Phiên tòa phân xử tranh chấp dân sự mới đây tại Tòa án nhân dân thị xã, ai cũng xót xa khi chứng kiến cảnh người phụ nữ lớn tuổi đổ sụp xuống khóc nức nở khi nghe vị luật sư tư vấn: “Chị nên rút lại chứ nếu cố thì khó thắng, mà còn phải đóng 42 triệu tiền án phí”.
Chị nói trong tiếng nấc: “Nhưng đó là căn nhà của tôi, nơi tôi thờ ông ấy”. Vị luật sư vẫn cố sức giảng giải để chị hiểu: “Dẫu biết vậy nhưng mọi giấy tờ chị đã sang tên cho con, chị không chứng minh được mình chỉ tạm cho chúng đứng tên để vay ngân hàng. Tòa chỉ trọng chứng hơn trọng cung nên dù biết chị bị oan cũng chẳng giúp gì được”.
Vốn có 4 người con, chồng mất sớm, chị tảo tần nuôi con ăn học. Ba đứa lớn đều có nghề nghiệp ổn định và ra ở riêng. Chị ở với đứa con áp út vì từ nhỏ nó hợp tính chị nhất. Lúc nào nó cũng ngoan ngoãn, nghe lời và sợ nhất làm điều gì đó cho chị buồn. Cu cậu thường nịnh mẹ: “Con yêu mẹ nhất trần đời, sẽ không bao giờ con làm cho mẹ phiền lòng”. Ai cũng khen cu cậu thương mẹ và có hiếu nhất nhà.
Dạo gần đây, vợ chồng nó làm ăn cần vốn và đề nghị mẹ sang tên căn nhà để tiện việc vay và thế chấp ngân hàng. Ba mẹ con thỏa thuận chỉ là sang tên tượng trưng để làm ăn chứ căn nhà vẫn là của mình. Nghẹt nỗi, mẹ con chỉ thỏa thuận miệng nên nửa tháng sau khi cầm được giấy tờ nhà trong tay, hai vợ chồng cậu con trai đã đuổi mẹ ra khỏi nhà và rao bán ngay chính căn nhà ấy, dẫn đến việc kiện cáo đau lòng này.
Khác với nhà hàng xóm, chiều chiều, trên con đường đất đỏ ở khu phố 8 phường Tân An, mọi người đã quen với hình ảnh người con trai đang kiên nhẫn tập đi cho người cha đã già. Lâu lâu, anh lại cúi xuống nắn chân cho cha, với cử chỉ vô cùng nhẹ nhàng, trìu mến. Anh là Nguyễn Văn Tiễn, 46 tuổi và ba anh đã qua cái tuổi “xưa nay hiếm”.
Ông Nguyễn Văn Năm đã nằm liệt một chỗ mấy năm nay, mọi sinh hoạt đều phải có người phục vụ. Vợ ông, cũng bị bệnh tim, đau yếu liên miên nên mọi việc chăm sóc hai ông bà đều một tay anh Tiễn làm hết. “Hằng ngày, ngoài giờ đi làm ở tiệm sửa xe để tăng thêm thu nhập, nó đều kiên nhẫn xoa bóp chân tay cho ba, lau rửa người, vệ sinh cá nhân mà không bao giờ có một lời than trách”, mẹ anh đã chia sẻ. Anh cứ cần mẫn xoa bóp đôi chân của ba đã teo tóp, để hy vọng một ngày ba sẽ đi được.
Có lẽ, do cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của người con trai, phép màu đã xảy ra sau mấy năm không đi lại được, ông Năm đã bắt đầu tập bước những bước đầu tiên. Ông đi lần từng bước một, từ gốc cây này đến gốc cây khác, sau đó, đi từng đoạn ngắn. Mới đầu chưa quen, nên anh Tiễn luôn phải đi bên cạnh và thi thoảng cúi xuống xoa chân cho cha.
Đến nay, ông Năm đã có thể đi được một đoạn đường khá dài mà không cần ai giúp đỡ. Khi được hỏi: Vừa đi làm, vừa phải chăm sóc hai ông bà bệnh tật, sao anh không cưới vợ để họ đỡ đần cho? Anh cười hiền và nói: Có lẽ, do bận quá nên không có nhiều thời gian, rồi cơ hội qua đi…
Nghe thế, mẹ anh nói thêm vào: “Nó nói, thấy con dâu người ta ít có người thương ba mẹ chồng, nên sợ lấy vợ rồi khó nuôi ba mẹ nên đành ở vậy… Gia đình tôi, thật có phước khi có một người con như thế, không rượu chè, cờ bạc, sống hết lòng vì ba mẹ…”.
Hai hình ảnh, hai cách hành xử trái ngược nhau. Thể hiện lòng hiếu thảo đâu chỉ bằng lời nói mà phải bằng những hành động cụ thể.