Trải lòng của những nhà giáo luôn tâm huyết, sáng tạo vì học trò

Cô giáo mầm non luôn nhiệt huyết với nghề vì tình yêu trẻ

GD&TĐ - Với tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết và gắn bó với nghề, cô Lê Kim Hằng - GV Trường Mầm non Tân Mai luôn được các đồng nghiệp, HS và PH quý mến.

Cô Lê Kim Hằng là một trong những tấm gương tiêu biểu về tình yêu nghề, yêu trẻ và luôn gắn bó với trẻ thơ.
Cô Lê Kim Hằng là một trong những tấm gương tiêu biểu về tình yêu nghề, yêu trẻ và luôn gắn bó với trẻ thơ.

Trân quý từ câu gọi "mẹ Hằng"

Tâm sự với Báo Giáo dục & Thời đại, cô Lê Kim Hằng, GV Trường Mầm non Tân Mai (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết vào ngành giáo dục từ năm 1988. Trong hơn 30 năm gắn bó với nghề tại Trường Mầm non Tân Mai, cô đã trải qua rất nhiều khó khăn, gian khổ. Ngôi trường ngày đó còn đơn sơ, cơ sở vật chất thiếu thốn, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động có nhiều hạn chế, đồng lương của giáo viên thì ít ỏi. Những hạt gạo ngon, cân đường, hộp sữa, tấm vải… vẫn là những mặt hàng xa xỉ đối với giáo viên.

Trong giai đoạn đầy thử thách ấy, đã có không ít thầy cô không thể trụ nổi mà phải bỏ nghề để đi kiếm sống bằng công việc khác. Nhưng với tình yêu thương, sự tâm huyết với nghề, bằng tất cả nghị lực, cô Hằng đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách và luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Càng yêu người bao nhiêu, càng yêu nghề bấy nhiêu, trải qua biết bao thăng trầm về cơm áo gạo tiền, nhưng cô đã làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ vừa tham gia tốt công việc giảng dạy và nuôi con ăn học, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Cô Kim Hằng có rất nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, nhất là lứa tuổi nhà trẻ. Cô Kim Hằng có rất nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non, nhất là lứa tuổi nhà trẻ.

Bản thân là giáo viên mầm non vốn rất bận rộn và khó khăn về thời gian. Trong khi đó chồng cô lại là một bảo vệ cho một trường khác trong quận nên không có thời gian, điều kiện để giúp đỡ cô chăm sóc, nuôi dạy các con. Mọi việc như chăm sóc, động viên hai bên ông bà nội ngoại và nuôi dạy hai con nhỏ trong gia đình đều do cô gánh vác.

Dù vất vả là vậy nhưng cũng không làm giảm bớt tình yêu thương đối với gia đình cũng như với nghề, với các con học sinh thân yêu. Có lẽ, nhờ tình yêu thương, đối xử công bằng với học sinh, quan tâm, tận tình chăm sóc các con như tấm lòng của một người mẹ, cô vẫn được các bé và phụ huynh học sinh yêu quý gọi với cái tên quen thuộc đó là “mẹ Hằng”. Chỉ với một câu nói đầy giản dị đó cũng khiến cô Hằng cảm thấy vô cùng trân quý tình cảm của học sinh và phụ huynh các em.

Tấm gương đáng để học tập

Cô Vũ Thị Duyên - giáo viên Trường Mầm non Tân Mai cho rằng, trong những năm gắn bó với nghề, cô Kim Hằng luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm cũng như những yêu cầu cần có của một giáo viên mầm non về đạo đức nghề nghiệp của một nhà giáo. Ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng cần có ở một giáo viên mầm non đó là tình yêu thương, lòng nhân ái, tính chịu khó, kiên trì...

