Đình làng - tài sản văn hóa vô giá

GD&TĐ - Hầu như, làng nào cũng có đình. Bất kì người dân nào cũng yêu quý và rất đỗi tự hào về đình làng của mình.

Di tích lịch sử văn hóa Đình Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: INT
Di tích lịch sử văn hóa Đình Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: INT

Đình làng có vị trí quan trọng, là một trong những biểu tượng văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng của làng xã Việt Nam với ba chức năng: Hành chính, tôn giáo và văn hóa. Đình làng hiện diện từ lâu đời (cuối thời Lý - Trần), là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, giải quyết các vấn đề nội tại của làng, nơi thờ Thành hoàng làng - vị thần bảo hộ cho người dân.

Tôi may mắn được nhiều lần tham dự những lễ hội mang bản sắc độc đáo của vùng đất Quảng Bình đầy nắng và gió. Còn nhớ lần đón xe đò ra Cảnh Dương dự lễ cầu ngư vào Rằm tháng Giêng - một lễ hội thờ cúng cá voi riêng biệt, không giống với bất kì lễ hội nào ở các làng biển trên cả nước, theo chân đoàn rước kiệu Thần Hoàng từ Đình thờ Tổ về Linh Ngư Miếu, tôi vừa bỡ ngỡ, xúc động vừa cảm thấy tự hào, yêu quý và gắn bó hơn với quê hương mình.

Cho dù, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, rộng khắp nhưng Cảnh Dương vẫn là làng quê nổi bật với những giá trị văn hóa, lịch sử và truyền thống quý báu.

Đình thờ Tổ còn lưu giữ một số di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc thù của Cảnh Dương như: Quả chuông cổ được đúc từ đời vua Cảnh Thịnh năm 1801, 2 tấm bia đá khắc ghi tên các vị khoa bảng, tục rước/truyền lửa vào đêm Giao thừa, lễ hội đua thuyền, các làn điệu hò ru, chèo cạn…

Tuy nhiên, không phải đình làng nào ở trên dải đất hình chữ S cũng giữ được vẻ đẹp truyền thống và đổi thay theo chiều hướng tiến bộ như ở Cảnh Dương.

Đình làng được xem như một địa chỉ, gạch nối gắn kết con người với lịch sử, văn hóa, nguồn cội, song trước sự phát triển như vũ bão của đời sống, các nhà văn hóa mọc lên khắp nơi, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của con người, đặt ra một thách thức, đó là làm sao bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị đình làng trong cơ chế mới mà vẫn đảm bảo được những đòi hỏi của đời sống?

Vai trò của đình làng

Di tích lịch sử Đình làng Gai (Lục Nam, Bắc Giang). Ảnh: INT

Di tích lịch sử Đình làng Gai (Lục Nam, Bắc Giang). Ảnh: INT

Các hoạt động lễ hội, tín ngưỡng, phong tục tập quán diễn ra ở đình làng luôn là nguồn sức mạnh, động lực để mỗi người dân chống chọi với những xô bồ, nhắc nhở nhau về truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và thỏa mãn ước mong về một cuộc sống tốt đẹp, sung túc, an lành. Ý thức gìn giữ, bảo tồn và tham gia của mỗi người vào các lễ hội chính là sự bù đắp vào những biến dạng, mai một của đình làng, đồng thời thiết tạo mối liên hệ chặt chẽ hơn với di sản của dân tộc. Bởi, đình làng không chỉ là nơi thờ cúng, mà còn là linh hồn của mỗi làng quê, là một tài sản văn hóa, lịch sử thiêng liêng vô giá của người Việt.

Hầu như, làng nào cũng có đình. Bất kì người dân nào cũng yêu quý và rất đỗi tự hào về đình làng của mình. Niềm tự hào, kiêu hãnh này hoàn toàn phù hợp với người phương Đông luôn đặt tình nghĩa lên trên hết, đề cao tinh thần cố kết cộng đồng.

Đình làng do vậy đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người dân, là bằng chứng chứa đựng bao nhiêu kí ức vui buồn, hạnh phúc khổ đau của người dân, là sản phẩm đặc thù phản ánh rõ nét nhất về nguồn gốc, đời sống tâm linh, quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.

Nhiều câu ca dao đã ghi dấu đời sống sinh hoạt, lề thói, tín ngưỡng của người dân như: Hôm qua tát nước đầu đình/ Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen; Qua đình ngả nón trông đình/ Đình bao nhiêu ngói, thương mình bấy nhiêu; Chùa nát còn có Bụt vàng/ Tuy rằng miếu đổ, Thần Hoàng còn thiêng…

Chúng ta còn thấy rất rõ giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đình làng trong nhiều tác phẩm văn học như “Bến không chồng” của Dương Hướng (đình làng Đông), “Mảnh đất lắm người nhiều ma” của Nguyễn Khắc Trường (đình làng Giếng Chùa), “Thời xa vắng” của Lê Lựu (đình làng Hạ Vị), “Mẫu thượng ngàn” của Nguyễn Xuân Khánh (đình làng Cổ Đình), “Người giữ đình làng” của Lương Duy Ngữ (đình làng Phượng)…

Gắn bó với người dân từ sinh hoạt hằng ngày đến đời sống tâm linh, nên việc chọn vị trí, kiến trúc đình rất được người dân coi trọng. Đình làng thường được thiết kế độc đáo, phản chiếu sức sống cũng như bề dày văn hóa, lịch sử của mỗi vùng miền.

