Thảm họa trầm cảm “kép” ở phụ huynh học sinh

GD&TĐ - Tỷ lệ mắc chứng tự kỷ tại Anh được ghi nhận tăng 787% trong 20 năm. Đối với nhiều phụ huynh, thông báo trẻ mắc tự kỷ như một “đòn giáng” vào họ.

Người mẫu Christine và chồng - Paddy McGuinness.
Người mẫu Christine và chồng - Paddy McGuinness.

Thậm chí, không ít cha mẹ tại Anh bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề sau khi con họ được chẩn đoán tự kỷ.

Chứng tự kỷ trở nên “rõ ràng”

Khi cậu con trai 10 tuổi của anh John Purnell được chẩn đoán mắc tự kỷ, nam phụ huynh này biết chính xác cách ứng phó. “Tôi luôn bị cuốn hút bởi nghiên cứu, từng chi tiết, bằng cách tìm hiểu mọi thứ để biết thêm về điều gì đó. Vì vậy, tôi đã thực hiện một cuộc nghiên cứu sâu”, anh cho biết.

Khi John Purnell nghiền ngẫm các bài báo học thuật và nghiên cứu sâu hơn về khoa học, bao gồm số người tự kỷ có thiên hướng và ham muốn tìm hiểu, một nhận thức bất ngờ len lỏi trong tâm trí anh.

“Tôi đã đọc về đặc điểm của người tự kỷ, những khó khăn mà họ thường gặp trong các tình huống xã hội... Đột nhiên tôi nghĩ, người mà các nghiên cứu mô tả không chỉ là con trai tôi - mà chính là tôi”.

Song, anh Purnell không đơn độc khi phát hiện mình mắc chứng tự kỷ sau khi con được chẩn đoán. Bộ phim tài liệu gần đây của kênh BBC One – “Our Family and Autism”, đã cho thấy điều tương tự. Người mẫu Christine McGuinness - bà mẹ 3 con và chồng - người dẫn chương trình truyền hình Paddy, đều mắc chứng tự kỷ.

Trong những năm gần đây, số người được chẩn đoán tự kỷ đã tăng vọt. Một nghiên cứu về xu hướng chẩn đoán được công bố vào tháng 8 cho thấy, độ tuổi trung bình mắc bệnh là 10 đối với nam và 13 đối với nữ. Ngoài ra, tỷ lệ mắc bệnh được ghi nhận đã tăng 787% theo cấp số nhân, trong 20 năm tính đến năm 2018.

Một kết quả bất ngờ là nhiều phụ huynh phát hiện, họ cũng mắc chứng tự kỷ. Giáo sư nghiên cứu về tự kỷ - ông Simon Baron-Cohen của Trường Đại học Cambridge (Anh) cho biết, không có số liệu chính xác về tình trạng này.

Tuy nhiên, đó là một hiện tượng. Theo chuyên gia này, không phải là đột nhiên có nhiều người tự kỷ hơn. Thực tế, các con số cho thấy, chẩn đoán trong quá khứ không chính xác và y học đang dần phát triển.

Ông Baron-Cohen chia sẻ, thông thường, những người lớn mắc chứng tự kỷ không nhất thiết phải được chẩn đoán chính thức. “Câu hỏi quan trọng là: các đặc điểm tự kỷ có cản trở khả năng hoạt động của bạn không?”, chuyên gia này nói.

Ông đồng thời bày tỏ sự hoan nghênh trước những con số chính xác hơn. Song, chuyên gia này không mong muốn những con số đó sẽ làm loãng sự hiểu biết về ý nghĩa của chứng tự kỷ.

Thời điểm học sinh dễ mắc tự kỷ

Anh Kevin Chapman và con riêng cùng mắc chứng tự kỷ.

 Anh Kevin Chapman và con riêng cùng mắc chứng tự kỷ.

Giáo sư Baron-Cohen cho biết, có nhiều cách để cải thiện cuộc sống của những người trưởng thành mắc chứng tự kỷ. Rất nhiều người tự kỷ cảm thấy khó khăn trong môi trường ồn ào và họ gặp khó khăn về cảm giác. Họ cần một môi trường bình tĩnh hơn và nhận được chẩn đoán là một cách hay để nói với nhà tuyển dụng: “Tôi cần điều chỉnh hợp lý môi trường làm việc của mình”.
Tuy nhiên, đối với một số phụ huynh, sự kỳ thị khi bị gắn mác tự kỷ là thứ ám ảnh họ. Nhiệm vụ của cộng đồng là giảm sự kỳ thị này. Bởi, thực tế, việc tăng cường chẩn đoán tự kỷ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, thay vì chỉ bệnh nhân.

