Định hướng giúp học sinh chọn nghề hợp năng lực đúng thực tế địa phương

GD&TĐ - Để học sinh có hướng đi đúng, chọn được ngành nghề phù hợp với điều kiện gia đình, năng lực... trường học tại Kon Tum luôn chú trọng hướng nghiệp.

Học sinh Trường TH-THCS Lê Lợi tham quan, trải nghiệm dệt thổ cẩm.
Học sinh Trường TH-THCS Lê Lợi tham quan, trải nghiệm dệt thổ cẩm.

Tư vấn nghề nghiệp cho học sinh qua trải nghiệm thực tế

Ngay từ đầu năm học 2022-2023, Trường TH-THCS Lê Lợi (TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) đã xây dựng kế hoạch hoạt động giáo dục hướng nghiệp và triển khai đến tất cả cán bộ, giáo viên nhà trường. Qua đó, thực hiện sinh hoạt hướng nghiệp cho học sinh theo chương trình và tài liệu hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, đồng thời lồng ghép thêm đặc thù của địa phương.

Cô Nguyễn Thị Lương, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giáo dục hướng nghiệp đối với các em lớp 9. Qua đó, góp phần phân luồng và giúp học sinh lựa chọn hướng đi phù hợp với điều kiện của bản thân và yêu cầu đào tạo nhân lực của địa phương, đất nước.

Theo cô Lương, bên cạnh việc lồng ghép tư vấn nghề cho học sinh qua tiết dạy, sinh hoạt lớp nhà trường còn phối hợp với các cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ quan, đơn vị tại địa phương.

“Học kì I, năm học này nhà trường đã lồng ghép tư vấn nghề qua hoạt động trải nghiệm thực tế “Về nguồn”. Đồng thời tổ chức cho học sinh thăm quan thực tế gia đình bà Y Lăn - làm dệt thổ cẩm tại địa phương”, cô Lương chia sẻ.

Tuy nhiên, công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh vẫn còn gặp khó khăn khi một số phụ huynh người dân tộc thiểu số chưa quan tâm đến việc học của con em mình. Do đó, sau khi các em tốt nghiệp THCS hầu hết gia đình không khuyến khích con em học tiếp mà ở nhà phụ giúp, hoặc tới các thành phố để đi làm thuê kiếm tiền. Không những vậy, một số học sinh nhận thức chưa đúng về hướng đi trong tương lai của mình. Bên cạnh đó, trình độ dân trí của một số gia đình người DTTS chưa cao nên còn giao phó việc học của con em cho nhà trường.

Trong học kì II, Trường TH-THCS Lê Lợi tiếp tục giáo dục hướng nghiệp đối với học sinh các khối. Tuy nhiên, đặc biệt quan tâm phân luồng và định hướng nghề cho các em lớp 9. Ngoài ra, tư vấn, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết của phụ huynh, học sinh cuối cấp.

“Nhà trường mong rằng địa phương có thêm nhiều cơ sở đào tạo nghề miễn phí nhằm tạo điều kiện cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục được học tập”, cô Lương bộc bạch.

Tỷ lệ học sinh học nghề thấp

Học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ tham gia tiết tư vấn hướng nghiệp.
Học sinh Trường THCS Nguyễn Huệ tham gia tiết tư vấn hướng nghiệp.

Phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum cho hay, năm 2022, có 10/19 đơn vị trường học với 26 lớp tham gia học Nghề phổ thông. Cụ thể, gồm 6 nghề: Thêu tay, cắt may, nấu ăn, điện dân dụng, Tin học văn phòng, làm vườn do Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Kon Tum tổ chức.

Cũng nhằm nâng cao chất lượng hướng nghề hướng nghiệp cho học sinh, 19/19 trường học phối hợp với Trường Cao đẳng Cộng đồng Kon Tum tư vấn tuyển sinh. Bên cạnh đó các đơn vị cử cán bộ quản lý, giáo viên làm công tác giáo dục nghề nghiệp, tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ. Đồng thời phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn. Qua đó gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động nhằm thu hút học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT học nghề các trình độ phù hợp. Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh việc tư vấn, giới thiệu việc làm và tham gia xuất khẩu lao động. Đặc biệt hợp tác, gắn kết với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong đào tạo và giải quyết việc làm cho học sinh sau tốt nghiệp.

Qua thống kê của Phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum, năm học 2021-2022 có 2217/2221 học sinh được công nhận tốt nghiệp trung học cơ sở chiếm tỷ lệ 99,81%. Trong đó học sinh sau tốt nghiệp THCS vào học nghề năm 2022 là 606/2215 đạt tỷ lệ 27%, tăng 9,41% so với năm 2021.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Văn Phụ - Phó trưởng Phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum, tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng còn thấp. Bởi công tác tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS chưa được nhận thức đúng. Đặc biệt học sinh và phụ huynh vẫn còn nặng về tư tưởng bằng cấp.

Nhằm giúp học sinh khó khăn, dân tộc thiểu số tham gia học nghề để lập thân, lập nghiệp và góp phần xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội địa phương, UBND thành phố Kon Tum đã chỉ đạo UBND các xã, phường có giải pháp hỗ trợ cho các em.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