Định vị nguồn FRB từ Dải Ngân hà

GD&TĐ - Cho đến nay, hầu hết các phát hiện tín hiệu FRB (bùng nổ vô tuyến nhanh) đều chỉ ra các nguồn bên ngoài Dải Ngân hà.

Định vị nguồn FRB từ Dải Ngân hà

Nhưng vào cuối tháng Tư năm nay, lần đầu tiên các nhà khoa học quan sát thấy tín hiệu FRB từ thiên hà của chúng ta. Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy nguồn phát ra các tín hiệu FRB này là một sao từ ở gần trung tâm của thiên hà - một dạng sao neutron có từ trường rất mạnh.

Hiện giờ, ba công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature (Anh) đã xác nhận suy đoán trước đó rằng các tín hiệu FRB tháng Tư đến với chúng ta từ ngôi sao từ SGR 1935 + 2154.

Kể từ khi được phát hiện, các tín hiệu FRB đã kích thích trí tưởng tượng của nhiều người. Bản chất bí ẩn của FRB dẫn đến nhiều giả thuyết về nguồn gốc của chúng.

Một số giả thuyết cho rằng tín hiệu FRB có thể đến từ các sao neutron quay nhanh. Một số giả thuyết khác lại khẳng định FRB được sinh ra bởi các thảm họa vũ trụ như vụ nổ siêu tân tinh hoặc sự sụp đổ của các ngôi sao neutron thành các lỗ đen.

Cũng có những giả thuyết rất kỳ lạ nói rằng có những nền văn minh ngoài hành tinh mong muốn liên hệ với chúng ta thông qua các tín hiệu FRB. Giờ đây, ba công trình nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature đã làm sáng tỏ thêm quan điểm về những tín hiệu bí ẩn này.

Tín hiệu FRB là một hiện tượng vật lý thiên văn năng lượng cao, biểu hiện bằng các xung vô tuyến ngắn hạn, kéo dài trung bình vài mili giây. Mặc dù những sự kiện này diễn ra trong thời gian rất ngắn, nhưng chúng mang năng lượng lớn, có thể so sánh với năng lượng do Mặt trời phát ra trong suốt cả ngày.

Tín hiệu FRB nhanh đầu tiên được ghi nhận vào năm 2007. Kể từ đó, các nhà khoa học đã lập danh mục hàng trăm tín hiệu tương tự. Các tín hiệu đến từ mọi hướng trên bầu trời. Hầu hết chúng là tín hiệu đơn lẻ, một lần, theo nghĩa là chúng đến từ các nguồn khác nhau, mặc dù một số tín hiệu được phát hiện đến từ cùng một địa điểm trên bầu trời và lặp lại thường xuyên.

Hầu hết các tín hiệu FRB đều có nguồn gốc từ ngoài Daei Ngân hà. Tuy nhiên, vào cuối tháng 4 năm nay, các nhà nghiên cứu đã ghi lại được một tín hiệu dường như bắt nguồn từ thiên hà của chúng ta. Ngay trong các nghiên cứu sơ bộ, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng nguồn phát xạ các FRB này có thể là các sao neutron có từ trường rất mạnh - các sao từ.

Ngày 28/04/2020, sao từ có tên SGR 1935 + 2154, cách chúng ta 30.000 năm ánh sáng, đã phát ra một tín hiệu được các đài quan sát vô tuyến trên Trái đất ghi lại. Các đài quan sát tia X trên mặt đất và trong không gian cũng ghi nhận tín hiệu này.

Vụ nổ kéo dài một phần nghìn giây này mang theo một lượng năng lượng đáng kinh ngạc và có thể dễ dàng được phát hiện từ một thiên hà khác.

“Nếu tín hiệu như vậy đến từ một thiên hà lân cận, thì nó sẽ giống như một FRB điển hình đối với chúng ta” - ông Shrinivas Kulkarni từ Viện Công nghệ California Caltech (Mỹ), thành viên của dự án STARE2 (Khảo sát về sự phát xạ vô tuyến thiên văn nhất thời 2), cho biết. 

Tín hiệu tháng 4, được ký hiệu là FRB 200428, là tín hiệu đầu tiên cho phép truy ngược trở lại nguồn sao từ một cách chính xác. Các nhà khoa học cho rằng mỗi ngày có thể có hàng chục nghìn tín hiệu FRB, nhưng vấn đề đối với nghiên cứu của họ là cho đến nay vẫn chưa có nguồn chính xác. Chính vì vậy các nhà khoa học không biết phải tìm theo hướng nào để có thể ghi lại tín hiệu kéo dài cực kỳ ngắn.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.