Anh Purnell - Giám đốc điều hành của một doanh nghiệp, hiện thích ứng tốt với chứng tự kỷ - ít nhất là ở cấp độ nào đó.

“Hiện tại, tôi hiểu chứng tự kỷ của mình. Tôi có thể thấy nó hữu ích như thế nào trong cuộc sống và công việc của tôi”, nam phụ huynh bày tỏ.

Trong một lá thư gửi cho các đồng nghiệp sau khi được chẩn đoán tự kỷ, anh Purnell viết: “Trong số rất nhiều lợi ích mà tôi nhận thấy khi mắc tự kỷ, có thể kể đến khả năng tổ chức và làm được rất nhiều việc. Tôi cũng rất chú ý đến chi tiết. Đồng thời, có thể xem xét rất nhiều thông tin một cách nhanh chóng. Từ đó, giúp tôi đưa ra quyết định đúng đắn”.

Đặc biệt, chứng tự kỷ cũng giúp “giải mã” về việc anh Purnell không bận tâm người khác nghĩ gì. “Đã có lúc tôi nói với những đồng nghiệp rằng: Tôi thực sự không quan tâm đến những gì mọi người nghĩ về mình. Họ đã nói: Thật không? Bạn thực sự không quan tâm?”, phụ huynh này chia sẻ.

Đối với anh Purnell, giao tiếp xã hội từng là việc vô cùng căng thẳng. Trong thời niên thiếu, anh gặp không ít khó khăn khi phải chiến đấu với chứng trầm cảm, lo lắng và tức giận. Đó cũng là những yếu tố liên quan đến tình trạng hiện tại của anh.

Trong khi đó, bộ phim tài liệu về gia đình McGuinness đã ghi lại khoảnh khắc Christine rơi nước mắt sau khi được chẩn đoán tự kỷ. Nữ người mẫu chia sẻ, cô cảm thấy nhẹ nhõm khi nhận ra không chỉ bản thân gặp khó khăn. Theo anh Purnell, giống như rất nhiều người tự kỷ, điều khó nhất là cố gắng hòa nhập với các chuẩn mực xã hội.

Chia sẻ về vấn đề này, giáo sư Baron-Cohen tin rằng, điều quan trọng là thế giới cần phải làm quen với chứng tự kỷ, chứ không phải những người tự kỷ cần làm quen với thế giới. Lý do hiện nay trẻ em có xu hướng được chẩn đoán tự kỷ là do nhận thức của cha mẹ và giáo viên được nâng cao.

Đồng thời, lý do khiến chứng tự kỷ có khả năng được chẩn đoán ở tuổi 10 và 13 là bởi, nó thường trùng với thời điểm trẻ chuyển từ cấp tiểu học sang trung học. Giáo sư Baron-Cohen cho biết: “Việc phải điều hướng trong một bối cảnh xã hội phức tạp và lớn hơn nhiều thường khiến chứng tự kỷ trở nên rõ ràng hơn”.

Hình mẫu của các con

Kiri-Lynn Gardner nhận thấy lợi ích khi tự kỷ, đặc biệt trong việc hỗ trợ con.

 Kiri-Lynn Gardner nhận thấy lợi ích khi tự kỷ, đặc biệt trong việc hỗ trợ con.

Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, chứng tự kỷ cũng thường ảnh hưởng đến phụ nữ. Minh chứng là nhiều phụ nữ được chẩn đoán mắc chứng rối loạn ăn uống vì họ kén ăn. Song, thực tế, đó không phải rối loạn ăn uống mà là chứng tự kỷ.

“Thích một loạt loại thực phẩm rất cụ thể, thường nhạt nhẽo, là một đặc điểm khác của chứng tự kỷ”, người mẫu Christine McGuinness mô tả trong bộ phim tài liệu.

