi nhỏ một trận, không về nhà lo bài vở cứ chạy lông nhông khắp làng theo ăn xin làm gì. Nhưng An chưa kịp mắng tụi nhỏ. Người hành khất chưa kịp cất lời ăn xin. Bốn mắt chạm nhau đều trợn tròn. Mãi An mới lắp bắp:

- Chị… chị Nhiên…

- Ờ, chào bạn…

- Em là An, em họ anh Tuyên đây, em đã gặp chị ở nhà anh Tuyên tháng trước.

Sau phút bối rối, Nhiên, người hành khất đã lấy lại được bình tĩnh:

- Chị nhớ ra rồi, chào… An. Thì ra đây là nhà em à?

- Vâng, nhà em ạ.

An vừa trả lời vừa liếc lại cái bị lần nữa để bảo đảm mình không nhìn nhầm. Mặt Nhiên đang đỏ lên. An đoán, có lẽ Nhiên đang ngại, không ngờ đi ăn xin vào đúng nhà em họ người yêu. Đã biết ngay mà, An không thích người làng Mực, cái làng, ngày trước cứ cuối vụ là dân làng dắt díu nhau đi ăn mày, các cụ nói cấm có sai.

Thế mà hôm Nhiên đến ra mắt nhà anh Tuyên ăn mặc cũng tươm tất lắm, anh Tuyên còn nói bố Nhiên là cựu chiến binh, mẹ là công nhân, gia đình cơ bản, chỉ sinh mỗi mình Nhiên. Cơ bản mà nay thế này sao? Đúng là dân làng bị gậy, nghèo kiết xác còn giỏi đóng kịch để câu anh họ An đây mà.

- Chị sao lại đi ăn xin thế này?

Mặt Nhiên đã bớt đỏ hơn. Lũ trẻ con thì đã bị mấy con chuồn chuồn kéo ra bờ ao. Chỉ còn hai chị em, Nhiên không trả lời câu hỏi của An mà lấy lại bình tĩnh nói:

- Em cho chị xin ít gạo và ít tiền lẻ, rồi chị lại phải đi ngay không muộn.

- Thì chị cứ ngồi đây uống nước đợi em vào nhà lấy cho chứ.

Rót nước cho Nhiên xong, An vội vã đi vào trong nhà. Đầu tiên là An gọi điện ngay cho anh Tuyên bắt phải về ngay có chuyện xảy ra rồi, nhất định về ngay, không chậm trễ, chuyện này không nói qua điện thoại được. Tuyên hứa về An mới tắt máy. Sau đó An vào buồng đong cho vài ca gạo và lục ví lấy tiền mang ra cho. Nhiên nhìn thấy nhiều gạo, nhiều tiền thì kêu lên:

- Chị chỉ xin ít gạo và ít tiền lẻ thôi, không cần nhiều như vậy đâu.

- Em cho chị mà.

An vừa nói vừa nghĩ thầm, đã đi ăn xin còn sĩ, hay là giả vờ không biết. Nhiên vẫn xua tay khi An định đổ tất số gạo vào bị:

- Chị cảm ơn tấm lòng của em, nhưng chị chỉ xin một bát con thôi.

Giữa lúc hai người giằng co thì tiếng xe máy đỗ sịch vào sân. Anh Tuyên chạy vào, sững người khi chứng kiến cảnh đó. Nhiên lúng túng như tên trộm bị bắt quả tang, đứng ngây ra, cái bị vẫn nắm chặt trên tay.

- Nhiên, sao em lại ở đây? Sao lại… thế này?

Tuyên ngạc nhiên hỏi dồn. Nhiên không nói gì. An nói:

- Chị Nhiên đi ăn xin đấy. Em bảo cho gạo, tiền nhưng chị ấy chỉ xin một ít thôi mới lạ.

Nhiên vẫn đứng đực ra. Tuyên lắc vai Nhiên:

- Có chuyện gì? Em nói đi! Bố đang ốm nặng sao em không ở bệnh viện trông bố mà đi thế này? Hay là nhà mình khó khăn quá mà sao em không nói với anh?

Nhiên òa khóc. Khóc nức nở. Vừa khóc vừa kể:

- Hôm qua bệnh viện đã trả bố em về, họ không tìm ra bệnh của bố mà bố thì vẫn thiêm thiếp đi, người phù thũng lên, không ăn uống được gì cả. Em đã lên chùa cầu nguyện cho bố, may mắn được gặp sư thầy. Sư thầy bảo gia đình em nên làm lễ cho bố, cầu trời, phật, bồ tát cứu khổ cứu nạn tai qua nạn khỏi, cũng là bố được mát mẻ.

Em hỏi lễ lạt cần sắm những gì, sư thầy bảo cũng hơi khó đấy, ngày kia ta có một khóa lễ cầu bình an, nếu con chuẩn bị xong có thể làm cùng khóa này. Em lo là sẽ tốn kém chăng, nhưng sư thầy bảo, lễ lạt ở đây không phải là chuyện tiền bạc mà là sự thử thách lòng hiếu thảo của con, con làm được không? Em nói em làm được.

Sư thầy lúc này mới nói, lễ lạt là sự từ tâm của thiên hạ, con phải làm hành khất đi khắp nơi xin gạo, xin tiền, mỗi nhà chỉ cần một chút, cần xin đủ số nhà bằng số tuổi của cha con. Em đã đi xin từ chiều qua tới giờ, cả nhà An là được bốn mươi hai nhà rồi, còn mười tám nhà nữa thôi.

Tuyên nắm chặt tay Nhiên, không nói lên lời. An cũng không nói gì, đỏ mặt xấu hổ vì mình đã hiểu sai cho Nhiên. Lúc sau, An nghĩ ra sáng kiến:

- Em lấy xe lai chị đi cho nhanh.

Nhiên lắc đầu:

- Chị phải đi bộ mới làm hành khất được.

- Thế thì em đi bộ cùng chị, em sẽ đưa chị vào mấy nhà trong xóm này nữa.

- Anh cũng cùng đi.

Hôm sau, sư thầy mở khóa lễ tụng kinh niệm phật cầu bình an cho các gia chủ. Phật tử bốn phương tới dự lễ đông lắm. Nhiên ngồi chắp tay như đóa sen trước ngực niệm Phật. Khóa lễ vừa hoàn mãn, thì Tuyên gọi điện thoại đến báo tin: “Sáng nay, bố tự ngồi dậy được, còn ăn hết một bát cháo hoa rồi đấy em ạ!”. Nhiên nghe mà trào nước mắt, miệng niệm Nam mô a di đà phật.

*

Một chiều cuối năm, tôi lên chùa gặp sư thầy xin thỉnh giáo về việc gia đình đang có nhiều bất an mà tôi không thể nào giải quyết nổi, nhất là về chuyện của hai đứa con. Tôi gặp một người đàn ông đang ngồi tụng kinh niệm phật với các cụ già trong làng.

Sư thầy nghe chuyện của tôi, kể cho tôi nghe chuyện một cô gái sẵn sàng làm hành khất xin gạo tiền làm lễ cầu bình an cho cha mình. Thầy chỉ cho tôi thấy người đàn ông đang ngồi tụng kinh bảo kia là cha của cô Nhiên đấy.

- Thưa thầy, còn chuyện nhà con?

- A di đà phật. Lòng từ bi cứu khổ cứu nạn ở khắp nơi trong thiên hạ, nếu gom được sẽ là phước lành cứu độ chúng sinh. Liệu thí chủ có thể hành khất được không?

Tôi chắp tay trước mặt như đóa hoa sen vái sư thầy. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