Định hướng nghề từ thực tế địa phương

GD&TĐ - Tại một ngôi trường ở tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có cách hướng nghiệp rõ nét từ thực tế địa phương, truyền động lực cho học sinh thoát nghèo.

Học sinh trường THPT Vinh Lộc (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) được đi thực tế tại trang trại sản xuất dưa lưới trên địa bàn.
Học sinh trường THPT Vinh Lộc (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) được đi thực tế tại trang trại sản xuất dưa lưới trên địa bàn.

Treo khẩu hiệu ở cổng trường nhắc nhở học sinh phải chăm học

Chúng tôi vượt quãng đường dài gần 50km từ TP Huế về vùng sâu, có mặt tại trường THPT Vinh Lộc (xã Vinh Hưng, huyện Phú Lộc), và trao đổi với thầy Nguyễn Văn Tuấn – Hiệu trưởng nhà trường. Là một vùng đất ở miền quê nghèo, người dân chủ yếu làm nông mưu sinh, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, thầy Tuấn nhận thấy rằng, để đi đến được thành công một cách thuận lợi và suôn sẻ thì việc vươn lên trong cuộc sống là điều rất quan trọng. Vì vậy trường đã đặt bảng khẩu hiệu “Học để thoát nghèo” tại cổng sau – nơi học sinh đi đến trường hằng ngày đều thấy, nhằm giúp các em có thêm nhiều động lực học tập, thoát khỏi cảnh khó khăn hiện tại ở đa số các gia đình địa phương.

Thầy Tuấn cho biết: “Học sinh lớp 10 ngay từ khi bước vào năm học mới đã được định hướng nghề nghiệp để các em có thể hình dung được công việc, và có hướng đi phù hợp sau khi tốt nghiệp. Điển hình như vào năm 2018, trường đã tổ chức cho các em học sinh thuộc đội Hóa – Sinh (học chuyên về môn Hóa học và Sinh học) có chuyến đi trải nghiệm thực tế tại Khu Công nghiệp Phú Bài (thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên – Huế) nhằm giúp cho các em tiếp cận với ngành nghề khác nhau tại nhiều công ty thay vì chỉ biết qua lý thuyết.

Dòng chữ "Học để thoát nghèo" được ghi ở trên cổng trường THPT Vinh Lộc nhằm nhắc nhở các học sinh phải cố gắng học tập để sau này có cuộc sống tốt đẹp.

Dòng chữ "Học để thoát nghèo" được ghi ở trên cổng trường THPT Vinh Lộc nhằm nhắc nhở các học sinh phải cố gắng học tập để sau này có cuộc sống tốt đẹp.

Bên cạnh đó, nhận thức tầm quan trọng môn học Lịch sử và tăng khả năng hứng thú học sinh đối với môn học này, nhà trường đã tổ chức cho các em tham quan trực tiếp tại thành cổ Quảng Trị, địa đạo Vịnh Mốc (huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), từ đó học sinh sẽ làm bài thu hoạch và nêu ý nghĩa của chuyến đi, nắm được tốt hơn kiến thức môn Lịch sử.

Nhận thấy việc học tiếng Anh – môn rất cần thiết cho học sinh còn rất yếu, chỉ một số em nắm được kiến thức cơ bản, còn lại hầu như không nắm được kiến thức, nhằm tăng khả năng học môn này, trường tổ chức học sinh tham quan tại Đại Nội Huế (TP Huế) để giao lưu với du khách nước ngoài. Mỗi nhóm chia từ 5 đến 10 người cùng nhau giao lưu, trao đổi, học hỏi kiến thức và làm theo những yêu cầu mà thầy, cô đã soạn trong đề cương sử dụng bằng tiếng Anh.

Thầy cô giáo hướng dẫn học sinh nhà trường đến các công ty học tập.

Thầy cô giáo hướng dẫn học sinh nhà trường đến các công ty học tập.

Định hướng nghề đa dạng

Không chỉ dừng lại ở đó, trường THPT Vinh Lộc còn có những định hướng nghề nghiệp phong phú và đa dạng như mời các trường Đại học, Cao đẳng có uy tín và có tiềm năng việc làm trong và ngoài tỉnh về tận trường để trực tiếp tư vấn, định hướng cho các em như trường Đại học Phú Xuân (Huế), Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), Đại học Đông Á (Đà Nẵng), trường Cao đẳng Công nghiệp Huế... Việc tư vấn được thực hiện thông qua các buổi chào cờ đầu tuần hoặc có thể dành 1 tiết học cho việc này, từ đó thu hút rất nhiều học sinh tham gia, đặt câu hỏi về nghề nghiệp mà các em có ý định chọn.

Với việc định hướng trong suốt những năm học vừa qua, số học sinh theo nghề nghiệp mà nhà trường định hướng tư vấn đã gặt hái được nhiều thành công. Đa số học sinh tốt nghiệp đậu vào các trường đại học, cao đẳng nghề rất nhiều, trong đó chủ yếu là học tại Đại học Bách khoa (Đà Nẵng). Đây là một tín hiệu tích cực trong việc định hướng nghề nghiệp của trường THPT Vinh Lộc cho các em học sinh.

Một nữ sinh trường THPT Vinh Lộc thích thú khi đi thực tế tại mô hình trang trại trồng dưa lưới ở tại địa phương.

Một nữ sinh trường THPT Vinh Lộc thích thú khi đi thực tế tại mô hình trang trại trồng dưa lưới ở tại địa phương.

Nhiều cựu học sinh nhờ việc định hướng của nhà trường nay có công việc ổn định, thành đạt đã quay về ngay tại chính quê hương làm việc. Có cựu học sinh mở các trang trại, ngành nghề đặc thù để phát triển tại xã Vinh Hưng như hệ thống trang trại dưa lưới lớn nổi tiếng; cơ sở sản xuất mắm cá; hoặc doanh nghiệp phát triển mô hình bán hoa súng trên toàn quốc…

Cựu học sinh từ đó đã ủng hộ, đồng hành cùng nhà trường rất nhiều chương trình. Điển hình như việc trao học bổng khuyến học cho học sinh nghèo vượt khó đã thực hiện được 5 năm, cựu học sinh đã đóng góp vào quỹ học bổng cùng nhà trường trao tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó, có năm số tiền đóng góp lên đến 120 triệu đồng. Công tác xã hội hóa cũng được cựu học sinh hỗ trợ lên đến số tiền 500 triệu đồng. Hay việc trồng cây xanh tại trường nhờ hỗ trợ từ cựu học sinh đã trồng miễn phí hệ thống cây xanh trong khuôn viên trường.

Các em học sinh trường THPT Vinh Lộc thực tế tại Nhà máy nước sạch Quảng Tế tại TP Huế.

Các em học sinh trường THPT Vinh Lộc thực tế tại Nhà máy nước sạch Quảng Tế tại TP Huế.

“Một số em học sinh xác định không theo con đường Đại học, vì vậy nhà trường cũng định hướng cho các em theo học một số ngành nghề có triển vọng, giúp các em có thể kiếm được thu nhập, sớm ổn định kinh tế. Chúng tôi định hướng cho các em học nghề kỹ thuật chủ yếu như điện, điện lạnh, cơ khí, sửa chữa ô tô... bởi vì xã hội ngày nay phát triển, nhu cầu sử dụng thiết bị điện tử, máy lạnh, đi lại bằng ô tô rất lớn, vì vậy học sinh theo học các ngành nghề kỹ thuật này sẽ có cơ hội việc làm nhiều hơn” – thầy Nguyễn Văn Tuấn cho biết thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