Xung vô tuyến nhanh là các tín hiệu vô tuyến ngắn ngủi (kéo dài trong vài mili giây) có nguồn gốc từ bên ngoài Dải Ngân hà. Cho đến nay, các nhà thiên văn học phát hiện hơn 100 tín hiệu như vậy (tín hiệu đầu tiên được ghi nhận vào năm 2007). Nguồn phát ra tín hiệu FRB vẫn là một bí ẩn, chưa được xác định.
Phần lớn các FRB có tính chất ngẫu nhiên. Tuy nhiên, khoảng 10% số FRB là các tín hiệu lặp đi lặp lại, mặc dù không đều đặn.
Thế nhưng, hiện giờ, nhóm các nhà khoa học do nhà vật lý thiên văn Dongzi Li ở ĐH Toronto (Canada) dẫn dắt, đã phát hiện ra rằng một trong các nguồn phát FRB đều đặn phát ra xung FRB.
Phát hiện nói trên của các nhà khoa học được miêu tả trong bài báo trên cổng dịch vụ arXiv.org.
Phân tích các dữ liệu do Kính viễn vọng điện từ CHIME (Canada) thu thập, nhóm nghiên cứu xác định rằng tín hiệu điện từ có ký hiệu FRB 180916.J0158+65 xuất hiện đều đặn, trong chu kỳ khoảng 16 ngày.
Nguồn phát ra tín hiệu này ở rìa một thiên hà cách Trái đất 500 triệu năm ánh sáng. Đây là nguồn phát FRB gần chúng ta nhất.
Các nhà nghiên cứu khẳng định, nguồn này phát ra một vài tín hiệu trong chu kỳ 4 ngày, sau đó im lặng trong khoảng 12 ngày. Như vậy, chu kỳ phát tín hiệu kéo dài khoảng 16 ngày.
Trong thời gian nghiên cứu (từ tháng 9 năm 2018 đến tháng 10 năm 2019), các nhà thiên văn học cũng xác định được rằng trong một số chu kỳ 16 ngày, không có tín hiệu nào được gửi đến Trái đất.
Các nhà khoa học cũng cho rằng, đây là trường hợp đầu tiên xung FRB có chu kỳ đều đặn.
Vấn đề tiếp tục không được làm rõ là nguồn phát ra tín hiệu. Các nhà thiên văn học nghi ngờ tín hiệu FRB đó có thể là kết quả tác động của lỗ đen hoặc ngôi sao.