Đẩy mạnh hướng nghiệp giúp học sinh chọn đúng ngành, đúng nghề

GD&TĐ - Công tác hướng nghiệp ở các trường phổ thông góp phần giúp học sinh định hướng đúng đắn và đưa ra quyết định chọn ngành, chọn nghề phù hợp.

Học sinh Trường THCS Vĩnh Lộc A trải nghiệm tại Trường Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic-TPHCM.
Học sinh Trường THCS Vĩnh Lộc A trải nghiệm tại Trường Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic-TPHCM.

Tăng cường hoạt động trải nghiệm

Năm học 2022-2023, Sở GD&ĐT TPHCM đã có văn bản hướng dẫn các trường THCS, THPT xây dựng kế hoạch giáo dục ngoài giờ lên lớp, hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp cho học sinh.

Trong đó, đối với bậc THCS, Sở GD&ĐT TPHCM yêu cầu nhà trường tổ chức cho học sinh trải nghiệm, thực hành, tìm hiểu thực tế các nhóm ngành nghề tại doanh nghiệp, cơ quan, xí nghiệp ít nhất 1 lần/năm học, đảm bảo phù hợp với điều kiện nhà trường.

Như vậy với các chương trình trải nghiệm, ngoài những thông tin chung, học sinh sẽ có cơ hội tiếp cận với ngành nghề, giúp các em nhận diện, biết được mình có thực sự phù hợp với ngành học hay không.

Ngày 30/10/2022 vừa qua, Trường THCS Vĩnh Lộc A (huyện Bình Chánh, TPHCM) phối hợp cùng Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic-TPHCM tổ chức định hướng nghề nghiệp cho gần 500 học sinh trong trường.

Mục đích chương trình là để học sinh có thêm cái nhìn tổng quan về các ngành nghề đang được quan tâm ở thời điểm hiện tại. Các đơn vị đã đưa các em đến trải nghiệm thực tế tại Phổ thông Cao đẳng-FPT Polytechnic và tham gia vào các lớp học chuyên ngành, kỹ năng mềm.

Cụ thể, học sinh Trường THCS Vĩnh Lộc A đã tham gia thực hành tại lớp học digital marketing, quản trị khách sạn, thiết kế đồ hoạ, phát triển phần mềm, kỹ năng và hướng nghiệp. Ở lớp digital marketing, học sinh được học sử dụng phần mềm Vmix, sân khấu ảo, sử dụng đèn chiếu sáng… những công việc thực tế khi các bạn đi làm. Bên cạnh đó, học sinh cũng đã được sáng tạo những kiểu chữ đẹp mắt typography tại lớp học thiết kế đồ họa, học các nội dung quản trị khách sạn cũng như phát triển phần mềm.

Với sự chia sẻ, hướng dẫn tận tình của các thầy cô, học sinh sẽ nhận thức được điểm yếu, điểm mạnh, sở trường của bản thân và biết thêm thông tin về các ngành học, cơ hội việc làm sau này. Sau khi tham gia chương trình, học sinh đã được tiếp thu rất nhiều thông tin bổ ích và bước đầu định hướng được nghề nghiệp tương lai,...

Cũng trong khuôn khổ chương trình, ThS tâm lý Cao Thuỳ Trang (Giảng viên kỹ năng mềm Trường Cao đẳng FPT Polytechnic) đã chia sẻ và hỗ trợ giải đáp những nỗi lo, băn khoăn ở lứa tuổi học sinh. Ngoài ra, chương trình còn có sự góp mặt của các giảng viên chuyên ngành với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TPHCM. Qua chương trình, học sinh được trang bị kiến thức về các ngành nghề và có thêm góc nhìn mới để định hướng con đường tương lai tốt hơn.

