Nguồn gốc ngôi đình làng Việt

GD&TĐ - Làng quê Việt luôn gắn bó với những hình ảnh quen thuộc như cây đa, bến nước, sân đình. Chắc nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi: “Ngôi đình làng có từ thuở nào?”.

Đình Tường Phiêu nằm ở xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội).
Đình Tường Phiêu nằm ở xã Tích Giang, huyện Phúc Thọ (TP Hà Nội).

Ngược dòng lịch sử, ta biết được ngôi đình xa xưa ở nước ta là do dân chúng dựng lên để tránh mưa nắng. Bia chùa Linh Xứng (Hà Trung, Thanh Hóa), có niên đại năm 1126, cho biết gần chùa có ngôi đình để nhân dân trú ngụ. Nhà nước cũng có hệ thống “đình trạm”, để phục vụ các chuyến công cán, hoặc tiếp đón sứ thần phương Bắc kéo dài từ biên giới về đến kinh đô.

Theo các chuyên gia lịch sử, nhà vua cũng có hệ thống đình sang trọng dành riêng cho mình khi dừng chân trên đường kinh lý (đình cũng có nghĩa là dừng): Đó chính là những “hành cung” của triều đình.

Trong cuốn “Việt Nam phong tục”, tác giả Phan Kế Bính viết: “Đình là nơi thờ vọng, và để làm nơi công sở cho dân hội họp. Đình tùy chỗ nào trung độ, tiện cho dân lành hội họp thì thôi. Đình và miếu thường trồng nhiều cây cối cho sầm uất. Nơi nào lắm cổ thụ, tức là nơi thắng cảnh và là đình miếu rất lâu đời”.

Về việc thờ vọng, cho đến triều Nguyễn, triều đại phong kiến gần đây nhất, đình làng vẫn là nơi chức sắc và dân làng lập hương án để làm lễ tang khi có vị quan qua đời, hoặc làm nghi lễ cúng nhân ngày “Hưng quốc khánh niệm”, lễ kỷ niệm vua Gia Long lên ngôi (ngày 2 tháng 5 âm lịch, một dạng “quốc khánh” của triều Nguyễn).

Đình được ghi trong chính sử nước ta đầu tiên ở bộ “Đại Việt sử ký toàn thư”, chép việc năm 1231, Thượng hoàng nhà Trần (Trần Thừa) đã xuống chiếu rằng: “Trong nước phàm chỗ nào có đình trạm đều phải tô tượng Phật để thờ”. Các sử quan chú giải rằng tục nước ta vì nắng mưa nên làm nhiều đình để người đi đường nghỉ chân, trát vách bằng vôi trắng, gọi là đình trạm. Thượng hoàng khi còn hàn vi, thường nghỉ ở đấy, có nhà sư bảo rằng “Người trẻ tuổi này ngày sau phải đại quý”, nói xong không thấy nhà sư đâu nữa. Khi lấy được thiên hạ rồi, mới có mệnh này.

Theo nhà nghiên cứu lịch sử Tạ Chí Đại Trường, trình bày trong cuốn “Thần, người và đất Việt”, thì lệnh dựng tượng Phật để thờ của Thượng hoàng nhà Trần không chỉ thể hiện sự tôn sùng đạo Phật của triều đại này, mà còn tương đồng với sự kiện bài trừ các “dâm thần”, tức thần mang tín ngưỡng phồn thực như ông Cồ, bà Cộc, ông Đùng, bà Đoàng…

Như vậy, có thể từ khi hình thành nhà nước tự chủ (thế kỷ X), song song với việc hình thành hệ thống đình trạm thì nhân dân đã thờ các vị thần theo tín ngưỡng sơ khai. Về sau, thời Trần đưa Phật vào thờ ở đình, rồi đến thời Lê (có thể là từ đời vua Lê Thánh Tông, năm 1496 với sắc lệnh giao cho làng quản lý các đình), hệ thống thần linh bản địa được thờ trong đình (các vị Thành hoàng) mới phát triển.

