Cô Trần Thị Kim Hoa, Giáo viên Văn Trường THPT Liên Hà (Đông Anh - Hà Nội):
Theo tôi, cách tổ chức thi mới có 1 số ưu điểm nổi bật: Phát huy năng lực toàn diện của thí sinh, thí sinh không bị bó buộc trong các khối thi cố định. Bên cạnh đó, thi theo phương án mới sẽ giảm áp lực tâm lí, tiết kiệm thời gian, công sức và tiền bạc của thí sinh, xã hội.
Vì sau khi có kết quả, thí sinh đăng kí nguyện vọng sẽ hạn chế tối đa tính may rủi trong thi cử; qua đó ta sẽ thấy ngay xu hướng chọn ngành nghề của thí sinh (vào ngành gì, ngành nào "hot", ngành nào có thí sinh đầu vào cao)... Bởi vậy có thể định hướng nghề cho thí sinh tốt hơn.
Tôi và nhiều bạn bè đồng nghiệp rất đồng tình với Dự thảo Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Tuy nhiên, những ưu điểm của phương thức thi mới này cần được phổ biến rộng rãi hơn, sát hơn tới đối tượng thụ hưởng số 1 đó là học sinh.
Các kênh truyền thông lúc này có vai trò quan trọng để nâng cao nhận thức của học sinh và phụ huynh về chọn ngành nghề. Bởi thực tế rất nhiều phụ huynh, thí sinh chỉ cần biết thi đỗ đại học mà không rõ ngành đó như thế nào, học ra để làm công việc gì?...
Việc phân loại các trường đại học theo đầu vào buộc các trường phải tự nâng cao năng lực cạnh tranh, khẳng định vị thế để thu hút người học.
Quá trình thi cử sẽ giúp phân loại chất lượng học sinh. Đào tạo đại học là đào tạo nguồn nhân lực lao động có chất lượng, nếu thí sinh không thể thi được những trường top trên hoặc mức trung bình trở lên thì nên đi học nghề: giảm tình trạng thừa thầy thiếu thợ, giảm thiểu tư tưởng nhất định phải vào đại học.
Hiện cô Kim Hoa và các học sinh chờ hướng dẫn nếu học sinh chỉ muốn thi tốt nghiệp mà không muốn thi đại học thì làm bài thế nào? Có 2 phần riêng cho học sinh chỉ thi tốt nghiệp hoặc thi đại học trong đề thi hay không, hay là hai hình thức này trộn lẫn nhau trong cùng 1 đề?
Cô Nguyễn Thị Thu Hà - Giáo viên Văn Trường THPT Đắkmil (huyện Đăkmil, tỉnh Đăknông):
Theo tôi, đổi mới thi cử là chủ trương đúng đắn của Bộ GD&ĐT, đáp ứng mong mỏi lâu nay của những người quan tâm đến sự nghiệp giáo dục đào tạo. Phương thức thi mới dần thay thế lối thi, tư duy cũ và lạc hậu, đưa học sinh của chúng ta dần tiếp cận với lối thi cử của học sinh nhiều nước có nền giáo dục tiến bộ trên thế giới.
Một chính sách đưa ra không dễ gì thích hợp tuyệt đối với tất cả mọi đối tượng. Chúng tôi rất mong, Bộ GD&ĐT có những biện pháp đủ mạnh để có thể kịp thời ngăn chặn những tiêu cực có thể xảy ra, đồng thời thực hiện tốt nhất chủ trương đổi mới thi cử mang nhiều tiến bộ như Dự thảo Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia đã đề xuất.