Ngay ở miền Trung, nếu có cơ hội trải nghiệm các đình làng như đình làng Quan Chiêm (Thanh Hóa), đình làng Hoàng Sơn (Nghệ An), đình làng Phan Long (Quảng Bình), đình làng Hà Thượng (Quảng Trị), đình làng An Cựu (Huế), đình làng Đại Nam (Đà Nẵng)… chúng ta sẽ thấy mỗi đình làng đều có diện mạo, cảnh quan rất đặc trưng, mang tính bản địa.

Sự khác nhau giữa các đình làng do đó càng làm phong phú thêm đời sống văn hóa vùng miền nói riêng và dấu ấn bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung. Sống trong môi trường nhộn nhịp, nếu có cơ hội tìm về đình làng, chúng ta sẽ có cảm giác như đang trong hành trình tìm về cội nguồn, hưởng thụ những giá trị to lớn như sử học, khoa học, dân tộc học, văn hóa dân gian, kiến trúc…

Và tìm về đình làng cũng là tìm về khoảng không gian, thời gian bình yên, giúp chúng ta như được lùi sâu vào bên trong, tĩnh tâm tĩnh trí, để có thêm năng lượng tích cực, tiếp tục hành trình còn lắm bộn bề phía trước.

Thách thức và giải pháp

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Hiện nay, các khâu quản lý, tổ chức, gìn giữ đình làng luôn bị đe dọa, vấp phải nhiều khó khăn. Người dân không còn mặn mà với đình làng như trước đây, bị cuốn vào đời sống đô thị nhộn nhịp, xô bồ. Lớp trẻ ít được thế hệ trước truyền lại một cách bài bản, thiếu tình yêu văn hóa truyền thống.

Chưa kể, dân cư nhiều thành phần, nhiều nơi đến nên việc sinh hoạt tại đình làng không được tập trung. Thứ nữa, dù đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng, tổ chức hành chính, tín ngưỡng tâm linh, nhưng đình làng cũng không thể nằm ngoài quy luật của lịch sử: Hình thành, phát triển và suy thoái.

Nhiều đình làng cổ đã bị xuống cấp bởi sự đào thải của thời gian, chiến tranh, bởi sự thờ ơ, vô cảm, thiếu tình yêu văn hóa dân tộc của con người như trường hợp: Đình làng Lương Xá 300 tuổi ở thôn Lương Xá (xã Liên Bạt, Ứng Hòa, Hà Nội) là một trong những kiến trúc có giá trị nghệ thuật đã bị bê tông hóa năm 2018; đình Dư Xá Thượng (xã Hòa Nam, Ứng Hòa, Hà Nội) hơn 100 tuổi đã bị trẻ hóa hoàn toàn năm 2021; đình Tây Đằng (thôn Đông, thị trấn Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) khoảng 500 tuổi bị tu sửa ẩu, đánh mất vẻ đẹp truyền thống…

Vậy, làm sao vừa giữ nguyên các giá trị của đình làng vừa thay đổi thế nào để đình làng vẫn luôn đáp ứng nhu cầu và cuộc sống hiện đại của con người? Trước hết, mỗi người dân Việt Nam cần nâng cao nhận thức, giữ gìn và phát huy bản sắc, bề dày văn hóa đình làng, luôn xem đó là trọng trách, là vấn đề cấp thiết/bách.

Hoạt động quản lý, bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích, quy hoạch phải luôn được chú trọng, chứ không phải làm cho có lệ, bức tử, dẫn đến thảm họa. Việc bảo tồn đình làng cần dựa trên cơ sở sự uyển chuyển, giao hòa giữa hai không gian: Không gian văn hóa tinh thần và không gian sinh hoạt cộng đồng.

Hiện nay, một số đình làng đã có sự đổi thay, linh động trong khâu tổ chức lễ hội, bên cạnh những nghi thức, lễ hội truyền thống, còn đưa vào các hoạt động mang tính chất quần chúng nhằm hấp dẫn, thu hút người xem.

Vào dịp Tết đến Xuân về, thường có Lễ rước thần (còn gọi là nghinh thần) ở đình làng. Ngoài các phần lễ cổ truyền, một số đình làng còn đưa vào các hoạt động vui chơi, giải trí, văn nghệ, hòa quyện giữa hai yếu tố truyền thống và hiện đại như tổ chức đua thuyền, chạy việt dã, bóng đá trên bãi biển, đấu võ, hội thi ẩm thực…

Sự uyển chuyển này góp phần rút ngắn mọi khoảng cách, kéo con người gần với con người hơn. Đó là sức mạnh nhân văn, sức mạnh cố kết mà đình làng mang đến cho con người.