Theo tác giả Phan Kế Bính trong cuốn “Việt Nam phong tục” thì tục thờ Thần hoàng (hay Thành hoàng) từ thời Tam quốc trở về vẫn đã có, nhưng trước đó, nhà vua có việc gì cầu đảo mới thiết đàn cúng tế mà thôi. Đến đời Đường, mới bắt đầu lập miếu Thần hoàng ở Thành Đô, rồi đến thời Tống, Minh các địa phương mới đua nhau lập miếu thờ. Nước ta thì từ thời Đinh, Lê, việc thờ quỷ thần đã thịnh hành rồi. Thời nước ta bị nhà Đường đô hộ, cũng bắt đầu có việc tôn thần Long Đỗ làm thành hoàng của thành Đại La.

Việc biến đổi từ thờ thần đất, thần sông sang thờ “nhân thần” được Phan Kế Bính miêu tả: “Lúc trước, mỗi phương có danh sơn, đại xuyên, triều đình lập miếu thờ thần sơn xuyên để làm chủ tể cho việc ấm tí một phương mà thôi. Kế sau triều đình tinh biểu những bậc trung thần nghĩa sĩ và những người có công lao với nước, thì cũng lập đền thờ cho dân xã ở gần đâu thờ đấy, từ đó dân gian lần lần bắt chước lẫn nhau, chỗ nào cũng phải thờ một vị để làm chủ tể trong làng mình”.

Tuy nhiên không phải làng nào cũng có anh hùng hào kiệt để thờ làm Thành hoàng. Vậy nên cụ Phan giải thích tiếp: “Làng nào không có thì đi cầu lấy một vị thần linh khác rước về nhà thờ. Hoặc có nơi thì nhân việc mộng mị, hoặc bói khoa, việc tá khẩu, tin là một sự linh dị mà thờ. Hoặc có nơi thì vì một sự ngẫu nhiên, cho là linh thiêng mà xin duệ hiệu để thờ. Té ra làng nào cũng có đền, xã nào cũng có miếu. Đến cả những xã mới lập, trước hết cũng nghĩ ngay đến việc thờ thần. Nên mới có câu rằng: “Đất có Thổ Công, sông có Hà Bá, cảnh thổ nào phải có Thần Hoàng ấy””.

Về quy cách xây cất đình thời xưa, “Việt Nam phong tục” cho biết rõ: “Đình miếu cũng theo một kiểu mẫu, chỉ khác nhau to với nhỏ mà thôi. Đại để đình miếu nào cũng có nội điện là chỗ rất thâm nghiêm, để an phụng thần vị. Ở ngoài thì nhà đại bái, chia làm ba khoảng; khoảng giữa gọi là trung đình, để làm nơi tế tự, và các người có ngôi thứ cao mới được ngồi. Hai bên gọi là tả gian, hữu gian, ở trong có bàn thờ thổ công, hoặc thờ bộ hạ của thần, hoặc thờ hậu thần, ở ngoài thì làm chỗ cho tư văn, hàng giáp ngồi giải lao.

Đình nhiều nơi làm rộng rãi đến năm bảy gian, tám chín gian, cột to tới hai người ôm. Các dân xã lớn, đình miếu nguy nga, cột sơn son vẽ rồng, rui hoành trổ chạm sơn thếp, hoàn biển, cửa võng rực rỡ trang hoàng. Phía ngoài nhà đại bái có hai bàn tả mạc, hữu mạc tục gọi là hai dãy muống, để làm chỗ quan viên áo mũ vào tế và để khi có việc to thì lấy chỗ ngồi. Ngoài cùng có cổng tam quan, làm cách tôn nghiêm rộng rãi, tường hoa cột trụ, xây đắp xung quanh. Hai bên vách tường, nhiều nơi đắp con rồng con cọp, hoặc vẽ hình đôi võ tướng cầm long đao, hoặc vẽ voi, vẽ ngựa, hoặc làm voi đá đứng đôi bên trên đầu trụ thì xây đắp con sấu sành”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.