'Đóa hoa' rừng Mường Bon

GD&TĐ - Ở Mường Bon, huyện Mai Sơn (Sơn La), ai cũng biết đến cô giáo Bùi Thị Hoa. Người dân bản địa xem cô như đóa hoa rừng bởi sự nhiệt huyết với nghề.

Cô Hoa đang ân cần chỉ dạy các em học sinh học tập tại lớp.
Cô Hoa đang ân cần chỉ dạy các em học sinh học tập tại lớp.

“Vẻ đẹp” núi rừng

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Tây Bắc (chuyên ngành Ngữ văn), cô Bùi Thị Hoa (SN 1982) đã viết đơn xin việc về trường THCS xã Phiêng Cằm, huyện Mai Sơn.

Ngày mới về công tác, cô nhận được nhiều thiện cảm của giáo viên, học sinh và phụ huynh nhà trường. Bởi cô sở hữu khuôn mặt xinh xắn, đôi mắt long lanh và nụ cười thường trực. Có người bảo, vẻ đẹp “thuần khiết” ấy thuộc về núi rừng. Sự gần gũi, dễ mến của cô ngày càng minh chứng xác đáng hơn cho điều đó.

Cô Hoa tâm sự: “Vì được mọi người quý mến, nên tôi càng cảm thấy trách nhiệm của mình lớn lao hơn. Thời ấy, gian nan, vất vả không kể hết. Nhưng nhìn học trò nhỏ với khuôn mặt ngây ngô, lấm lem, thậm chí còn chưa thành thạo tiếng phổ thông tôi lại thấy thương. Tôi tự động viên mình vượt qua mọi thứ”.

Những ngày đầu đứng lớp, hồ hởi, mộng mơ bao nhiêu, thì càng về sau cô Hoa càng thực tế bấy nhiêu. Cô bảo, bọn trẻ ở đây đa phần còn đói rách nên thứ chúng nghĩ đến trước mắt phải là “cái ăn, cái mặc”. Bởi thế, thay vì chỉ chăm chăm vào việc ngồi soạn những bài giảng thật hay, kỳ vọng thật lớn, cô Hoa đã đi và lắng nghe học sinh nhiều hơn.

“Lúc ấy tôi chỉ có một ý nghĩ, làm sao cho những em nhỏ được học hành, sớm thoát khỏi cảnh nghèo khó bằng cách tích lũy tri thức làm hành trang. Từ đó, tôi cùng các giáo viên nhà trường thường xuyên theo sát học sinh ở các tiết học, giúp các em học tập, nắm chắc kiến thức. Ngoài giờ lên lớp, tôi gặp từng em, lắng nghe từng hoàn cảnh để hiểu hơn điều chúng cần và cố gắng tháo gỡ”, cô Hoa bộc bạch.

Hơn 17 năm gắn bó với nghề, cô Hoa đã đào tạo, dìu dắt nhiều thế hệ học sinh có thành tích cao trong học tập.

Hơn 17 năm gắn bó với nghề, cô Hoa đã đào tạo, dìu dắt nhiều thế hệ học sinh có thành tích cao trong học tập.

Công tác tại Trường THCS xã Phiêng Cằm hơn 5 năm, cô Hoa được điều chuyển về trường Tiểu học và THCS Mường Bon giảng dạy. Với rất nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ, sau một thời gian ngắn cô được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng nhà trường.

Hơn 17 năm gắn bó, cô Hoa đã đào tạo, dìu dắt nhiều thế hệ học sinh. Với nhiều em, cô Hoa không chỉ giữ vai trò là giáo viên mà còn để lại ấn tượng trong lòng bởi hình ảnh một “người bạn lớn”, người mẹ. Qua đó, chia sẻ mỗi điều học sinh cần hoặc những vấn đề vướng mắc trong cuộc sống.

Em Lò Minh Thắng, học sinh trường Tiểu học và THCS Mường Bon tâm sự, bằng sự thấu hiểu, quan tâm học sinh như người thân trong gia đình, cô Hoa đã dìu dắt, cảm hóa nhiều học sinh cá biệt và giúp đỡ nhiều bạn đạt thành tích cao trong trong học tập.

