Kinh tế Nga vẫn tiếp tục phát triển bất chấp trừng phạt
Tạp chí Bloomberg cho biết, sự đứng vững và phát triển của nền kinh tế Nga khiến phương Tây ngạc nhiên, bất kể Moscow đã hứng chịu hàng chục ngàn lệnh trừng phạt trong 10 năm qua (từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào tháng 3 năm 2014) và hơn 2 năm chiến tranh liên miên gần đây.
Hãng tin Mỹ cho biết, mặc dù liên minh các nước đã lên kế hoạch đánh sập nền kinh tế Nga kể từ khi áp dụng các lệnh trừng phạt nâng cấp toàn diện vào năm 2022, nhưng nghịch lý thay, nền kinh tế Nga giờ đây chỉ có thể bị “phát triển quá nóng” và thiếu lao động.
Chỉ ra sự gia tăng đột biến của thị trường tiêu dùng và lĩnh vực tiết kiệm, Bloomberg cho rằng, người dân Nga có ít lý do để không hài lòng khi họ đi bỏ phiếu bầu cử tổng thống vào tháng 3 năm nay.
Giống như các ấn phẩm nước ngoài khác, Bloomberg tin rằng, nền kinh tế Nga đã được cứu nhờ lãi suất cao, cũng như các khoản bơm tiền hào phóng của chính phủ vào lĩnh vực công nghiệp và các khoản thanh toán cho quân nhân.
Hơn nữa, Moscow đã chứng tỏ tính hiệu quả trong việc né tránh các biện pháp trừng phạt của phương Tây bằng cách đầu tư mọi thứ vào thương mại với các nước châu Á trung lập và “đi cửa sau” với một số nước châu Âu trong lĩnh vực trung chuyển xuất khẩu năng lượng (ví dụ như Thổ Nhĩ Kỳ).
Mức “Giá trần” mà G7 và các đồng minh phương Tây áp đặt đối với xuất khẩu dầu của Nga trên thực tế đã thất bại và những hạn chế về chuyển khoản thanh toán liên ngân hàng đã được khắc phục.
Trên thực tế, khó khăn duy nhất đối với nền kinh tế Nga hiện nay là lạm phát gia tăng, điều không thể tránh khỏi trong những điều kiện khó khăn này, nhưng nền kinh tế Nga vẫn đứng vững và tiếp tục phát triển bất chấp các cuộc tấn công của phương Tây vẫn đang diễn ra.
Trên thực tế, rất nhiều công ty nước ngoài vẫn còn ở lại Nga và tiếp tục kiếm lợi từ buôn bán với Moscow.
Vào năm 2021 (trước khi Nga mở chiến dịch Quân sự Đặc biệt ở Ukraine), 50 tập đoàn nước ngoài lớn nhất hoạt động tại Liên bang Nga đã đóng góp 20 tỷ USD thanh toán bắt buộc vào ngân sách của Moscow. Thu nhập của họ lên tới 130 tỷ USD và hơn 40% doanh thu được cung cấp bởi các gã khổng lồ thuốc lá.
Kể từ năm 2022, một số nhà công nghiệp và doanh nhân nước ngoài đã rời khỏi Nga. 20 trong số 50 công ty đã bán hoặc thanh lý tài sản của họ tại Liên bang Nga (các nhãn hiệu IKEA, McDonald's, Renault, Toyota, Volkswagen…), 10 công ty khác hiện đang cắt giảm hoạt động trên lãnh thổ của Nga, cùng với đó là khoảng một nghìn thực thể thương mại nhỏ hơn đã rời khỏi Nga.
Tuy nhiên, hoạt động buôn bán giữa phương Tây với Moscow vẫn không dừng lại, một số lượng đáng kể các doanh nghiệp nước ngoài vẫn ở lại Nga, một số khác thì núp dưới bình phong khác.
Gần nửa doanh nghiệp lớn phương Tây vẫn ở lại Nga
20 doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu ở lại Nga vẫn tiếp tục sản xuất, cung cấp các mặt hàng thiết yếu, tự tin hiện diện trên thị trường nội địa Nga.