Bởi ở lứa tuổi mầm non, nhất là ở nhà trẻ các bé còn nhỏ nên việc chăm sóc là hết sức vất vả, đặc biệt là những cháu đi chưa vững, nói chưa được và còn quấy khóc rất nhiều. Vì vậy, để hình thành nên những thói quen, nhân cách tốt cho trẻ, cô luôn giữ hình ảnh một người giáo viên với lối sống lành mạnh, đạo đức trong sáng, giàu lòng nhân ái. Ứng xử với đồng nghiệp, phụ huynh đặc biệt là với trẻ luôn chuẩn mực và là tấm gương sáng cho học sinh và đồng nghiệp noi theo.

Cô Hằng luôn biết cách dỗ dành để trẻ vào nếp thông qua nhiều hoạt động trên lớp. Cô Hằng luôn biết cách dỗ dành để trẻ vào nếp thông qua nhiều hoạt động trên lớp.

"Năm 2019, chồng cô Hằng không may qua đời, cô lại một lần nữa đã vượt lên những khó khăn về hoàn cảnh gia đình để công tác và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao khiến chúng tôi rất nể phục. Trong suốt thời gian 34 năm gắn bó với công tác dạy học, cô luôn nhiệt tình, chan hòa, cởi mở với đồng nghiệp, hết lòng chăm sóc, tận tình vì học sinh thân yêu, trách nhiệm trong công tác giảng dạy, được đồng nghiệp, học sinh và phụ huynh hết mực tin yêu, quý mến.

Tôi đã học hỏi ở cô Hằng rất nhiều. Cô là một con người hiền lành, đức độ, mẫu mực, chu đáo về lối sống giản dị, tư cách trong lời ăn tiếng nói, chăm chỉ trong công việc. Tôi ấn tượng những nụ cười tươi, ánh mắt trìu mến lúc nào cũng thường trực trên khuôn mặt của cô mỗi khi cô đón, trả trẻ. Thái độ và sự ân cần của cô với trẻ, với bố mẹ, ông bà các cháu khiến tất cả phụ huynh đều rất yên lòng" - cô Duyên tâm sự.

Chị Trần Thu Hạnh - Phụ huynh Trường Mầm non Tân Mai chia sẻ, cô Hằng là một giáo viên mẫu mực, cách ứng xử với trẻ rất tình cảm, nhẹ nhàng và có chuyên môn sư phạm tốt. Nhờ sự dìu dắt của cô Hằng, trẻ luôn có sự tiến bộ và nghe lời cô, nhất là các kỹ năng cơ bản của lứa tuổi nhà trẻ. Dù sắp đến tuổi nghỉ hưu nhưng tình yêu nghề trong cô không hề vơi bớt. Khi gửi con tại trường, nhất là lớp cô Hằng thì phụ huynh luôn tin tưởng và yên tâm.

Theo cô Nguyễn Thị Trang - Hiệu trưởng nhà trường, trải qua nhiều năm công tác, cô Lê Kim Hằng rất hiểu tâm lý từng lứa tuổi, nhất là với lứa tuổi nhà trẻ là lứa tuổi non nớt nhất. Vì vậy cô được Ban giám hiệu tin tưởng giao cho quản lý nhóm nhà trẻ nhiều nhất. Việc chăm các con mầm non đã khó nhưng chăm các bé nhà trẻ còn khó khăn hơn rất nhiều. Nhưng không vì vậy mà làm cô nản lòng trước công việc được giao, cô chăm chút các con từ bữa ăn, giấc ngủ, vệ sinh… Trong các giờ dạy cô luôn nhẹ nhàng, động viên, khích lệ, khen ngợi trẻ kịp thời, phần lớn dùng lời nói ngọt ngào, trìu mến để dỗ dành các bé.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hình ảnh minh họa về Hạng A Cháng do AI tạo ra. Ảnh minh họa: TG

Hai mặt của trí tuệ nhân tạo

GD&TĐ - Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần trở thành một công cụ hỗ trợ mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục.

Binh lính Đức Quốc xã giương cờ trắng đầu hàng ngày 13/5/1945.

Cờ trắng đầu hàng có từ khi nào?

GD&TĐ - Trong chiến tranh, khi xét thấy không thể chống cự lại đối phương, đội quân yếu thế thường giương một lá cờ trắng biểu thị sự đầu hàng.