“Ở trên lớp em và các bạn được cô Hoa chỉ dạy ân cần. Nội dung bài nào chưa hiểu rõ, cô đều hướng dẫn tận tình. Riêng với em, khi biết hoàn cảnh nhà khó khăn, cô Hoa đã dành nhiều thời gian hỏi han, chia sẻ. Cô động viên em cố gắng học tập để có một tương lại rộng mở hơn. Em thấy mình có thêm động lực và sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng cô đã yêu thương”, Thắng nói.

Bằng sự nhiệt huyết và lòng yêu nghề, cô Hoa luôn được học sinh quý mến.

Bằng sự nhiệt huyết và lòng yêu nghề, cô Hoa luôn được học sinh quý mến.

Không ngừng “tỏa hương”

“Với tôi, đứng trên bục giảng là niềm đam mê. Bởi thế, tôi dành hết tâm huyết để làm mới, tạo sức hút cho mỗi bài giảng của mình. Tôi xem mỗi giờ lên lớp là một cơ hội” - suy nghĩ ấy đã đồng hành với cô Hoa trong suốt hành trình hơn 17 năm đứng trên bục giảng và làm nên thương hiệu riêng.

“Mỗi lời giảng, tôi đều cố gắng chú trọng từng câu chữ, hình ảnh để làm kiến thức trở nên sinh động, hấp dẫn và dễ hiểu đối với học sinh. Cùng với đó là vận dụng đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng công nghệ thông tin vào trong bài giảng nhằm tạo hứng thú, yêu thích môn học cho các em học sinh”, cô Hoa chia sẻ.

Cô Hoa quan niệm, mỗi con người không ai hoàn thiện ngay từ đầu. Bởi vậy cô không ngừng tìm tòi, học hỏi về chuyên môn, nghiệp vụ thông qua nhiều kênh khác nhau. Cô học ngay từ những kinh nghiệm đúc rút ra sau mỗi giờ giảng; học qua các lớp tập huấn, sách vở, mạng internet… Ngoài ra, cô Hoa cũng rất tích cực thao giảng, thăm lớp dự giờ của đồng nghiệp để rút ra bài học cho mình.

Từ ngày đảm nhiệm thêm vai trò là Phó Hiệu trưởng, cô Hoa luôn xác định mình là tấm gương để không chỉ học sinh mà cả giáo viên, phụ huynh nhà trường soi vào. Do vậy, trong mọi lời nói, việc làm và cử chỉ, cô đều ý thức phải chuẩn nhà giáo.

Không chỉ giỏi trong công tác giảng dạy, cô Hoa còn được đồng nghiệp quý mến.

Không chỉ giỏi trong công tác giảng dạy, cô Hoa còn được đồng nghiệp quý mến.

Theo thầy Lê Chính Tôn, Hiệu Trưởng Trường tiểu học và THCS Mường Bon nhận xét, trong suốt thời gian công tác, cô Hoa không ngừng học hỏi để tự nâng cao kiến thức, kỹ năng cho mình. Cô luôn là người tiên phong và đạt thành tích cao trong các cuộc vận động, cuộc thi do trường cũng như ngành, địa phương phát động. Cụ thể như: Hội thi giáo viên dạy giỏi các cấp, giải thể thao…

“Không chỉ bám sát kế hoạch, nhiệm vụ năm học của trường, ngành và ứng dụng công nghệ thông tin vào tổ chức tốt, hiệu quả hoạt động giảng dạy. Cô Hoa còn làm tốt trách nhiệm của một nhà quản lý trong việc tham mưu, phối hợp cùng Ban giám hiệu điều hành, chỉ đạo, hướng dẫn cán bộ nhân viên hoàn thành tốt nhiệm vụ chung”, thầy Tôn đánh giá.

Từ năm 2011 đến nay cô luôn đạt giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhiều giấy khen của Đảng ủy, UBND xã trao tặng. Nhiều năm liên tiếp được công nhận là Lao động tiên tiến. Công đoàn ngành chứng nhận là giáo viên “giỏi việc trường, đảm việc nhà".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...