Sinh viên và định hướng nghề nghiệp: vấn đề nan giải

Sinh viên và định hướng nghề nghiệp: vấn đề nan giải

(GD&TĐ)-“Sinh viên năm cuối ai chẳng lo lắng suy nghĩ về công việc mình sẽ làm khi ra trường. Bản thân tôi cũng vậy, lo lắng lắm nhưng cũng chẳng biết mình sẽ làm việc gì” – đó là tâm sự của không ít sinh viên năm cuối học lực khá của một số trường xã hội nhân văn. Cũng không ít sinh viên khi được hỏi thì cho rằng, lo thì lo đấy nhưng cũng không giải quyết được gì, trước mắt cứ phấn đấu lấy tấm bằng “đẹp” đã.

Nhiều thí sinh bước chân vào giảng đường ĐH,với định hướng nghề nghiệp không rõ ràng,. Ảnh: gdtd.vn
Nhiều thí sinh bước chân vào giảng đường ĐH,với định hướng nghề nghiệp không rõ ràng,. Ảnh: gdtd.vn

Sinh viên thiếu định hướng nghề nghiệp

Hầu hết các điều tra xã hội học đối với sinh viên về nội dung “Có hay không có định hướng ngành học trước khi bước vào cổng trường ĐH?” đều cho ra kết quả: sinh viên của chúng ta cơ bản định hướng ngành học theo năng lực, nghĩa là lựa chọn ngành học theo điểm học tập gắn với điểm đầu vào. Hay nói cách khác, sinh viên cho rằng, quan trọng trước tiên là phải vào được một trường ĐH để có tấm bằng ĐH.

Theo kết quả một điều tra của Trường  ĐHKHXH-NV (ĐHQGHN), đa số sinh viên đều chưa có một định hướng cụ thể, chắc chắn nào cho nghề nghiệp của mình sau tốt nghiệp. 70% sinh viên được hỏi trong cuộc điều tra này trả lời “đã nghĩ tới công việc rồi nhưng chưa chắc chắn và không có nhiều thông tin về hệ thống nghề với định hướng đó”. Do không biết mình làm công việc cụ thể gì dẫn đến sinh viên cũng chưa biết chuẩn bị kiến thức và kỹ năng như thế nào từ ngành học...

Theo TS.Trịnh Văn Tùng, Giảng viên chính Trường ĐHKHXH-NV (ĐHQGHN), một thực tế hiện nay là sinh viên chưa được hướng nghiệp một cách bài bản mà chỉ hướng đến những ngành học vừa sức để đỗ và lấy được bằng ĐH. Vì vậy, khi ra trường, dù được trang bị một ít kiến thức, sinh viên vẫn khó xác định cho bản thân nên làm nghề gì để thực sự phát huy được hiệu quả. Thế là cả “làm thầy”  và “làm thợ” đều dở dang.

Doanh nghiệp băn khoăn

Trao đổi với phóng viên báo GD&TĐ, ông Nguyễn Ngọc Anh – TT nghiên cứu chính sách phát triển cho biết, 99% sinh viên được nhận vào làm việc tại Trung tâm đều phải qua đào tạo lại. Các em thiếu rất nhiều thứ, từ ngoại ngữ đến các kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp.

 cxcxc
Ông Nguyễn Ngọc Anh – TT nghiên cứu chính sách phát triển: Sinh viên mới ra trường được nhận vào trung tâm hầu hết phải đào tạo tại. Ảnh: gdtd.vn

“Có sinh viên vào facebook, đánh máy tính rất nhanh, lướt mạng, tìm thông tin nhoay nhoáy nhưng khi yêu cầu trình bày một văn bản thì không trình bày được, lập bản tính trên excel không lập được. Có sinh viên theo học ngành thống kê nhưng không biết phân tích số liệu, thậm chí có em tốt nghiệp một trường ĐH khối kinh tế không biết GDP là gì. Ngay đến một sinh viên chúng tôi tuyển dụng, em này rất giỏi, từng đạt nhiều giải thưởng, có nhiều bài viết được đăng trên tạp chí, nói chung kỹ năng cứng không phải phàn nàn gì nhưng kỹ năng trình bày lại luôn có vấn đề” – ông Ngọc Anh chia sẻ.

Một trong những nguyên nhân sinh viên ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu công việc là do các em chưa có định hướng nghề nghiệp rõ ràng. Nếu thực sự có ý thức lựa chọn ngành học phù hợp với sở thích, năng lực, niềm yêu thích, say mê sẽ giúp các em chủ động trang bị những kiến thức cũng như các kỹ năng cần thiết.

Giáo dục ĐH theo định hướng nghề nghiệp

Từ năm 2005, 8 trường ĐH của Việt Nam đã tham gia chương trình giáo dục đại học theo định hướng nghề nghiệp (POHE). Ý tưởng chủ yếu của chương trình này là nâng cao cơ hội có việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, bằng cách xây dựng một chương trình học tập có thể giúp người học phát triển những năng lực có thẻ đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.

Theo đó, các chương trình đào tạo theo chương trình này có nhiều thay đổi quan trọng so với chương trình truyền thống: bỏ đi các môn không quan trọng, thiết kế lại nội dung, thêm vào các môn học và kỹ năng cần thiết; dành nhiều thời gian hơn cho các môn thực hành, thực tập và đi thực tế. Các môn học được thiết kế theo mức độ năng lực và thành tích học tập của sinh viên.

Các trường tham gia vào chương trình này cũng tạo được các quan hệ với thị trường lao động mà đại diện là các công ty, doanh nghiệp, cơ quan,... Trong đó, xây dựng các chương trình, chuyến đi thực tập, thực tế, làm đề án tốt nghiệp mà các nhà tuyển dụng đóng vai trò là người hướng dẫn cũng như phản hồi về kết quả của sinh viên. Các nhà tuyển dụng cũng được mời đến trường như các diễn giả, thỉnh giảng, trao đổi, nói chuyện, giảng bài với mục đích giúp sinh viên có thêm kiến thức thực tế, rèn luyện kỹ năng mềm...

Tuy nhiên, chương trình POHE đến nay mới chỉ thực hiện được ở 8 trường, trong mỗi trường lại chỉ thực hiện được ở 1-2 chuyên ngành. Có thể nói, so với các chương trình đào tạo truyền thống, quy mô của POHE còn quá nhỏ bé. Chính vì quy mô nhỏ nên thực sự chưa tạo ra sự nhận thức và hiểu biết rộng rãi của xã hội, từ đó không thu hút được nhiều học sinh, không tạo ra những thay đổi đáng kể ở các trường theo định hướng đào tạo nghề nghiệp. Thực tế cho thấy, ở hầu hết các trường đã tham gia giai đoạn 1 của chương trình này, POHE vẫn được xem như một “thử nghiệm”, hay một dự án mà chưa thực sự trở thành một định hướng chiến lược lâu dài, cũng như hòa nhập thực sự vào quá trình đào tạo của nhà trường.

Hiếu Nguyễn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