Điệu Soọng Cô tìm người “nối dõi”

GD&TĐ - Soọng Cô mang trong mình cái hồn, cốt của người Sán Dìu. Cả một thế hệ đã nỗ lực hồi sinh làn điệu ấy. Nhưng để tìm được người tiếp mạch, “giữ hồn” truyền thống ấy muôn phần khó khăn.

Một buổi sinh hoạt của CLB Soọng Cô Thanh Trà (xã Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên).
Một buổi sinh hoạt của CLB Soọng Cô Thanh Trà (xã Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên).

Những người “hồi sinh” làn điệu Soọng Cô

Soọng Cô đối với đồng bào dân tộc Sán Dìu từ lâu đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Những câu hát sinh ra ngay từ cánh đồng, ruộng lúa, từ trai gái làng bên, xóm dưới ngân nga đối đáp trao duyên... nên mộc mạc, dân dã, thể hiện bản chất bình dị, chất phác và hồn nhiên của người nông dân.

Theo tiếng Sán Dìu, Soọng Cô có nghĩa là ca hát đối đáp. Lời Soọng Cô được viết dưới thể thất ngôn tứ tuyệt, trước đây được ghi chép bằng chữ Hán và lưu truyền trong dân gian.

Hát Soọng Cô là nét đẹp sinh hoạt văn hóa cộng đồng có ý nghĩa, mang lại niềm vui và niềm hăng say trong lao động sản xuất, tạo nên tình cảm gắn bó giữa người với người.

Tại Thái Nguyên, hát Soọng Cô đã và đang được đồng bào Sán Dìu nỗ lực “hồi sinh”, gìn giữ và phát huy. Rất nhiều CLB hát Soọng Cô được thành lập như: CLB Soọng Cô Thanh Trà (xã Sơn Cẩm, TP Thái Nguyên), CLB Soọng Cô Tam Thái (xã Hoá Thượng, huyện Đồng Hỷ)...

“Bà con khi ấy hào hứng lắm, cứ hễ ngày nào mùa vụ nông nhàn là lại tập trung ở nhà văn hóa, truyền nhau quyển sổ ghi chép bài hát và cùng nhau học hát”, nghệ nhân Đặng Thanh Bình, Chủ nhiệm CLB Soọng Cô Thanh Trà nhớ về những ngày đầu tiên thành lập CLB.

Được thành lập từ năm 2013, CLB Soọng Cô Thanh Trà có nhiều hoạt động tích cực trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Tuy thành viên trong CLB chủ yếu là nông dân, thời gian không cố định nhưng mọi người đều sôi nổi và chủ động sắp xếp tham gia tập luyện.

Ngày mùa bận, có thể vài tuần hay một tháng họ tập một lần, khi rảnh có thể tập tới vài buổi một tuần là điều rất bình thường.

Hiện CLB chia làm 3 chi hội nhỏ thuộc các xóm Thanh Trà, Táo và Cao Sơn để tập luyện, tham gia biểu diễn ở các lễ hội lớn nhỏ của địa phương như hội Đình làng Thanh Trà, Đền Mẫu Sơn Cẩm... Bên cạnh đó CLB cũng duy trì hoạt động giao lưu với các CLB thuộc các huyện, tỉnh bạn như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh... khoảng 3 - 4 lần mỗi năm.

Nếu như người Tày có hát Then, người Sán Chay có múa Tắc Xình,... thì Soọng Cô chính là một chiếc “căn cước văn hóa” của người Sán Dìu. Vì lẽ đó mà mỗi người Sán Dìu như nghệ nhân Đặng Thanh Bình nói riêng và những người yêu tiếng hát Soọng Cô nói chung luôn luôn khát vọng làm sao để từng lời ca “hồi sinh” trọn vẹn nhất.

Từ trước khi có CLB, nghệ nhân Đặng Thanh Bình đã có thói quen sưu tầm những bài hát viết bằng chữ Hán trong các cuốn sách cổ rồi dịch lại tiếng phổ thông. Đến nay, số lượng bài hát được ông dịch đã lên tới hơn 200 với sự đa dạng chủ đề, từ ca ngợi quê hương đất nước, cuộc sống lao động đến những bài hát về đời sống sinh hoạt... những thứ bình dị nhất gắn liền với người nông dân.

