Điều ông Putin tự hào

GD&TĐ - Bất chấp các lệnh trừng phạt kinh tế và cô lập, Nga vẫn là đối tác chủ chốt trong thương mại toàn cầu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn kinh tế quốc tế St.Petersburg (SPIEF)
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn kinh tế quốc tế St.Petersburg (SPIEF)

Phát biểu tại phiên họp toàn thể của Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn kinh tế quốc tế St.Petersburg (SPIEF), Tổng thống Nga Vladimir Putin đã khẳng định Nga vẫn là một trong những nước tham gia chính trong thương mại thế giới trong bối cảnh gặp phải mọi trở ngại và lệnh trừng phạt.

"Bất chấp mọi trở ngại và lệnh trừng phạt bất hợp pháp, Nga vẫn là một trong những nước tham gia chủ chốt trong thương mại thế giới và đang tích cực phát triển hợp tác về hậu cần và địa lý. Do đó, mối quan hệ của chúng ta với các nước châu Á đang được tăng cường" - ông Putin khẳng định.

Sự phát triển của các thị trường mới đòi hỏi những kết nối giao thông mới. Ông Putin gọi việc phát triển mạng lưới Đường sắt phía Đông là một trong những nhiệm vụ chính của Nga.

"Ở hướng Đông, hướng tới Trung Quốc và các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, dự án chính đối với chúng tôi là phát triển cái gọi là Tuyến đường sắt phía Đông. Đến năm 2030, công suất của Tuyến đường sắt phía Đông sẽ tăng lên 210 triệu tấn và đến năm 2032 sẽ tăng lên 270 triệu tấn” - ông Putin nói tại diễn đàn.

Nhà lãnh đạo Nga cho biết, các quốc gia thân thiện với Nga chiếm 3/4 thương mại của nước này và Nga cũng đảm bảo sự cân bằng lợi ích của tất cả những nước tham gia thương mại với Liên minh kinh tế Á-Âu.

"Sự chú ý đặc biệt cũng sẽ được dành cho hướng phía Nam. Các kế hoạch phát triển hành lang vận tải quốc tế Bắc-Nam cũng như hành lang theo hướng Azov-Biển Đen đã được thông qua" - ông nói.

Tổng thống Nga cũng khẳng định, Nga sẵn sàng đề xuất quan hệ đối tác công nghệ toàn diện với các nước khác.

Ông Putin tự hào nền kinh tế Nga đang phát triển nhanh hơn so với các cường quốc toàn cầu khác và đang phát triển mà không phụ thuộc vào dầu khí.

GDP của Nga đã tăng 3,6% vào năm ngoái, phục hồi sau mức suy thoái 1,2% trong bối cảnh các lệnh trừng phạt liên quan đến Ukraine vào năm 2022. Trong quý đầu tiên của năm 2024, mức tăng trưởng GDP đạt 5,4%, vượt quá mức trung bình thế giới.

Tổng thống Nga cam kết những thay đổi cơ cấu quan trọng để đạt được chất lượng và nội dung mới của tăng trưởng kinh tế. Xu hướng này phần lớn bắt nguồn từ các ngành công nghiệp không dựa vào tài nguyên.

Theo nhà lãnh đạo Nga, năm 2023, trên 40% tăng trưởng GDP đến từ các ngành cơ bản như sản xuất, xây dựng, hậu cần, truyền thông và nông nghiệp, trong khi khoảng 60% là từ các ngành hỗ trợ như thương mại, khách sạn và dịch vụ tài chính.

Nga đã đặt mục tiêu gia nhập bốn nền kinh tế lớn nhất toàn cầu và dường như đã đạt được điều này. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới công bố tuần trước, Nga hiện được xếp hạng là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới dựa trên sức mua tương đương, vượt qua Nhật Bản và Đức. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga nói thêm rằng điều quan trọng hiện nay là “đảm bảo tốc độ tăng trưởng cao và chất lượng tăng trưởng trong dài hạn” để duy trì vị thế của Nga.

Nhiều nhà phân tích cho rằng sự tăng trưởng kinh tế ổn định của Nga trước những thách thức này là nhờ việc nước này chuyển hướng sang các thị trường ở Châu Phi, Trung Đông và Châu Á, cũng như những thay đổi tài chính được các cơ quan tài chính của nước này áp dụng.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hồi tháng 4 cho biết họ kỳ vọng nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng nhanh hơn tất cả các nền kinh tế tiên tiến vào năm 2024. Theo dự báo của tổ chức này, GDP của nước này được dự báo sẽ tăng trưởng 3,2%, vượt tốc độ tăng trưởng dự kiến của Mỹ (2,7%), Anh (0,5%), Đức (0,2%) và Pháp (0,7%).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