(GD&TĐ) - Hỏi: Tôi có thời gian hơn 10 năm là công chức ở cơ quan nhà nước, có trình độ thạc sĩ, trước khi chuyển công tác tôi đã thi đạt yêu cầu và được xếp ngạch chuyên viên chính bậc 3. Tháng 10/2012 tôi xin chuyển công tác sang trường đại học công lập theo nguyện vọng cá nhân, đơn vị mới tiếp nhận nhưng xếp lương ngạch giảng viên đại học, không xếp lương ngạch giảng viên chính đại học. Xin được hỏi chuyên mục Hộp thư bạn đọc, việc xếp lương của tôi như vậy đã đúng chưa? Nếu muốn chuyển giảng viên chính tôi có phải tham gia thi nâng ngạch nữa không và điều kiện thế nào? – Nguyễn Phương Ngọc (ngphuongngoc@gmail.com).
Ảnh có tính chất minh họa/internet |
* Trả lời: Theo Điều 20 Luật Viên chức, việc tuyển dụng viên chức phải căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và quỹ tiền lương của đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo thư bạn viết, bạn đã có 11 năm là công chức ở cơ quan nhà nước, có trình độ thạc sĩ, trước khi chuyển công tác bạn đã thi đạt yêu cầu và được xếp ngạch chuyên viên chính bậc 3. Tháng 10/2012, khi chuyển đến đơn vị mới là trường đại học công lập theo nguyện vọng cá nhân, bạn chỉ được xếp ngạch giảng viên đại học.
Việc đơn vị mới tiếp nhận và xếp ông vào ngạch giảng viên đại học là căn cứ vào nhu cầu công việc, vị trí việc làm cần tuyển dụng, cơ cấu chức danh nghề nghiệp viên chức và quỹ tiền lương của đơn vị.
Theo quy định tại điểm a, mục 3, phần II Thông tư số 79/2005/TT-BNV, trường hợp công chức, viên chức sau khi chuyển công tác mới, làm công việc gì thì bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức đó; được bổ nhiệm vào ngạch công chức, viên chức nào thì xếp lương theo ngạch công chức, viên chức đó.
Căn cứ vào những quy định trên và theo thư bạn viết, việc bạn được xếp lương theo ngạch giảng viên đại học là phù hợp với quy định của pháp luật về tuyển dụng, bổ nhiệm viên chức.
Theo quy định tại điểm b, khoản 1 và khoản 2 Điều 29 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức thì khi thăng hạng từ hạng thấp lên hạng cao hơn liền kề trong cùng ngành, lĩnh vực (trước đây gọi là nâng ngạch) phải thực hiện thông qua việc thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Các Bộ quản lý chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện, nội dung, hình thức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức.
Về trường hợp của bạn, bạn cần đối chiếu với quy định cụ thể của trường đại học công lập nơi bạn công tác để biết điều kiện, tiêu chuẩn dự thi hoặc xét thăng hạng (nâng ngạch) giảng viên chính đại học của nhà trường.
GD&TĐ Online