Sau đó,ông còn gửi bản sao cuốn sổ ghi chép lời hát cho các CLB Soọng Cô từ Tuyên Quang đến Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh... vừa là để chia sẻ giao lưu, vừa quảng bá những nét đẹp riêng có của Soọng Cô Thái Nguyên.

Nhìn những quyển sổ đã cũ màu theo thời gian nhưng bên trong chứa đựng nét chữ ngay ngắn, nắn nót, được sắp xếp từng câu, đoạn rõ ràng của ông mới cảm nhận được sự tâm huyết của người nghệ nhân với điệu hát hồn cốt dân tộc mình đến nhường nào.

Những người con Sán Dìu đang chung một ước mong gìn giữ được ngôn ngữ của dân tộc, hồi sinh lời ca tiếng hát của cha ông. 

Nghệ nhân Đặng Thanh Bình giới thiệu cho các bạn trẻ những lời hát Soọng Cô được ghi chép trong cuốn sổ cũ.

Nghệ nhân Đặng Thanh Bình giới thiệu cho các bạn trẻ những lời hát Soọng Cô được ghi chép trong cuốn sổ cũ.

Đau đáu tìm người “giữ lửa”

Soọng Cô có sức sống lâu đời trong kho tàng văn hóa của người Sán Dìu. Nhưng điều dễ nhận thấy là loại hình nghệ thuật này đang phải đối diện với nguy cơ mai một. Một làn điệu đặc sắc nhưng chỉ “sống” trong một bộ phận nhỏ là nhóm các CLB hát Soọng Cô, trong đó chủ yếu là các cụ, các bác đã lớn tuổi.

“Soọng Cô không đơn thuần chỉ là một làn điệu nữa mà đó là tiếng nói, là nguồn gốc của người Sán Dìu, nên nhiều người dày công hồi sinh lại nó. Giờ chỉ mong sao con cháu mình biết trân trọng và hiểu được giá trị ấy. Chúng tôi chỉ mong các gia đình, làng xóm làng thấu hiểu điều này để truyền giữ làn điệu này cho lớp con cháu”, nghệ nhân Đặng Thanh Bình trăn trở.

Mong muốn là như vậy, nhưng thực tế, các CLB Soọng Cô không có sự tham gia của các bạn trẻ. Chương trình trong trường học không có, mở lớp dạy thì các cháu chưa đủ yêu thích để đến học. Các nghệ nhân Soọng Cô chia sẻ luôn sẵn lòng mở lớp, dạy buổi tối,  cuối tuần hay trong hè…,miễn phí hoàn toàn, chỉ cần các cháu, các em đến học. Thế nhưng, việc này đến nay vẫn chỉ là mong ước.

“Mỗi nhà là một lớp học, mỗi người là một giáo viên, cố gắng truyền cảm hứng cho con cháu mình hiểu và yêu tiếng nói, văn hóa dân tộc mình. Chỉ có như thế may ra con đường truyền dạy lưu giữ mới có hi vọng” - nghệ nhân Đặng Thanh Bình tâm huyết.

Phục dựng và hồi sinh được giá trị văn hóa dân tộc đã là vô cùng đáng quý, nhưng để tiếp tục giữ lửa, lan tỏa, có sức sống còn khó hơn nữa. Trước mắt, các địa phương có CLB Soọng Cô trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vẫn đang thiếu nguồn xã hội hoá để hỗ trợ duy trì hoạt động của CLB. Công tác tuyên truyền cũng còn hạn chế, cho nên nhiều người trẻ chưa thực sự hiểu và yêu thích loại hình nghệ thuật cổ truyền của cha ông mình.

“Địa phương luôn trăn trở và nỗ lực mọi cách để giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào, tuy nhiên cũng gặp không ít khó khăn. UBND tỉnh Thái Nguyên đã có quyết định về việc thành lập Hội Bảo vệ và Phát huy giá trị văn hóa dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên, dự kiến tổ chức Đại hội I của Hội trong tháng 5/2021 tại xã Sơn Cẩm.

Đây là một cơ hội tốt để phát huy văn hóa Sán Dìu nói chung, đặc biệt là Soọng Cô nói riêng. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực, tạo mọi điều kiện có thể, với hy vọng Soọng Cô sẽ có sức sống mãnh liệt hơn nữa”, ông Nguyễn Sỹ Bình, Chủ tịch UBND xã Sơn Cẩm nhấn mạnh. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.