Đổ mồ hôi ban đêm cảnh báo một số bệnh nghiêm trọng
Trong những ngày hè nóng nực, bạn bất chợt tỉnh dậy và thấy mình ướt đẫm mồ hồi, đó là điều dễ hiểu, không có gì phải lo lắng.
Nhưng nếu tình trạng này diễn ra vào những ngày thời tiết mát mẻ, dễ chịu, bạn nên quan tâm hơn tới sức khỏe của mình và tất nhiên, nên đi khám bác sĩ.
Thực ra đổ mồ ban đêm là chuyện không hiếm. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y khoa Gia đình ở Mỹ, khoảng 1/3 số bệnh nhân được chăm sóc ban đầu cho biết đã đổ mồ hôi ban đêm trong suốt một tháng mùa đông.
"Tuy nhiên, không ai biết chính xác mức độ phổ biến như thế nào vì hầu hết bệnh nhân không thông báo triệu chứng này cho bác sĩ bởi nghĩ đây là điều bình thường", tác giả cuộc nghiên cứu, James Mold, giáo sư tại ĐH Oklahoma (Mỹ) cho biết.
Nhưng các nhà khoa học cũng tìm ra một số yếu tố làm tăng triệu chứng đổ mồ hôi ban đêm gồm như cảm giác hoảng loạn, khó ngủ, sốt, tê tay và chân, lo lắng, căng thẳng, khó thở vào ban đêm.
Tình trạng này cũng có thể là do tác dụng phụ của các loại thuốc thường được kê cho chứng trầm cảm (gồm SSRIs).
"Dù chưa được chứng minh hay có bằng chứng gì chắc chắn nhưng dường như SSRIs là một nguyên nhân", tiến sĩ Mold nhận định.
Cơ chế khiến cơ thể đổ mồ hôi vào ban đêm
Bình thường, cơ thể chúng ta dùng mồ hôi để giảm nhiệt độ khi nó đạt tới một ngưỡng nào đó. Có nhiều nguyên nhân khiến cho nhiệt độ cơ thể đạt tới ngưỡng này, chẳng hạn như đắp chăn quá dày hay cơ thể bị viêm.
Một số nghiên cứu còn cho thấy nhiệt độ cơ thể tăng là do các chất trung gian kích thích viêm nhiễm tăng theo chu kỳ suốt đêm.
Bên cạnh đó là một số điều kiện khác tác động đến hệ thống thần kinh giao cảm, các tuyến mồ hôi, hoặc các yếu tố khác ảnh hưởng đến khả năng tự điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể.
Cũng có một giả thuyết khác về tình trạng đổ mồ hôi ở người bình thường. Đó là những người lao động chân tay hoặc tập thể dục có thể đổ mồ hôi khi ở nhiệt độ thấp hơn bình thường vào ban đêm.
Đổ mồ hôi đêm có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng
Nghiên cứu của tiến sĩ Mold cho rằng tình trạng đổ mồ hôi đêm nhiều, thường xuyên có thể là dấu hiệu cảnh báo một số vấn đề sức khỏe bạn nên chú ý.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc
- Hạ đường huyết
- Thời kỳ mãn kinh
- Bệnh nhiễm trùng như bệnh lao, viêm màng trong tim (viêm van tim), viêm tủy xương (viêm xương), HIV.
- Bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư bạch huyết.
- Rối loạn nội tiết
Khuyến cáo của chuyên gia
"Nếu như bị tình trạng đổ mồ hôi vào mỗi đêm, hay khi chuông báo thức vang lên và thấy mình ướt sũng trong bộ pyjamas, bạn nên gặp bác sĩ", tiến sĩ Mod khuyến cáo.
Ông cũng khuyên mọi người nên theo dõi nhiệt độ cơ thể của mình mỗi ngày 2 lần, để phát hiện xem có bị chứng sốt gì không và nên ghi lại tất cả những triệu chứng khác cho bác sĩ tham khảo.
Thông thường, đổ mồ hôi ban đêm không phải chỉ là triệu chứng khi một cơ quan nào đó hoạt động sai chức năng mà có thể là cơ thể đang bị trục trặc ở nhiều bộ phận.
Theo Mold, để giảm đổ mồ hôi ban đêm, cách tốt nhất là chữa từ nguyên nhân gây ra tình trạng này.