Nấm candian là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, khiến trẻ biếng ăn, bỏ ăn vì đau miệng, lâu dài bị rát họng, viêm phổi, viêm phế quản... Khi bị nấm, niêm mạc má và lưỡi của trẻ xuất hiện những mảng trắng như sữa, bám dính chặt khó bóc tách.
Theo bác sĩ Đào Thị Mai, nghiên cứu sinh khoa Y trường Đại học tổng hợp Saint-Petersburg, trẻ ở mỗi độ tuổi có mức độ nhiễm nấm và cách điều trị khác nhau:
Trẻ sơ sinh
Trẻ lây nhiễm nấm từ mẹ trong quá trình sinh nở hoặc khi bú sữa mẹ. Để chữa trị, dùng nước lá rau ngót hoặc nước muối để rửa và tưa miệng cho trẻ 3 lần một tuần. Cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn. Mẹ cần vệ sinh cẩn thận khi cho trẻ bú.
Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên
Nguyên nhân bệnh chủ yếu ở tuổi này là do lạm thuốc kháng sinh. Nếu cơ địa của trẻ yếu, nấm sẽ phát triển và lan trắng vùng miệng khiến bệnh nặng hơn.
Cần vệ sinh đồ ăn dặm, không mớm đồ ăn, không ăn thức ăn quá nóng và phải chế biến sạch sẽ. Dùng dung dịch nước muối sinh lý 0,9% để súc miệng cho trẻ. Cho trẻ uống nhiều nước để vệ sinh miệng sau khi ăn.
Do sức đề kháng của trẻ chưa hoàn thiện nên khi điều trị không nên tưa hết nấm trong một lần và bóc mạnh nấm trên lưỡi trẻ. Bệnh nặng thì phải gặp bác sĩ để dùng thuốc kháng nấm, cả thuốc bôi và thuốc uống để điều trị.
Phòng ngừa
- Vệ sinh sạch sẽ khoang miệng, lưỡi của trẻ đúng cách và thường xuyên.
- Không cho trẻ ngậm ti giả quá lâu, không bú sữa mẹ quá 20 phút, không ngậm ti mẹ khi đi ngủ.
- Hạn chế trẻ ăn vặt, bánh kẹo, uống nước ngọt vào buổi tối để tránh tạo môi trường cho nấm sinh sôi.
- Khi trẻ bị nấm, cần tuân thủ uống thuốc bác sĩ kê toa và không tự ý dùng thuốc kháng nấm cho trẻ.