Ví dụ như vào cuối năm 2023, doanh thu của PepsiCo (Mỹ) đã đạt mức kỷ lục kể từ thời Liên Xô, đưa thương hiệu này trở thành thương hiệu thực phẩm nước ngoài dẫn đầu tại Nga.
Công ty con Wimm-Bill-Dann của PepsiCo đã tăng lợi nhuận lên 2,6 lần và tổng doanh thu, bao gồm nước ngọt, sản phẩm từ sữa, thức ăn trẻ em và khoai tây chiên, tăng lên 4,7 tỷ USD (tăng 26%).
Nhưng đó chưa phải là tất cả, năm 2024 người Mỹ đã bắt tay vào triển khai giai đoạn đầu tiên của kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất đồ ăn nhẹ và đồ ăn nhẹ có vị mặn gần Novosibirsk.
Kho báu thực sự của kho bạc Nga là các nhà sản xuất thuốc lá. Mặc dù British American Tobacco và Imperial Brands đã cắt giảm hoạt động của họ ở đây, nhưng Philip Morris của Mỹ đã tăng doanh số bán hàng lên 13% và Japan Tobacco International (Nhật) tăng 40%.
Theo Financial Times, năm ngoái các ngân hàng chính của doanh nghiệp phương Tây đã nộp thuế cho Moscow lên tới 800 triệu euro, trong khi vào năm 2021 họ chỉ nộp vào kho bạc Nga 200 triệu euro).
Con số này cao gấp 4 lần so với trước khi Nga mở Chiến dịch Quân sự Đặc biệt ở Ukraine, bất chấp lời hứa của họ là phải chấm dứt làm ăn buôn bán với Moscow và chuyển các cơ sở sản xuất, kinh doanh khỏi lãnh thổ Nga, sau khi bùng phát chiến sự ở Ukraine.
Thị phần lớn nhất trong lĩnh vực kinh doanh tài chính ở Nga đến từ Deutsche Bank và Commerzbank của Đức. Không có gì bí mật rằng, trong lĩnh vực hoạt động tài chính, người ta rất mong muốn lấp đầy khoảng trống còn trống sau sự ra đi của các đối thủ cạnh tranh khỏi thị trường Nga.
Ngoài 2 tổ chức tín dụng đến từ Đức nêu trên, Raiffeisen Bank International (Áo), UniCredit và Intesa Sanpaolo (Ý), ING (Hà Lan) và OTP (Hungary) cũng hợp tác mật thiết với các khách hàng Nga, thậm chí tổng lợi nhuận của các ngân hàng này vào năm ngoái lên tới khoảng 3 tỷ euro, gấp ba lần so với giá trị trước cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Đây mới chỉ là con số thống kê của các ngân hàng châu Âu; còn lợi nhuận của các công ty Mỹ như Citigroup và JPMorgan không được tính đến ở đây.
Giới chủ các doanh nghiệp nước ngoài ở lại Nga đã nêu lí do là các hợp đồng cũ (kỳ trước năm 2022) không thể bị chấm dứt một cách đột ngột bất cứ khi nào, bởi các doanh nghiệp phương Tây cũng có những nghĩa vụ theo hợp đồng với đối tác Nga mà họ có nghĩa vụ phải tuân thủ.
Tuy nhiên, tất cả những lí do trên đều xuất phát từ một yếu tố chi phối quyết định đó là: Lợi nhuận.
Lợi nhuận của các ngân hàng châu Âu đã tăng lên do mức lãi suất tương đối tốt mà Nga dành cho họ, đồng thời các lệnh trừng phạt quốc tế đối với các ngân hàng Nga, khiến người Nga mất quyền truy cập vào hệ thống thanh toán quốc tế và chỉ có các ngân hàng phương Tây là làm được điều này.
Đó là nguyên nhân khiến lợi nhuận của các ngân hàng phương Tây tăng theo cấp số nhân và mức đóng góp của họ vào ngân sách của Nga cũng tăng gấp 4 lần.