Hay việc đưa di tích lịch sử văn hóa đình làng vào hoạt động du lịch cũng là một giải pháp hiệu quả. Thông qua hoạt động kinh doanh du lịch, hoặc kết nối với các đơn vị, ban, ngành trong những dịp tham quan, thực tế, các lễ hội ở đình làng sẽ trở thành những sản phẩm du lịch đặc biệt, độc đáo mà du khách có thể cảm nhận bằng tình yêu và niềm tự hào, tự tôn dân tộc như: Cuộc thi “ông Voi” ở lễ hội đình Trà Cổ, Quảng Ninh; lễ hội bơi chèo Quan Lạn (đình Quan Lạn, Vân Đồn, Quảng Ninh) đậm bản sắc văn hóa vùng biển; những điệu múa xòe then ở đình làng Dọc (Trấn Yên, Yên Bái) mang đặc trưng riêng của đồng bào dân tộc Tày; lễ cầu bông, hát bội ở đình Phú Lễ (Ba Tri, Bến Tre); lễ Đại tự cầu an ở đình làng Hà Thượng (Do Linh, Quảng Trị); lễ Bàu Cốc, lễ Hạ Điền, lễ Đại Kỳ yên (đình làng Lệ Sơn, Tuyên Hóa, Quảng Bình)…

Việc kết hợp văn hóa đình làng với du lịch không chỉ góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, mà còn giúp người dân nâng cao ý thức gìn giữ nếp làng truyền thống và hun đúc, truyền cảm hứng tình yêu đình làng Việt, văn hóa Việt đối với du khách thập phương.

Thời gian có tàn phá, cuộc sống có biến thiên thế nào thì đình làng vẫn mãi là linh hồn, là điểm tựa tâm linh của con người. Nếu không làm được những điều trên, sự tồn tại của đình làng chỉ là cái xác không có sự sống, rồi không sớm thì muộn, đình làng sẽ lụi tàn theo năm tháng.

Kế thừa và phát triển

Lễ hội Đình làng Thọ Tràng xã Lệ Mỹ (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ). Ảnh: INT

Lễ hội Đình làng Thọ Tràng xã Lệ Mỹ (huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ). Ảnh: INT

Nhìn lại, nhiều đình làng vẫn duy trì sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, còn việc hành chính, vui chơi thư giãn cộng đồng thì đa phần chuyển nhượng cho nhà văn hóa.

Vì đình làng là nơi thờ tự, linh thiêng, trang nghiêm nên khó có thể chấp nhận những hoạt động như thể dục thể thao, vui chơi giải trí thuần túy, trong khi nhà văn hóa lại là mô hình đa năng, dung nạp được các hoạt động, phong trào. Cho nên, sự ra đời của nhà văn hóa là tất yếu, phù hợp với xu thế của thời đại.

Nhà văn hóa là công trình hiện đại, nhiều năm qua, nó đã góp phần thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước, đảm bảo, đáp ứng những tiêu chí của lối sống mới như thông tin, phát thanh, truyền hình, báo chí, văn học nghệ thuật, thể thao, vui chơi…

Vừa kế thừa, tiếp nối, phát triển giá trị văn hóa của đình làng, nhà văn hóa vừa là địa điểm duy trì các hoạt động mang tính tâm linh, tín ngưỡng, phong tục tập quán… Theo quy luật phát triển, sự chuyển nhượng công năng giữa đình làng và nhà văn hóa là việc không thể khác.

Sự biến đổi văn hóa truyền thống luôn diễn ra trong sự cạnh tranh giữa cái cũ và cái mới, tích cực và tiêu cực, truyền thống và hiện đại, trong nước và nước ngoài, vì vậy, chúng ta cần nhiều giải pháp thiết thực để bảo tồn và phát huy giá trị đình làng.

Sự va chạm, biến đổi giữa đình làng và nhà văn hóa đặt ra hai cách ứng xử: Ứng xử văn hóa dân tộc và ứng xử đô thị. Hai cách ứng xử này là cơ sở để phát huy nền văn hóa đậm đà bản sắc truyền thống nhưng vẫn đáp ứng quá trình hiện đại hóa và toàn cầu hóa.

Phải chăng, nếu chúng ta hài hòa 2 trong 1, trong đình làng có nhà văn hóa, thì đình làng không những phát huy được giá trị truyền thống, tình cảm cộng đồng, mà còn theo kịp cuộc sống hiện đại? Tất nhiên, để làm được điều này, rất cần sự chung tay, đồng bộ, không chỉ từ phía Đảng, Nhà nước, mà còn từ phía mỗi người dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.