Thiên hà “ma” rình rập Dải Ngân hà

GD&TĐ - Tàu thăm dò vũ trụ không người lái Gaia của Cơ quan Vũ trụ châu Âu vừa phát hiện thiên hà “ma” khổng lồ rình rập bên rìa Dải Ngân hà.  

Thiên hà “ma” rình rập Dải Ngân hà

Nhóm các nhà thiên văn học quốc tế, trong đó có các nhà thiên văn học đến từ Đại học Cambridge (Vương quốc Anh) đã phát hiện một đối tượng khổng lồ trong lúc tiếp cận các dữ liệu về vệ tinh Gaia.

Đối tượng được đặt tên là Ant 2, ở cách Dải Ngân hà khoảng 130.000 năm ánh sáng. Mặc dù có kích thước lớn, thiên hà này đã ẩn giấu trước các quan sát của chúng ta nhờ khối lượng riêng đặc biệt thấp và nơi ẩn náu hoàn hảo - đó là trung tâm Dải Ngân hà.

Người ta thấy được thiên hà này nhờ thiết bị quan sát cho phép thực hiện đồng thời phép đo trắc lượng học thiên thể, phép đo sáng và phép đo quang phổ học.

Mặc dù có kích thước khổng lồ, Ant 2 vẫn được xem là thiên hà lùn, hình thành trong giai đoạn vũ trụ non trẻ. Những “chú lùn” vũ trụ như vậy (theo cách gọi của các nhà thiên văn học) là những thiên hà xuất hiện đầu tiên. Vì vậy, chúng bao gồm những ngôi sao già và do đó rất nhẹ cũng như chứa ít kim loại.

Tuy nhiên, trong so sánh với các thiên hà lùn đã biết trong Dải Ngân hà, Ant 2 thật to lớn.

“Cách giải thích đơn giản nhất về hiện tượng Ant 2 có khối lượng nhỏ là nó bị trường hấp dẫn của Dải Ngân hà nghiền nát” - Giáo sư Sergiei

Koposov ở ĐH Carnegie Melon (Mỹ) giải thích - “Tuy nhiên điều chưa được giải thích là tại sao đối tượng này lại có thể tích khổng lồ như vậy. Thông thường, khi các thiên hà lùn bị mất khối lượng vì Dải Ngân hà “lấy cắp” vật chất, thì đường kính của chúng cũng co ngắn lại”.

Có thể, khi mới hình thành, Ant 2 có kích thước lớn hơn nhiều so với hiện nay và chính vì vậy mà phần còn lại của nó tạo cảm giác khổng lồ.

Một cách giải thích khác về sự gia tăng thể tích thiên hà lùn này là bởi gió Mặt trời và các vụ nổ siêu tân tinh bên trong nó. Các trận gió sao và các vụ nổ siêu tân tinh đẩy khí vật chất đi, làm suy yếu trọng trường và cho phép vật chất tối trôi ra bên ngoài.

“Thậm chí, nếu sự hình thành sao có thể làm biến đổi hình dạng phân bổ vật chất tối trong Ant 2, thì điều đó buộc phải diễn ra với hiệu suất khác thường” - Giáo sư Jason Sanders ở ĐH Cambridge (Anh), đồng tác giả công trình nghiên cứu cho biết như vậy.

Đối với các nhà khoa học, phát hiện này có ý nghĩa đặc biệt. Khối lượng riêng thấp của Ant 2 có thể có nghĩa là cần thiết phải sửa đổi những đặc tính đã biết về vật chất tối. Hiện nay, thuyết được nhiều người ủng hộ nhất nói rằng vật chất tối tập trung nhiều ở khu vực trung tâm các thiên hà.

Tuy nhiên, nếu xét trường hợp thiên hà Ant 2 quá “trống rỗng”, thì cần thay đổi các mô hình phân bổ vật chất tối trong thiên hà của chúng ta.

Theo Nauka

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.