Trẻ lên 3 có "biệt tài" khóc lóc, la hét, ăn vạ. Ảnh minh họa internet. |
Bác sĩ Huyên Thảo (Phòng khám Nhi khoa Bé khỏe Bé vui, TP.HCM) cho biết, nếu đứa trẻ ở độ tuổi này không lăng xăng mà cứ một dạ hai thưa, vâng lời răm rắp, đặt đâu ngồi đó, kêu dạ thì dạ, kêu há miệng ăn thì ăn mới là điều đáng lo ngại. Tuy nhiên, vẫn có cách để “đối phó” với trẻ ở tuổi lên 3 để trẻ hợp tác hơn:
1- Làm bạn với trẻ, đừng ráng “làm vua làm chúa”, làm kẻ bề trên, vì càng muốn quản lý, trẻ càng làm tới bến, thiệt chúng ta thôi. Nên từ từ giải thích cho trẻ tình huống và lý do của những sự kiện xảy ra là được.
2- Cho trẻ chọn lựa, những thứ nhỏ nhặt thôi, như là con muốn ăn bát màu gì, muỗng màu gì… trong mấy màu sau… Con ăn cơm với trứng hay thịt, con ăn rau bắp cải hay xu hào (thực phẩm có sẵn trong bữa ăn đó)… để trẻ thấy thỏa mãn, thấy mình quan trọng, thấy được chú ý, lắng nghe, nên vui vẻ hơn, hợp tác hơn, tự giác hơn.
3- Nịnh trẻ một chút! Cái này dễ mà khó, vì có nhiều người lớn không chịu nịnh, nghĩ nịnh là hạ thấp mình, con nó “khinh thường” mình... Thật ra, nịnh là cách mình lùi một bước, tiến hai ba bước.
Trẻ làm gì tốt, làm gì ba mẹ muốn, thì vỗ tay khen thật nhiều vào, cật lực vào, khiến trẻ vui sướng, tự hào, tự tin, có động lực làm thêm tiếp. Chỉ đừng quá trớn, hứa hẹn mua quà, mua đồ chơi quá nhiều thì tự dưng mấy bạn chảnh lên, thực tế ra, làm chỉ vì quà thì hỏng.
"Điều trị" cơn ăn vạ của trẻ lên 3, đòi hỏi sự cảm thông vô bờ bến của cha mẹ. Ảnh minh họa internet. |
4- Phải có khả năng “chơi bẩn” không biết ngượng, để đối chọi với sự “chơi bẩn” của trẻ lên 3, nhất là trong phần ăn vạ. Trẻ ăn vạ thường rất khôn, khôn đến mức biết chơi chiêu, làm ba mẹ mất mặt, ngượng quá, xót quá, phải làm theo bạn ấy.
Vì vậy, ba mẹ muốn chấm hết mấy vụ ăn vạ này, thì phải chứng tỏ mình trên cơ hẳn, không leo lên đầu ba mẹ được đâu con. Khóc thì mặc khóc, không dỗ dành, cứ khóc cho đến khi nhận ra mình không “chơi” được nữa, không đạt mục đích thì sẽ tự ngưng.
Ba mẹ nào “level” tốt, thì khi trẻ ăn vạ khóc, thì cứ ngoác mồm khóc la lớn hơn trẻ nhé. Nằm lăn quay gào thét, thì ba mẹ có thể nằm vạ ra, lăn quay dữ dội hơn, trẻ sẽ tự thấy quê độ, tự ngưng, vì biết chơi không lại. Sau mấy lần trẻ sẽ biết ai là người chiến thắng, lúc đó ba mẹ dễ xử lý hơn, cũng dễ nhanh chóng hợp tác hơn.
5- Đặt ra những giới hạn rõ ràng, nhất quán, để trẻ biết không được vượt qua. Ví dụ như, phải đánh răng mỗi ngày, phải đi tắm mỗi ngày, phải nắm tay người lớn khi đi qua đường, không được chạy ở cầu thang…
Những cái này, dù thích hay không thích, trẻ cũng phải biết tự làm theo nếu không muốn bị phạt. Nhất quán là điều quan trọng, không thể vì xót, mà ngày này thì làm dữ, ngày kia lại nương nhẹ, bỏ qua, hoặc ba thì bỏ qua, mẹ thì nghiêm khắc. Trẻ khi biết có đường lách luật, thì làm sao tuân thủ luật nghiêm đây?
6- Một điều cuối cùng, là lòng cảm thông vô bờ bến. Những cô, cậu này, mệt quá cũng khóc, đói quá cũng bực, buồn ngủ quá cũng gắt, không làm được gì là có thể bực mình, thất vọng đến đứt luôn khả năng kiểm soát nước mắt và cái miệng, kể cả hành vi.
Vì vậy, khi trẻ khóc lóc, quấy nhiễu, ba mẹ chỉ cần kìm chế đừng bực bội, cáu giận, hãy ôm trẻ vào lòng, vuốt ve, thông cảm. Nói tội nghiệp con, chắc con mệt quá phải không, chắc buồn ngủ quá phải không, chắc thất vọng lắm phải không... Sự cảm thông, dù có vẻ thừa thãi, bao giờ cũng là vô giá!