Kiri-Lynn Gardner (40 tuổi) cũng được chẩn đoán tự kỷ khi con cô mắc chứng bệnh này. Finn (17 tuổi) - con trai của cô - được chẩn đoán tự kỷ khi lên 5. Nữ phụ huynh này nhận thấy những điểm tương đồng giữa trải nghiệm của chính mình và con trai. Do đó, cô đã thực hiện một bài kiểm tra.

“Con trai tôi mắc chứng tự kỷ. Finn thích sắp xếp mọi thứ và có tính tổ chức cao. Tôi có sự tương đồng lớn với hành vi của con trai”, nữ phụ huynh chia sẻ. Mặc dù việc được chẩn đoán mắc tự kỷ vào năm 2016 vẫn còn là một cú sốc, nhưng, Gardner nhanh chóng nhận ra những lợi ích từ căn bệnh này. “Chuyên gia đã hiểu tôi theo cách mà tôi chưa từng được hiểu trước đây”, cô Gardner bày tỏ.

Một yếu tố thay đổi “cuộc chơi” đối với người trưởng thành mắc chứng tự kỷ là Đạo luật Tự kỷ 2009. Đạo luật này cho phép mọi người có quyền được chẩn đoán, bất kể tuổi tác.

Ông Tim Nicholls - người đứng đầu chính sách của Hiệp hội Tự kỷ Quốc gia cho biết: “Hiện, chính quyền địa phương yêu cầu cung cấp một lộ trình chẩn đoán cho người lớn. Tuy nhiên, nhiều người, ở mọi lứa tuổi, chờ đợi lâu hơn thời gian họ cần để được đánh giá.

Điều này đã được nhận thấy trước đại dịch và chắc chắn là tồi tệ hơn ở hiện tại”. Theo giáo sư Baron-Cohen, có 2/3 số người trưởng thành đến khám từng có ý định tự tử và 1/3 đã cố gắng tự sát.

Đối với Gardner, chẩn đoán tự kỷ mang lại buồn vui lẫn lộn. Một mặt, cô hài lòng vì kinh nghiệm của mình có thể hữu ích cho con trai - Finn. Mặt khác, Gardner thương tiếc thời thơ ấu và tuổi thanh xuân đã trôi qua. “Thật đáng thất vọng khi tôi không có sự giúp đỡ cần thiết. Đặc biệt, hiện tại, tôi biết rằng, những điều nhỏ có thể tạo nên sự khác biệt rất lớn”, cô Gardner nói.

Christine McGuinness cũng cảm thấy mình là một hình mẫu tích cực của các con. Nữ người mẫu đang nỗ lực chứng minh rằng, những người tự kỷ có thể có một công việc hoặc sự nghiệp và một mối quan hệ. Bởi, theo giáo sư Baron-Cohen, 85% người trưởng thành tự kỷ không có việc làm.

Trong khi đó, con trai của Purnell, người không muốn nêu tên, chia sẻ, kinh nghiệm của cha cậu đã mang lại lợi ích lớn. “Chẩn đoán và nghiên cứu cá nhân đã giúp cha tôi. Đồng thời, giúp tôi hiểu rõ hơn về chứng tự kỷ và sức khỏe tâm thần”, nam sinh này cho biết.

Giáo sư Baron-Cohen nhận định, việc gia tăng chẩn đoán tự kỷ ở các phụ huynh có liên quan đến di truyền. Tuy nhiên, không phải trẻ nào cũng mắc tự kỷ do di truyền.

Anh Kevin Chapman (39 tuổi) ở Northampton phát hiện, con trai riêng của vợ mắc chứng tự kỷ vào năm 8 tuổi. Điều đó đã thôi thúc anh Chapman thực hiện bài kiểm tra trực tuyến. Kết quả cho thấy, anh nằm trong phạm vi mắc chứng tự kỷ.

“Tôi vẫn chưa hoàn thành quy trình chính thức, nhưng rất nhiều thứ đã xảy ra đối với tôi. Tôi luôn cảm thấy khó kết bạn và luôn nghĩ mình là người ngoài cuộc. Tôi có xu hướng quan tâm một cách ám ảnh đến mọi thứ”, nam phụ huynh chia sẻ.

Theo The Guardian

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Hủ tục nên bỏ

GD&TĐ - Lễ hội đâm trâu của người Ca Dong là một tập tục có từ ngàn xưa của những bộ tộc tựa lưng vào dãy Trường Sơn...