Em Trần Thạch Văn Lâm, lớp 9, Trường THCS Vĩnh Lộc A chia sẻ: “Qua công tác tư vấn hướng nghiệp và được trải nghiệm thực tế, em biết thêm được rất nhiều ngành nghề, cơ hội việc làm sau này, để từ đó có hướng đi phù hợp trong tương lai”.

Đa dạng hình thức hướng nghiệp

Theo chia sẻ của hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn TPHCM, việc hướng nghiệp cho học sinh được các đơn vị thực hiện từ đầu cấp học. Các trường đều xác định hướng nghiệp là một quá trình, không phải đến lớp 12 mới làm.

Học sinh Trường THCS Vĩnh Lộc A tham gia lớp học marketing tại Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic-TPHCM.
Học sinh Trường THCS Vĩnh Lộc A tham gia lớp học marketing tại Phổ thông Cao đẳng FPT Polytechnic-TPHCM.

Việc định hướng nghiệp giúp học sinh có lộ trình học tập đúng đắn và tự tin vào lựa chọn của mình, cũng như có lợi thế cạnh tranh hơn trên thị trường nghề nghiệp. Qua đó, các em sẽ hạn chế được rủi ro làm trái ngành, thất nghiệp khi theo đuổi những ngành không phù hợp. Đồng thời, khi được lựa chọn theo đuổi ngành nghề mà mình yêu thích, các em sẽ chủ động nghiên cứu, tìm hiểu về lĩnh vực mình quan tâm.

Theo thầy Huỳnh Bảo Quốc, Hiệu Trưởng THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ, TPHCM), trong hoạt động hướng nghiệp cho học sinh, ngoài các hoạt động tư vấn trực tiếp, đơn vị này còn sử dụng trang fanpage của trường để đăng tải các thông tin về hướng nghiệp. Ngoài ra, các giáo viên chủ nhiệm cũng như thầy cô giáo trong trường sẽ là những người phụ trách tư vấn cũng như kịp thời gỡ rối băn khoăn về ngành nghề cho học sinh bằng hình thức trực tuyến.

“Thực tế trên không gian mạng, giáo viên có thể dễ dàng tiếp cận với từng học sinh qua zalo, facebook, email, tin nhắn... Tuy nhiên, để các em cởi mở, chia sẻ, tâm tình, giáo viên trong trường phải luôn thân thiện và phải tạo được niềm tin trong học sinh. Chính sự gần gũi đó sẽ phát huy tối đa hiệu của việc hướng nghiệp trực tuyến”, thầy Quốc nói.

Còn theo chia sẻ của thầy Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM), trong chương trình GDPT 2018, hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp là bắt buộc. Vì vậy, muốn tư vấn hướng nghiệp thì giáo viên phải nắm thật kỹ và chắc các phương thức xét tuyển của từng trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Đồng thời phải tìm các tư liệu về ngành học, chỉ tiêu xét tuyển, lợi ích của ngành học, đầu vào đầu ra, cơ hội việc làm…

“Trong công tác hướng nghiệp cho học sinh, nhà trường sẽ tận dụng lợi thế từ phụ huynh học sinh là bác sĩ, kỹ sư, doanh nhân... đến chia sẻ với học trò thực tế việc làm và thu nhập. Ngoài ra, nhà trường lên kế hoạch mời các gương vượt khó học tập để chia sẻ kinh nghiệm học và chọn trường, giao lưu với người thành đạt gieo ước mơ, mời các trường đại học chia sẻ các thông tin tuyển sinh đúng chức năng.

Bên cạnh đó, đoàn trường tổ chức hội chợ khởi nghiệp để học sinh trải nghiệm. Còn các tổ chuyên môn tổ chức các sự kiện hội chợ STEM, thi sáng tác kịch bản văn học, ca khúc tiếng Anh, giải toán nhanh, dự án lớp học xanh... để khơi dậy lòng đam mê nghề nghiệp cho học sinh”, thầy Phú nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.

Kho tàng đơn xin việc mẫu chuyên nghiệpTìm hiểu genz là gì